Mới đây, vụ việc nam tài xế đánh người vì bị nhắc nhở gây ùn ứ giao thông ở ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) thu hút sự chú ý của dư luận.
Có thông tin cho rằng nam tài xế trên là một thượng uý công an công tác tại quận Thanh Xuân. Tuy nhiên, đến nay lãnh đạo công an quận Thanh Xuân chưa xác nhận thông tin này, đồng thời cho biết đơn vị vẫn đang tiến hành điều tra làm rõ, sẽ thông tin khi có kết quả.
Ngày 3/1, thông tin từ Cục CSGT cho biết, xe ô tô Toyota màu đen BKS 29C - 58395 là của bà Vũ Thị T.H. (trú tại Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội). Chiếc xe bán tải này được sản xuất năm 2016, được đăng kí vào ngày 17/5/2016.
Trao đổi với Dân Việt về vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định: Mặc dù trước đó có rất nhiều trường hợp đã bị xử lý hình sự về các tội như gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, đe dọa giết người. Tuy nhiên tình trạng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn khi tham gia giao thông vẫn diễn biến phức tạp, không giảm đi trong thời gian gần đây.
"Trong vụ việc này, rõ ràng người lái xe ô tô đã gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của những người khác. Khi bị nhắc nhở thì người này không những không nghe theo mà còn hành hung người nhắc nhở mình. Đây là hành vi rất thiếu văn hóa, côn đồ, thể hiện ý thức coi thường pháp luật và coi thường tính mạng, danh dự nhân phẩm của người khác. Hành vi của người đàn ông này là cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng, gây bức xúc trong dư luận", luật sư Cường nói.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, hành vi cố ý gây thương tích cho người khác tại nơi công cộng với ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Bởi vậy trong trường hợp nạn nhân có đơn trình báo đề nghị công an giải quyết và nạn nhân có thương tích, dù dưới 11% thì hoàn toàn có thể khởi tố người đàn ông này về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là có tính chất côn đồ. Hình phạt sẽ là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Luật sư Cường phân tích, theo thông tin ban đầu, nạn nhân bị gãy một răng và thương tích phần mềm. Bởi vậy nếu giám định thương tích thì chắc chắn sẽ có kết quả giám định thương tích ít nhất thương tích của nạn nhân cũng một vài phần trăm. Bởi vậy, trường hợp nạn nhân có đơn đề nghị xử lý hình sự thì người đàn ông này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích.
Với các thông tin từ phía người làm chứng và hình ảnh lấy từ camera giao thông thì hoàn toàn có thể tìm ra người đàn ông có hành vi côn đồ này. Nếu người đàn ông này là người có chức vụ quyền hạn, là người có trình độ nhận thức pháp luật thì cần phải xử lý nghiêm minh. Với những cán bộ, công chức, người hiểu biết pháp luật mà hành xử côn đồ, thiếu văn hóa nơi công cộng như vậy thì cần phải áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc.
Có thể nói, hành vi của người đàn ông trong sự việc không những chỉ xâm hại đến sức khỏe của người khác mà còn vi phạm đến trật tự công cộng. Bởi vậy, trường hợp hai bên hòa giải thỏa thuận được với nhau và nạn nhân rút đơn trước khi mở phiên tòa thì vẫn có thể xử lý người đàn ông này về tội gây rối trật tự công cộng bởi hành vi diễn ra nơi công cộng gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
"Có lẽ sau rất nhiều vụ việc giải quyết va chạm giao thông bằng nắm đấm thì cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và ý thức tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác thì mới giảm thiểu những vụ việc như thế này phải đảm bảo nâng cao văn hóa giao thông và văn hóa ứng xử trong đời sống xã hội.
Với những vụ việc côn đồ, thách thức pháp luật như thế này thì cần phải xử lý nhanh chóng, kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội", Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp nêu quan điểm.