Dân Việt

Truyện dự thi: Thời trang áo vá

Vân Hạ 02/01/2021 16:27 GMT+7
Con bé bốn tuổi xí xọn trong bộ đồ mới tinh có những mảnh vá chói màu người ta cố ý cho làm nổi. Thời trang color block, thời trang áo vá. Cũng như thời trang quần rách, thời trang áo vá nhìn bụi bụi, vui vui, nhưng không phải một sáng tạo mới.

Từ nửa thế kỉ trước làng tôi đã có rồi. Nhà thiết kế kiêm người mẫu duy nhất là bà Thinh. Bà thường xuyên trình diễn trên đường làng.

Truyện dự thi: Thời trang áo vá - Ảnh 1.

Hình minh hoạ. Ảnh: Internet

Áo vá thời đó nhiều người mặc. Áo vá đúng nghĩa người ta sẽ lựa những mảnh vá cắt từ những chiếc áo cũ cùng màu, mảnh vá càng bạc màu tiệp với thân áo càng tốt. Đây là nghệ thuật che giấu sự nghèo. Nhưng áo vá thời trang cần những mảnh vá tương phản với màu áo, càng chói với màu áo càng nổi. Bà Thinh có lẽ là người duy nhất trong làng vá áo theo phong cách này. Vì vậy tôi xếp cách vá áo của bà vào trường phái thời trang, không phải trường phái che giấu sự nghèo.

Bà Thinh bị mang tiếng hay chữ, nhưng bà không biết chữ. "Hay chữ" là cách nói với ý bỡn cợt xỏ xiên, không phải khen, bắt đầu từ một người nào đó trong làng rồi thành của người làng. Ví như khi người ta đang nói về chuyện chạy chọt hối lộ, có người tức cảnh sinh… thơ phát ra câu "Qua sông thì phải lụy đò" liền được "khen": anh này (chị này) hay chữ nhỉ, ngang với bà Thinh!

Người được "khen" sẽ tẽn tò im tịt vì bị mang ra so với bà Thinh. Hồi nhỏ tôi hay gặp bà trên đường lúc bà đi làm về. Quần bà xắn cao quá đầu gối dính lấm tấm hoa bùn do đuôi trâu phất lên. Nhưng những mảnh vá trên áo bà mới làm tôi thích thú, nhìn vui mắt. 

Các miếng vá ngang dọc xen kẽ nhiều màu, đen, xanh, trắng yếm và cả nâu, nhiều nhất là đen, vuông dài lớn nhỏ khác nhau, như những hòn đảo nhỏ trong một quần đảo trên bản đồ, đó là sau này khi tôi đã đi học. Còn lúc nhỏ chúng làm tôi liên tưởng đến những thẻo đất bà ngoại tôi khai hoang rải rác trên các gò hoang đầu bờ của hợp tác xã. 

Có mảnh trồng được chục cây cải nở hoa vàng bà để lấy hạt giống, chỗ trồng được mười lăm, hai chục bắp ngô, chỗ gieo được ít cây vừng, chỗ thả ít dây khoai lang. Hay những chỗ trũng sâu quá hợp tác bỏ lại bà cũng cố cấy xuống mấy nắm mạ lúa dài. Hồi đó tôi chưa hiểu được tại sao bà tôi thèm đất tiếc đất đến vậy. "Thôn ta hợp tác lâu rồi. Lúa ta chen đứng chen ngồi bên nhau. Bờ ta phá bỏ từ lâu…", bài trong sách Tập Đọc chúng tôi đọc ra rả, sao bà tôi vẫn thèm được chăm sóc một thẻo đất riêng như một người còn nặng tư tưởng tiểu nông? Tuy vậy, tôi thích ngắm những miếng "vườn" con con như đồ chơi giữa cánh đồng của bà. Chúng cũng như những miếng vá trên áo bà Thinh, hay hay ngồ ngộ.

