Cụ thể, 10 cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, gồm hai người được Trump bổ nhiệm là Ashton Carter, Leon Panetta, William Perry, Dick Cheney, William Cohen, Robert Gates, Chuck Hagel, James Mattis và Mark Esper đã kêu gọi Lầu Năm Góc cam kết đứng ngoài quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống và đảm bảo quá trình này diễn ra trong hòa bình.
"Những nỗ lực để kéo lực lượng vũ trang Mỹ vào giải quyết tranh chấp bầu cử sẽ đưa chúng ta vào tình thế nguy hiểm, bất hợp pháp và vi hiến", nhóm cựu Bộ trưởng cho hay trong bài xã luận đăng trên Washington Post hôm 3/1.
Các cựu Bộ trưởng cảnh báo thêm rằng quan chức tìm cách làm như vậy có thể phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng về sự nghiệp và hình sự. Đồng thời, họ cũng gửi thông điệp rõ ràng đến Tổng thống Mỹ Donald Trump - người đến nay vẫn chưa chấp nhận thua cuộc rằng - "thời gian để kiểm tra kết quả đã hết".
"Đã hết thời gian thẩm vấn kết quả; Thời gian để kiểm phiếu chính thức của các cử tri đoàn, theo quy định trong Hiến pháp đã đến", họ nhấn mạnh.
Các cựu Bộ trưởng, thuộc cả đảng Cộng hòa và Dân chủ, trong đó cựu Bộ trưởng Esper và Mattis do Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm chỉ ra rằng tất cả thách thức pháp lý nhằm lật ngược kết quả bầu cử tổng thống đã bị tòa án bác bỏ và các thống đốc đã chứng nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Vì thế, theo họ, đã đến lúc chính thức xác nhận phiếu đại cử tri.
Họ cũng kêu gọi quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller và tất cả quan chức Lầu Năm Góc tạo điều kiện cho quá trình chuyển giao cho chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden "một cách đầy đủ, hợp tác và minh bạch."
"Họ cũng phải kiềm chế mọi hành động chính trị làm suy yếu kết quả bầu cử hoặc cản trở thành công của đội ngũ mới", bài bình luận cho hay.
Trước đó, một số quan chức quân đội cấp cao, bao gồm Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân đã tuyên bố công khai rằng quân đội không có vai trò quyết định kết quả của các cuộc bầu cử Mỹ và lòng trung thành của họ là với Hiến pháp chứ không phải với một nhà lãnh đạo cá nhân hoặc một đảng chính trị nào.