Nữ tiếp viên hàng không bị tài xế xe Mercedes tông và những cơn ác mộng...
Một người mẹ... rất khác
Chúng tôi đến nhà khi Nguyễn Thị Bích Hường, - nữ tiếp viên hàng không bị xe Mercedes tông xảy ra từ đầu năm nay - đang gói hàng cho khách. Giữ được tính mạng sau vụ tai nạn với thương tật 79%, mọi thứ với người mẹ đơn thân đang thay đổi. Những tháng ngày qua, cô làm công việc bán hàng online mưu sinh.
Cô ngồi trong nhà đóng hàng, gói hàng, nói chuyện với khách. Mỗi khi shipper đến, Hường đều phải nhờ đến các chú bảo vệ ở chung cư giao nhận giúp.
Nhắc về vụ tai nạn, Hường chỉ nhớ hình ảnh xe ô tô lao vào, đèn xe chiếu xoẹt trong chớp mắt. Bác tài xế Garb mất mạng, còn Hường thay cho chuyến bay đi Úc đầu năm là vào thẳng bệnh viện với chuỗi ngày đau đớn khủng khiếp, trải qua hàng loạt ca phẫu thuật...
"Khi đó, tôi chỉ ước mình có thể đứng dậy; ước có thể được đi tắm vì có thời điểm, tôi phải nằm một chỗ lở cả lưng, ngứa ngáy vô cùng... Những cơn đau, đau lắm, đau không có điểm dừng, tôi nghĩ sống thế này thì không bằng chết", Hường trầm ngâm.
Bận vật lộn với nỗi đau thân thể phần nào giúp vơi đi nỗi đau tinh thần. Cô nhắc mình phải sống với động lực là cậu con trai nhỏ chưa đến 2 tuổi, bé Kun, đang chờ mẹ trở về.
Nhưng rồi, ngày trở về nhà từ bệnh viện, cô mới hiểu thế nào là nỗi đau trong tâm can. Thấy mẹ, Kun lao đến đòi ôm mẹ, đòi mẹ bế. Mọi người kéo con ra, con gào khóc và lúc này Hường òa khóc, khóc khi nhìn thấy nỗi đau tinh thần của mình. Hường biết, cuộc đời, tương lai mình đã thay đổi, kể cả trong vai trò một người mẹ.
Hường làm quen với con ở một trạng thái mới. Và Kun, con trai Hường cũng bắt đầu làm quen với những vết sẹo trên người, trên chân mẹ, làm quen với đôi nạng của mẹ...
Hường không thể chăm con, không thể bế con, chạy nhảy theo con. Tất cả phải nhờ bà ngoại. Nhiều hôm ngồi chơi cùng con, Kun kéo tay mẹ, đòi mẹ chơi cùng, chạy nhảy cùng, Hường chỉ biết ôm con vào lòng vỗ về...
Hay khi nhìn con chơi đùa, biết con sắp bị ngã, hay con ngã đấy mà mẹ cũng không lại đỡ con được. Cảm giác bất lực lại tràn về.
Trường Kun học chỉ cách nhà một đoạn, chưa đến một cây số. Nhiều người ở trong chung cư, buổi sáng có thể tung tăng dắt con đi bộ đi học, còn Kun vẫn phải đi bằng xe đưa đón của trường. Mẹ không thể đưa con đi được.
Hường làm quen với Kun ở một trạng thái mới. Và Kun cũng bắt đầu làm quen với những vết sẹo trên người, trên chân mẹ, làm quen với đôi nạng của mẹ...
Nhiều lần thấy mẹ tập đi, giơ chân lên, nhăn mặt, Kun liền chạy đến xuýt xoa: "Đau lắm!", rồi lại vuốt chân, thổi phù phù cho mẹ.
"Chấp nhận không có nghĩa là hết đau"
Hường đẹp và trẻ hơn tuổi của mình dù người quen gặp, ai cũng nói cô đã già đi mấy tuổi sau vụ tai nạn. Trước đây, không ai nghĩ cô sinh năm 1990 và đã có một đứa con.
Trước khi trở thành tiếp viên, cô gái Hà Nội Nguyễn Thị Bích Hường theo học MBA (Thạc sĩ quản trị kinh doanh) ở Đài Loan và ở lại làm việc trong một tập đoàn. Nhưng rồi cô nhận ra con người mình không phù hợp làm việc ở văn phòng và hơn nữa, sống ở nước ngoài, cô luôn có cảm giác thiêu thiếu điều gì đó...
Ước mơ trở thành tiếp viên hàng không từ bé thôi thúc cô gái. Cách đây gần 5 năm, cô về nước trở thành tiếp viên hàng không, thỏa sức với cá tính năng động, thích bay nhảy, đi đâu đi đó của mình...
"Tôi vẫn tin, một ngày nào đó tôi thể đi lại bình thường, tôi có thể trở lại công việc của một tiếp viên hàng không mà mình yêu thích", Nguyễn Thị Bích Hường chia sẻ.
"Tôi được là chính mình với công việc này", Hường nói. Nhưng mọi thứ lúc này đã thay đổi cả tương lai, cuộc đời, con người... Không chỉ bị thương tật, giờ cô đây tù túng, bức bí, không được sống chính là mình.
Hường cho biết, công ty có kế hoạch thu xếp cho cô một công việc ở mặt đất. Cô cũng đang chờ xem liệu sức khỏe mình có cho phép để theo công việc hay không.
Người mẹ trẻ kể, trước đây, dù có chuyện gì xảy ra, cô vẫn động viên mình, mình vẫn còn may mắn vì mình có sức khỏe, lành lặn... thì mình phải vượt qua. Nhưng giờ đến sức khỏe cô cũng không có.
Hường nghẹn ngào: "Tôi vẫn tự nói với mình, cái gì không thay đổi được thì phải chấp nhận. Như lúc này, mình phải chấp nhận nhưng không có nghĩa là mình hết đau".
Trong tâm thức, Hường vẫn có niềm tin, một ngày nào đó cô thể đi lại bình thường, cô có thể trở lại công việc của một tiếp viên hàng không.
Về bản án với tài xế lái xe Mercedes gây tai nạn (ngày 16/12, TAND quận Phú Nhuận, TPHCM tuyên phạt Nguyễn Trần Hoàng Phong 7 năm 6 tháng tù giam về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ; bồi thường thiệt hại cho gia đình bị hại Lê Mạnh Thường hơn 477 triệu đồng và bị hại Nguyễn Thị Bích Hường hơn 1,4 tỷ đồng), Hường cho rằng quá nhẹ. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho cô cũng đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Vụ tai nạn ám ảnh người mẹ trẻ. Hường giờ không dám ngồi xe máy, nghe tiếng còi xe, ánh đèn xe là giật mình hoảng hốt. Nhiều đêm, cô bật dậy òa khóc khi vụ tai nạn lại trở về trong cơn ác mộng...