Một buổi chiều muộn tôi gặp bà Thinh đi làm về. Vai vác cày bà vừa đi vừa chửi. Bà chửi hay như hát. Còn mấy thằng con trai con nhà bất trị thì đang thích chí cười. Khi bà không chửi nữa nó lại châm chọc mấy câu để bà chửi tiếp. Có mấy người lớn đi sau bà cũng cười. Thấy bà vừa chửi vừa thở mệt tôi chỉ muốn nói bà đừng chửi nữa, đừng mắc mưu chúng nó, nhưng không dám. Người lớn còn không thấy ai nói gì, trẻ con lớ xớ coi chừng ăn chửi oan.

Nhưng thật ra tôi sợ mấy thằng con trai kia. Tôi biết mấy thằng này lắm. Thằng cầm đầu lớn hơn tôi ba, bốn tuổi nhưng ở làng vẫn mày tao. Tôi cũng từng bị chúng nó chế giễu cười cợt như đã cười cợt bà Thinh. Nó còn gọi tôi là con tức cười. A con tức cười! Đến xem con tức cười này chúng mày ơi! Rồi buồn tay nó thụi tôi một quả đau đến tức thở. Tôi khóc còn bọn nó cười rộ. Hôm sau tôi gặp thằng Còi con bà Thinh đi bắt ốc vịt về (ốc hột cho vịt ăn), nó nhỏ nhẹ bảo tôi sao hôm qua không chạy đi đứng đấy làm gì cho chúng nó đánh. Thì ra lúc đó có nó ở đấy. Thằng này ít nói và hiền. Nó thấy tội nghiệp tôi nhưng cũng không dám làm gì nói gì. Nó chưa bao giờ biết đánh nhau có lẽ vì nó cũng cô độc, mặc cảm. Vậy làm sao tôi dám nói bà Thinh đừng chửi nữa làm bọn kia mất vui.

Qua tuổi nhi đồng tôi bắt đầu theo đội thiếu niên tập đi làm hợp tác xã, tôi mới chính thức được biết bà Thinh hay chữ thế nào. Hôm ấy bà kể câu chuyện, đại ý có cô con dâu hay chữ, khi mới về nhà chồng đã dám khiêu khích, nói bố chồng là lông lợn hạch, mẹ chồng là đách lợn lang, nàng dâu là hoàng thái tử. Bố mẹ chồng tức quá kiện lên quan. Nhưng ở cửa quan (vì dốt chữ) họ quên mất câu nàng dâu nói thế nào. Quan cho đòi nàng dâu lên hỏi. Nàng dâu nó mới bẩm quan rằng, con nói bố chồng là lông con phượng, mẹ chồng là tượng mới tô, nàng dâu mới về là bồ đựng chửi ạ. Thế là bố mẹ chồng thua.

Bà kể xong không ai hưởng ứng, chả ai nói gì, nhưng chắc bà đã quen. Hai người nhổ mạ cạnh bà hỏi nhau bên ấy cấy ruộng phần trăm chưa. Cấy rồi mà khô quá, đang tính mai xin nghỉ một ngày lên tát nước. Rồi họ tiếp tục cặm cụi và nói những chuyện khác. Tôi cũng không thích câu chuyện bà Thinh kể, không thích cô con dâu lèo lá cuối cùng lại thắng kiện. Nhưng tôi thích bà kể chuyện. Nhờ tiếng bà rộn ràng vui vẻ vang khắp mặt ruộng làm giảm bớt cái nắng uể oải mệt nhọc. Không có tiếng bà cả thửa ruộng chỉ còn mỗi sự cặm cụi. May quá nghỉ một lúc bà lại tiếp tục. Lần này là chuyện nàng Kiều lấy trộm chiếc khánh của nhà Hoạn Thư mang theo khi bỏ trốn. Bà còn bình luận việc ấy là có ông trời xui khiến đấy.

Lần khác tôi theo mấy đứa trong xóm rủ đi vồ cua ngôm. Nước ruộng nóng quá lũ cua không chịu nổi phải leo lên cuống rạ nằm, chỉ việc chộp bỏ giỏ. Nhưng tôi chậm chạp, vừa giơ tay lên bọn cua đã nhanh hơn tôi lao hết xuống nước. Tôi vừa lội qua chúng đã lại leo lên như trêu ngươi. Mãi chả được con nào tôi chán bỏ lên bờ ngồi với nhóm người lớn đang tập trung trên bờ ruộng dưới gốc cây. Ai cũng ngại ngần chưa muốn xuống vì nắng quá. Tôi vừa lên đến nơi kịp nghe bà Thinh đọc "Ra đồng gió mát thảnh thơi. Thương người nằm võng nắng nôi nhọc nhằn".

