Dân Việt

Xe máy không gương chiếu hậu bị xử phạt thế nào?

PV 06/01/2021 09:24 GMT+7
Hãy cùng tìm hiểu thêm về lỗi xe máy không lắp gương chiếu hậu và mức phạt khi vi phạm.

Xe máy không gương chiếu hậu bị xử phạt thế nào?

Theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008, gương chiếu hậu là bộ phận được thiết kế trên xe dùng để quan sát phía sau. Có đủ gương chiếu hậu và các trang thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn thì người điều khiển ô tô và xe máy mới được lưu thông trên đường.

Xe máy không gương chiếu hậu bị xử phạt thế nào? - Ảnh 1.

Xe máy không lắp gương chiếu hậu bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt đối với xe mô tô, xe gắn máy không có gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng.

 Từ 1/1/2020, người đi xe máy khi tham gia giao thông không có gương chiếu hậu bên trái sẽ bị phạt nặng hơn trước đây.   

Cụ thể, mức phạt không gương đối với xe máy là từ 100.000 đến 200.000 đồng. Đây là mức phạt cao hơn so với quy định cũ (80.000 - 100.000 đồng).

Người điều khiển xe máy thiếu gương bên phải sẽ không bị phạt.


Trường hợp xe máy có đầy đủ gương nhưng gương không có tác dụng cũng bị xử phạt.

Với lỗi xe máy không có gương, người vi phạm được nộp phạt trực tiếp mà không phải ra Kho bạc, người xử phạt không phải lập biên bản nhưng phải xé biên lai trao cho người vi phạm.

Tiêu chuẩn của gương chiếu hậu:

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 28:2010/BGTVT về gương chiếu hậu của xe mô tô, xe gắn máy, có một số chi tiết có thể dễ dàng xác định mà không cần dùng phương tiện kỹ thuật như:

- Gương có tác dụng phản xạ.

- Tất cả các gương điều chỉnh được vùng quan sát; Mép của bề mặt gương phải nằm trong vỏ bảo vệ và mép của vỏ bảo vệ phải có bán kính cong "c" có giá trị không nhỏ hơn 2,5 mm tại mọi điểm và theo mọi hướng.

Xe máy không gương chiếu hậu bị xử phạt thế nào? - Ảnh 3.

Trường hợp gương không tròn kích thước của bề mặt phản xạ phải đủ lớn để chứa được một hình tròn nội tiếp có đường kính 78 mm

- Về kích thước: Diện tích của bề phản xạ không được nhỏ hơn 69cm2. Với trường hợp gương chiếu hậu hình tròn, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94mm và không được lớn hơn 150mm. Trường hợp gương không tròn kích thước của bề mặt phản xạ phải đủ lớn để chứa được một hình tròn nội tiếp có đường kính 78 mm, nhưng phải nằm được trong một hình chữ nhật có kích thước 120 mm x 200 mm.

Như vậy, không có quy định cấm hoặc xử phạt người sử dụng "gương thời trang" hay "gương cầu", "gương không theo xe". Nếu gương chiếu hậu của bạn đạt các tiêu chuẩn nêu trên thì cảnh sát giao thông không có quyền xử phạt về lỗi này.

Tuy nhiên, trên thực tế thì "gương cầu" thường có đường kính của bề mặt phản xạ nhỏ hơn 94mm nên nếu cảnh sát giao thông chặn xe và phạt vì lỗi gương không đúng quy định là có căn cứ.