Ông Dương Thanh Tùng – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang cho biết: Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) Bắc Giang đến nay đã thực sự mang lại hiệu quả cao, được các địa phương vào cuộc tích cực, đặc biệt là thu hút sự tham gia nhiệt tình của người dân với nhiều cách làm sáng tạo, từ đó đã huy động, khơi dậy được sức dân trong quá trình thực hiện.
Chỉ tính riêng năm 2020, Bắc Giang đã vận động gần 5.600 hộ hiến trên 21ha đất các loại, tham gia trên 90.000 ngày công lao động, phá dỡ gần 30.000m2 tường rào để xây dựng công trình công cộng, điển hình như huyện Lục Nam, Tân Yên, Hiệp Hòa. Đến nay, số vốn đóng góp của người dân Bắc Giang là rất cao, chiếm khoảng 25% tổng số vốn của chương trình.
Bắc Giang đã có 3 đơn vị cấp huyện: Việt Yên, Lạng Giang, Tân Yên đạt chuẩn NTM; 127 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 69% tổng số xã; 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 154 thôn nông thôn mới, 72 thôn kiểu mẫu. Với những con số này, Bắc Giang đang đứng tốp đầu khu vực miền núi phía Bắc về kết quả xây dựng NTM.
Hạ tầng cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tiếp tục được nâng cấp, xây dựng, nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, phúc lợi, diện mạo nông thôn được đổi mới, khang trang, sạch, đẹp.
Về kết quả thực hiện các mục tiêu, Bắc Giang đã có 154 xã đạt tiêu chí giao thông (chiếm 83,7%), 154 xã đạt tiêu chí thủy lợi (chiếm 83,7%), 168 xã đạt tiêu chí trường học (chiếm 91,3%), 127 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (chiếm 69%).
Bên cạnh những kết quả nổi bật về xây dựng NTM, chương trình OCOP của Bắc Giang cũng đã gặt hái được nhiều thành công.
Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Bắc Giang đã có 95 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Trong đó có 24 sản phẩm 4 sao; 71 sản phẩm đạt 3 sao.
Chương trình OCOP đã tạo phong trào khởi nghiệp sâu rộng trong cộng đồng, phát huy thế mạnh của Bắc Giang, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và đây cũng là giải pháp quan trọng xây dựng nông thôn mới bền vững.
Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, ông Lê Ô Pích – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, để đạt được kết quả đáng ghi nhận này, ngoài sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, còn có sự chủ động trong thực hiện của Ban Chỉ đạo tỉnh Sở, ban, ngành.
Sự vào cuộc xây dựng NTM ở các thôn, xóm tiếp tục được phát huy, nhất là trong thực hiện thôn NTM kiểu mẫu đã tạo thành phong trào, người dân thực sự là chủ thể trong tổ chức thực hiện, từng bước hình thành "Làng quê đáng sống" tại các xã đã đạt chuẩn.
"Kết quả này đã khẳng định tính phù hợp của việc xây dựng nông thôn mới bền vững của tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua" – ông Pích nhấn mạnh.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thời tiết, dịch bệnh Covid-19, nhưng năm 2020 sản xuất nông nghiệp tỉnh Bắc Giang vẫn đạt kết quả nổi bật, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 6,7%, cao nhất 10 năm trở lại đây.
Trong đó, lĩnh vực trồng trọt sản xuất quy mô lớn, theo hướng hàng hóa tập trung ngày càng phổ biến. Một số sản phẩm nông sản của Bắc Giang đã xuất khẩu sang những thị trường khó tính, như vải thiều xuất khẩu sang Nhật, Mỹ; bưởi đào đường xuất khẩu sang Nga.
Ông Dương Thanh Tùng – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang cho biết: Năm 2020, Bắc Giang đã có 58 mô hình ứng dụng công nghệ cao quy mô trên 2.000 m2, nhiều dự án liên kết gắn sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ được hình thành. Nhờ đó giá trị sản xuất/ha đất nông nghiệp đạt 120 triệu đồng, tăng 15 triệu đồng so với năm 2019.
Tư duy trong sản xuất của người dân cũng đã có sự thay đổi rõ rệt. Lĩnh vực chăn nuôi được đẩy mạnh theo hướng trang trại, gia trại và an toàn sinh học.
Về lĩnh vực thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng thâm canh, bán thâm canh theo hướng VietGap, an toàn sinh học. Toàn tỉnh có 52 vùng nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGap với diện tích 750ha.
Cũng theo ông Tùng, các hình thức tổ chức sản xuất của Bắc Giang được đổi mới, phát triển cả về số lượng, chất lượng, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, hỗ trợ tốt cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình.
"Đến nay thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tỉnh Bắc Giang đã đạt khoảng 43 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5,01% năm 2019 xuống 3,5% năm 2020 (giảm 1,51%, riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm khoảng 4%)" – ông Tùng chia sẻ.
Mặc dù, Chương trình xây dựng NTM của Bắc Giang đạt được nhiều kết quả ghi nhận, nhưng tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM giữa huyện miền núi và đồng bằng vẫn còn sự chênh lệch khá lớn. Điển hình là huyện miền núi Sơn Động đến nay vẫn chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Vì vậy, để tiếp tục thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng NTM trong giai đoạn mới 2021 – 2025, Bắc Giang đã đề ra những mục tiêu trọng tâm: Phấn đấu đến cuối năm 2021 có 138/184 xã đạt chuẩn, đưa huyện Yên Dũng đạt huyện nông thôn mới. Số tiêu chí bình quân đạt 16,8 tiêu chí/xã, tăng thêm 0,5 tiêu chí/xã so với năm 2020 và có thêm tối thiểu 20 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh.
Để đạt được mục tiêu này, tại Hội nghị tổng kết chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, ông Lê Ô Pích đã chỉ ra một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận thôn, xóm để nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về Chương trình NTM với phương châm "Xây dựng NTM là của dân, do dân, người dân hưởng lợi, dân làm, nhà nước hỗ trợ, tránh tâm lý ỷ lại vào ngân sách Nhà nước".
Xác định "Xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, là nhiệm vụ thường xuyên và của cả hệ thống chính trị".
Đối với các huyện miền núi Bắc Giang, phải quyết tâm hơn, có cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Chú trọng sự tham gia của người dân, huy động được nội lực của dân. Trước mắt tập trung nguồn lực hỗ trợ xây dựng thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới.
Đẩy nhanh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học. Xác định ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là yếu tố then chốt, động lực chính cho tăng trưởng, nâng cao giá trị gia tăng, từng bước hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đặc biệt, cần phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng và đặc sản, thế mạnh của địa phương gắn với xây dựng thương hiệu, bao bì nhãn mác sản phẩm, truy xuất nguồn gốc; tập trung nâng hạng sản phẩm OCOP. Coi đây là giải pháp thực hiện xây dựng NTM bền vững.
Cũng tại Hội nghị tổng kết chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 202, tỉnh Bắc Giang đã trao chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao năm 2020 cho các tổ chức kinh tế, HTX.