Phải vào đúng lúc ấy, đúng vào đầu giờ chiều nắng gay gắt nhất. Trên đầu nắng phóng xuống rát lưng, dưới ruộng nước nóng bốc hơi xông lên mặt như xông cảm. Lúc đó nghe hai câu "ra đồng gió mát thảnh thơi, thương người nằm võng nắng nôi nhọc nhằn" mới thấy hay. Tuy "xỏ xiên" nhưng mà hay. Sau này tôi có đọc được hai câu ca ấy trên mạng internet, tuy có khác vài chữ và không hay bằng.

Nhưng hai câu "bực mình chẳng muốn ăn khoai, luộc ba nồi bảy còn hai củ mò" thì đích thị của người làng tôi. Chỉ làng tôi mới gọi khoai sùng là khoai mò, củ khoai bị con mò đục làm hư. Nhưng người làng là ai? Tôi chỉ nghe mỗi bà Thinh đọc, không nghe thêm một người thứ hai nào.

Bà còn đọc nhiều câu ca nữa, tất nhiên. Có câu sau này tôi gặp trong sách, có câu không sách nào chép nhưng người làng đều biết. Chỉ riêng hai câu truyền đơn cho mãi bây giờ tôi không thấy sách nào chép, trên mạng cũng không có, ở làng tôi cũng không nghe ai đọc ngoài bà Thinh.

Hôm ấy vào mùa đông trời rét buốt. Mọi người trong đội cấy cũng đang ngồi trên bờ ruộng chuẩn bị khăn nón, ngại ngần chưa muốn lội xuống, dù ai cũng nói nước ruộng lạnh nhưng dưới bùn sẽ ấm. Tôi tẩn mẩn ngồi tháo quai nón bằng vải dù ra thắt lại cho chặt. Thắt xong đội thử thấy vẫn hơi lỏng gió có thể lật được, lại bỏ xuống tháo ra thắt lại. Lúc đó quai nón bằng dù trắng đang là mốt thời thượng. Ai có người nhà hay người quen đi B ngắn ra mới có. Bà Thinh bỗ bã "Căm thù em vẫn căm thù, sao em đội nón quai dù của anh". Xong bà nhìn tôi cười thanh minh "Truyền đơn nó viết vậy đấy".

Đang sắp cười, nghe bà nói đến truyền đơn làm tôi không dám cười nữa.

Mặc dù khi bà Thinh đọc câu ấy đã không còn máy bay, không còn truyền đơn, nhưng tôi sẵn sợ truyền đơn từ nhỏ, khi mới học lớp một. Buổi sớm hôm ấy cũng mùa đông nhiều sương mù. Tôi cùng lũ bạn cùng xóm vừa ra khỏi đầu làng đi học thì thấy có những tờ giấy rất trắng ướt sương nằm trên cỏ bên vệ đường, có tờ nổi dập dềnh dưới ruộng lúa. Tôi tò mò cúi nhặt. Tay tôi vừa chạm tờ giấy thì một đứa hét thất thanh "Đừng nhặt, đừng có động vào". Tôi hoảng hồn rụt phắt tay lại. Đứa bạn ấy nói với những đứa xung quanh "Con này nó định nhặt truyền đơn". Tất cả chúng nó nhìn tôi như nhìn con điên không biết gì cả. Lúc đó tôi cứ tưởng những tờ giấy ấy chắc có chất độc, chạm vào sẽ bị ngứa rát tay như sâu róm hay như nọc rắn.

Cuộc họp đội nhi đồng tháng đó tội tôi được đưa ra. Đội nhi đồng chỉ họp vào những tối có trăng. Riêng chị phụ trách ngồi bên bàn cạnh chiếc đèn dầu, ghi tất cả các ý kiến vào sổ. Xong chị ngẩng lên nhìn xuống toàn đội lố nhố bệt dưới sân và nói câu khuyến khích quen thuộc. Tiếp tục nào, bạn nào có ý kiến nữa nào, mạnh dạn lên. 

Cuộc họp nào cũng chỉ mỗi nội dung phát động phê bình, tìm tội lỗi nhau đưa ra để giáo dục. Ai "ý kiến" nhiều sẽ được khen. Nói vậy nhưng chỉ thằng con trai hay trêu chửi bà Thinh ý kiến nhiều nhất, đố đứa nào dám "ý kiến" nó. Không hiểu sao chị phụ trách lại có vẻ thích thằng này. Nó hỗn với cả người già như bà Thinh, nhưng lại chị chị em em rất ngoan với chị. Tôi còn thêm "tiền sử" bị phê bình tội hát láo lếu xuyên tạc! Tôi đã sửng sốt vì bất ngờ. Câu hát ấy một chị bộ đội đóng quân trong làng dạy tôi, trên đài cũng hát đúng như vậy. 

Hôm ấy tôi vừa rửa chân ở cầu ao xóm vừa hát nho nhỏ một mình, không ngờ người giặt chiếu ở cầu ao lúc đó nghe thế nào lại ra như vậy! Sau cuộc họp đó tôi mới biết câu hát ấy chị bộ đội hát sai một chữ. Chị dạy tôi hát "đỏ hận", nhưng câu đúng là "đỡ hận". Tôi nghe đài cũng thấy rưa rứa và tưởng đúng. Từ đó tôi không bao giờ hát bài hát đó nữa. Tội nhặt truyền đơn cũng như tội hát xuyên tạc, không đơn giản như đánh nhau chửi bậy trộm ổi trộm khoai hay trộm vỏ đồ hộp. Tôi hiểu như vậy. Từ đó mỗi lần nhìn thấy truyền đơn tim tôi lại đập thình thịch, vội vã tránh xa.

Bà Thinh dám nhặt truyền đơn? Nhưng bà không biết chữ sao bà đọc được? Vì chậm chạp, ngày hôm sau tôi mới nghĩ ra nhưng không gặp được bà để hỏi. Mấy hôm sau nữa gặp bà thì tôi lại quên.

Câu truyền đơn ấy tôi không nói với người thứ hai nào. Nhưng có lẽ không chỉ mình tôi được nghe. Bà Thinh là người không quen ôm giữ một mình những gì bà thu được vào tai. Mà biết đâu, bên bờ ruộng lúc đó dù mọi người đang nói chuyện ồn ào nhưng có thể vẫn vô tình lọt vào tai ai đó. Nghe người ta xầm xì bà Thinh bị vạ miệng gì đó vẻ nghiêm trọng, tôi thấy lo lo cho bà.

Nhưng không sao cả. Không có chuyện gì. Tôi vẫn thấy bà Thinh đi làm bình thường. Bà vẫn vui vẻ và vẫn kể chuyện.

Bà kể ở tỉnh Thừa Thiên nào đó trong Nam kia, có một khu rừng âm u bí hiểm không ai dám đi qua vào ban đêm. Tất cả những người đi công tác qua đây đều mất tích không thấy về. Một ngày kia có ba cán bộ được cử đi để tìm nguyên nhân. Ba người đến đấy thì trời tối. Họ nhìn thấy một quán trọ, mừng quá xin vào ngủ trọ qua đêm. Chủ quán cho cả ba người nằm chung một chiếc giường. Đến nửa đêm tự nhiên có ba tiếng cồng vang lên. Cồng, cồng, cồng. Một cái lưỡi đỏ dài như đòn gánh hiện ra. Cái lưỡi đến gần chiếc giường, liếm vào người nằm ngoài cùng. Người này chết ngay. Một lúc sau lại nghe ba tiếng cồng, cồng, cồng. Cái lưỡi lại hiện ra liếm vào người nằm giữa. Nhân lúc chiếc lưỡi biến dần vào bóng đêm người nằm trong cùng nhanh ý đổi chỗ, đẩy xác người thứ hai vào trong còn mình nằm vào giữa. Quả nhiên lúc sau lại nghe ba tiếng cồng, cái lưỡi lại hiện ra liếm vào người nằm trong cùng đã chết. Người cán bộ nằm giữa lập tức giơ súng bắn tan cái lưỡi. Sau đó người ta mới phanh phui quán trọ này là ổ gián điệp. Dưới nền quán có một cái hầm.

Ai hay đọc truyện thần thoại hẳn thấy câu chuyện này rất quen. Nhưng hồi đó tôi sợ lắm. Mỗi lần đi chơi về khuya qua chỗ mấy gò tre tối om tôi lại nghĩ đến chiếc lưỡi đỏ dài như đòn gánh...

Rồi khi có ông hàn nồi đi qua, bà Thinh liền kể ở làng kia người ta mới bắt một ông hàn nồi dạo, khám thấy trong người ông ta có một bản sơ đồ. Tóm lại người đó là Việt gian giả vờ đi hàn nồi để đi khắp các vùng nghiên cứu địa hình. Nhà tôi có một nồi đồng và một chiếc sanh đồng, lâu ngày bị thủng đáy nhiều chỗ, thỉnh thoảng vẫn gọi ông "Hàn nồi" vào. Rồi đến bà mua lông gà lông vịt, người đổi kẹo mạch nha cũng là Việt gian.

Từ đây tôi không còn thích nghe bà Thinh kể chuyện nữa.

*

Con bé bốn tuổi vận thời trang áo vá ngộ nghĩnh đó là chắt gọi ông Còi là ông cố nội. Ông cố Còi 58 tuổi. Con trai đầu của ông 39, cháu trai ông 22.

Tôi đưa con bé hộp kẹo nhưng nó không cầm. Nó ngước đôi mắt to nhìn tôi nghi ngờ, lắc đầu, rồi lăng xăng chạy ra cổng theo mẹ nó về nhà.

Chúng nó dạy con không được nhận bất cứ quà gì của người lạ, sợ bị dụ dỗ bắt cóc. Mà kẹo bánh làm gì. Chúng nó mua cho con nó thiếu gì đâu, đòi gì được nấy - ông Còi nói.

"Chúng nó" là cháu trai và cháu dâu ông. Câu nói có vẻ bực bội không bằng lòng ấy là ông nói thật, không phải ông muốn ngầm khoe các cháu ông có tiền, ở quê gọi khoe khéo. Ông Còi không phải người biết khoe khéo.

Tôi nhìn theo bộ quần áo trang trí bằng những mảnh vá thời trang của con bé. Nó gợi tôi nhớ tới bà Thinh.

Tôi nhớ bà già nhà anh ngày xưa hay chữ lắm.

(Nói xong tôi mới thấy mình lỡ lời, hình như gọi "anh" không được chuẩn lắm, phải gọi "ông" mới phải). Thì vẫn vậy, lúc còn là trẻ con nhà quê dù hơn nhau vài ba tuổi vẫn mày tao, nhưng lúc già phải trang trọng một tí, gọi ông với bà cho nó ra người lớn. Ông Còi đã có chắt đúng ra phải gọi bằng cụ cố mới xứng.

À, bà già tôi thì… vốn không bình thường.

Ông Còi nói bằng vẻ lành lạnh. Như bị chạm đến một mặc cảm bao nhiêu năm người ta đã cố quên đi.

Bà hay chữ thật - tôi nhắc lại. Ngày nhỏ tôi thích nghe bà kể chuyện đọc thơ lắm.

Có lẽ Còi đã nhớ ra hồi nhỏ tôi cũng từng bị chế giễu, bị bắt nạt nên có vẻ ông ta tin tôi nói thật. Nhân tiện tôi nhắc lại thắc mắc và được ông Còi giải đáp. Hai câu truyền đơn là từ một cán bộ xã về nhà đọc cho vợ con nghe. Bà vợ đọc cho hàng xóm nghe. Đơn giản vậy mà không nghĩ ra. Người dân không nên đọc truyền đơn nhưng cán bộ phải đọc để biết bọn giặc nó tuyên truyền cái gì chứ. Chưa kể ngoài cán bộ còn có các dân quân đi thu gom truyền đơn, làm sao cấm họ đọc. Rồi khi đi làm ở bất cứ chỗ nào gặp người có nón quai dù làm sao cấm người ta không nhớ tới hai câu ấy. Mỗi tội người ta chỉ đọc thầm nhỏ nhỏ với nhau rồi cười, còn bà Thinh cứ toang toác lên.

Còi còn cho tôi biết bà Thinh có tên chữ là Phụng. Ông thân sinh bà là người hay chữ nhưng không cho con gái được học. Thuở nhỏ nhà hay có các bậc chữ nghĩa tới chuyện trò đàm đạo, bà nghe lỏm được và thuộc. Từ khi mười bốn tuổi bà đã lấy chồng về làm dâu nhà ông Thinh rồi.

Làng mình bây giờ nhiều nhà to nhỉ, từ đầu làng vào thấy nhà nào mới xây cũng lên tầng, tôi nhìn ngôi nhà hai tầng đúc, có hiên có sân rộng lát gạch của ông Còi, thán phục.

Được mỗi cái xác nhà to vậy chứ trong có cái chó gì, Còi bất ngờ đáp.

Để xác minh lời ông cố Còi, tôi nhìn trong nhà ông ta. Quạt điện, điều hòa, bếp gas, TV, tủ lạnh. Trên bếp có lắp cả giàn hút mùi. Hiểu ý tôi, Còi nói:

Đua nhau sắm theo phong trào vậy, có dùng đâu. Ngày trước tivi phát miễn phí còn chịu khó chờ xem phim. Giờ, tranh thủ ăn cơm chiều ngoài thềm cho sáng khỏi mở đèn. Ăn xong cắp mảnh bìa làm quạt ra đầu làng ngồi tụ tập cho mát. Khuya buồn ngủ thì về ngủ. Khỏi đèn khỏi quạt. Gas thì một năm chưa hết một bình. Nấu rượu nấu cám làm đậu phải bếp than tổ ong chứ gas nào chịu nổi. Có nhà một tháng chỉ hết mười số điện.

Nhà anh bao nhiêu? (lại lỡ gọi anh rồi, thôi lỡ luôn)

Nhà này chúng nó không biết tiếc tiền. Nhà cao thoáng gió cần gì máy lạnh nó cũng bắc máy lạnh. Mùa đông nước nóng nấu rượu sẵn đấy múc mà tắm, nó cũng cứ gắn máy nước nóng. Càng dùng điện nhiều càng hủy hoại môi trường chứ báu gì. Cứ như tôi với bà ấy tháng cũng chỉ hết mười số.

Còi phu nhân đang đi chợ phiên chưa về. Bà này là con gái phố chợ, bạn học với tôi hồi nhỏ, nhan sắc bình thường hơi kém so với ông Còi. Con gái phố chợ dù không đẹp cũng vẫn có vị trí cành cao hơn con gái làng. Tôi cảm giác Còi lấy bà này (bây giờ cũng đã lên chức bà cố) cũng vì mặc cảm. Người làng coi thường mẹ con ông, con gái làng phớt qua anh con trai bà Thinh dở dở, thì ông cưới hẳn con gái ngoài phố chợ cho biết.

Bây giờ làng nào cũng có chợ xổm ở đầu làng. Người làng tự mua bán trao đổi với nhau. Không còn cảnh có tí gì cũng phải đợi đến ngày phiên chợ mang bán, cho nên chợ phiên giờ hết thời, không còn nhộn nhịp quy tụ người các nơi khác đến mua bán như ngày xưa. Cũng không ai còn rủ nhau đi chơi chợ nữa. Trẻ con nó cũng không đi, ông Còi nói.

Tôi có nghe chợ xổm đầu làng họp cạnh bờ ao xóm, người ta gọi "ao ông Còi". Giờ nhà ai cũng mua nước máy, ao xóm cũng hết thời, ông Còi thầu luôn để nuôi cá. Nhưng cái cầu ao mấy bậc đá ông vẫn để nguyên, ai muốn xuống rửa tay chân cứ tự nhiên. Chợ xổm hay chợ xóm cũng là nơi để giải quyết nhu cầu buôn chuyện. Ban ngày các bà ra mua bán bó rau quả mướp quả trứng con cá, kháo nhau đủ thứ chuyện nghe được từ mọi nguồn. Buổi tối các ông xách ghế ra ngồi hưởng gió trời trốn đèn trốn quạt, cũng bàn luận đủ thứ chuyện thời sự từ trong nước đến ngoài nước. Người này ngồi mỏi lưng về người khác ra. Từ chập tối đến mười, mười một giờ khuya không lúc nào không có người. Tôi còn nghe người làng ai muốn bán ruộng nhanh cứ tìm đến ông Còi. Muốn vay mượn, thậm chí cả xin xỏ, cũng đến ông Còi, trong đó có nhân vật bất trị hồi xưa từng hỗn hào chọc chửi bà Thinh, được ông Còi gói gọn trong mấy câu cám cảnh: "Thằng đó giờ nát rượu, chán đời lắm".

Giải thể hợp tác xã lại quay về thời ruộng riêng cá thể như hồi xưa nhỉ, đúng là đi vòng tròn, tôi nói.

Khác chứ, ông Còi nói ngay. Bây giờ vẫn là ruộng nhà nước cho thuê năm mươi năm. Ngày xưa bà Thà (bà ngoại tôi) tiếc đất đi vỡ hoang từng tí. Bây giờ ruộng chia đấy có người cũng chả thèm làm, đem cho thuê, đem bán. Ai biết năm chục năm sau sẽ thế nào nên người ta vẫn cứ mua bán, chữ nghĩa thì gọi là sang nhượng. Ai bán thằng con tôi nó cũng đổ tiền ra mua hết. Tôi đã can đừng nhưng nó không nghe.

Ông sợ à?

Sợ chứ. Nó may rủi như đánh bạc. Không có chuyện gì thì lâu ngày thành đất của mình. Nhưng lỡ mai kia ông nhà nước thu hồi giao cho doanh nghiệp nào thì mình mất trắng.

Vậy là anh thành địa chủ rồi.

Làm lúa bây giờ ăn thua gì. Mấy người bán ruộng họ lấy tiền đầu tư làm quán nhậu quán bia, trồng cây cảnh bán có tiền hơn. Kể cả đi bưng bê làm thuê cho quán nhậu lương tháng cũng bằng một tấn lúa. Nhưng khổ cái mình không bỏ được lúa. Bỏ ruộng bỏ lúa cứ thấy không nỡ, thấy buồn. Cũng như chợ phiên, nếu nó cứ như ngày xưa thì mệt, mà lúc nó hết thời lại cũng thấy buồn. Nó lại vậy.

Mải chuyện, tôi giật mình thấy đã gần trưa. Tôi còn phải đến xóm trên để lấy bột sắn dây mua giúp cho một người quen, họ hẹn trưa mới có nhà. Nhưng ông Còi cứ giữ tôi ở lại chờ bà ấy đi chợ về. "Cơm bây giờ thiếu gì, thịt cá cũng thiếu gì, để gọi nói bà ấy mua bún bánh gì về ăn cho vui". Còi bấm di động gọi. Tôi vội nói đừng đừng. Nhưng bà Còi đã nghe máy. "Trưa nay nhà có khách, ông Còi nói. Xem có bánh lá, bánh dày, bánh đúc mắm tôm, bánh sắn nữa nhưng phải bánh sắn tắm xôi, cứ mua cả về đây. Hả? Mua nhiều nhiều một tí thừa hơn thiếu. À xem có mít ngon mua lấy một quả, mấy củ dong nướng nữa, với quả chay quả vam gì đấy ăn chơi cho vui" .

Nghe xong thực đơn ông Còi gọi, tôi không còn đủ sức đi đâu nữa. Toàn những món gợi nhớ nỗi thèm thuồng thuở nhỏ, đã lâu chỉ còn trong ký ức tôi, kể cả những quả chay quả vam.

Chưa hết. Vừa bỏ điện thoại xuống Còi nói "để tôi đi bắt con gà nấu nồi cháo cho nhanh". Tôi dứt khoát nói không, nếu anh thích ăn cháo gà để bữa khác nấu, tôi không ăn. Còi nhìn tôi như không hiểu? Cháo gà mà?

Tôi nói tôi không muốn vì hôm nay tôi đến đây mà một con gà nhà anh phải chết.

Vậy để dặn bà ấy mua thêm…

Và ông ta lại cầm lấy điện thoại.