"Thầy giáo"… internet
Ở tuổi 65, lão nông Sơn Ngọc Xuân (ở ấp Công Điền 1, xã Vĩnh Trạch, TP.Bạc Liêu) vẫn mày mò, nghiên cứu và tìm hiểu những mô hình hay, cây trồng mới trên internet, rồi áp dụng trồng trên mảnh đất của mình.
Vừa qua, lão nông Sơn Ngọc Xuân là 1 trong những nông dân tiêu biểu ở tỉnh Bạc Liêu được ra Hà Nội dự hội thảo tổng kết dự án nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet cho cán bộ, hội viên nông dân do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) tổ chức.
Phấn khởi chia sẻ về mô hình trồng ớt chỉ thiên đạt hiệu quả kinh tế cao, ông Xuân cho biết: "Trước kia, gia đình tôi trồng các loại rau màu nhưng giá cả không ổn định, có năm được mùa, năm mất mùa. Đầu năm 2019, tham gia Câu lạc bộ (CLB) nông dân với internet ấp Công Điền 1, tôi chủ động tìm hiểu về kỹ thuật trồng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và tiến hành trồng 800 gốc ớt trên diện tích 500m2. Sau 70 ngày ớt chỉ thiên cho quả sum suê, trung bình cho thu hoạch 1 - 1,5kg ớt/cây, vụ thu hoạch đầu tiên tôi lãi trên 20 triệu đồng. Thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng ớt chỉ thiên, gia đình tôi mở rộng diện tích lên 3.000m2".
"Do hầu hết hội viên nông dân hiện nay đều có và biết sử dụng điện thoại thông minh, nên các cấp Hội ND đã triển khai thực hiện tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 bằng cách sử dụng ứng dụng mạng xã hội như: Zalo, Facebook để nâng cao hiệu quả tuyên truyền".
Ông Phạm Tuấn Tài
Cùng với mở rộng diện tích trồng ớt, lão nông Sơn Ngọc Xuân cũng chia sẻ kinh nghiệm trồng ớt của mình cho 14 thành viên khác trong CLB nông dân với internet để cùng nhân rộng và phát triển mô hình này. Hiện, ấp Công Điền 1 có 14 hộ tham gia trồng ớt chỉ thiên với diện tích canh tác 2ha.
Lão nông Sơn Ngọc Xuân chia sẻ: "Hiện nay, giá ớt chỉ thiên khá cao, lái buôn đến tận vườn thu mua với giá 80.000 – 90.000 đồng/kg ớt nên các thành viên trong CLB rất phấn khởi".
Từ hiệu quả CLB nông dân với internet ấp Công Điền 1, Hội ND xã Vĩnh Trạch đã thành lập được 2 CLB nông dân với internet. Anh Nguyễn Phương Đông - Chủ tịch Hội ND xã Vĩnh Trạch cho biết: "Khi mới triển khai dự án Google, chúng tôi cũng khá lo lắng vì trình độ của nông dân không đồng đều, hơn nữa hội viên sinh sống nông thôn, ít tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến, việc truy cập thông tin trên các trang mạng còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện, nhiều nông dân áp dụng những kiến thức học được từ mạng internet vào sản xuất; mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao".
Ngoài việc tổ chức các lớp tập huấn về khoa học - công nghệ, trong quá trình thực hiện dự án, Hội ND tỉnh Bạc Liêu còn tổ chức cho các thành viên tham quan học tập thực tế kinh nghiệm tại các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Không chỉ chủ động tìm kiếm thông tin trên internet và mạnh dạn áp dụng vào sản xuất có hiệu quả, nhiều nông dân còn chia sẻ cho nhau kinh nghiệm từ những mô hình mới, hiệu quả kinh tế cao thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook.
Tuyên truyền hiệu quả cho hội viên
Năm 2017, Bạc Liêu là 1 trong 9 tỉnh được Hội NDVN và Tập đoàn Google chọn thực hiện dự án nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet cho cán bộ, hội viên nông dân. Ông Phạm Tuấn Tài - Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Sau 3 năm thực hiện dự án, Hội ND tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức 21 lớp tập huấn cho trên 500 lượt cán bộ hội viên nông dân, thành lập 42 CLB nông dân với internet trực tuyến và ngoại tuyến với hơn 1.250 thành viên tham gia.
Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh cũng xây dựng 38 mô hình điển hình áp dụng ứng dụng điện thoại thông minh, máy tính, internet vào sản xuất ở các địa phương trong tỉnh. Các mô hình này đã khẳng định sự hữu ích và thành công rất cao trong thời gian qua.
Không chỉ kết nối thông tin cho hội viên nông dân phát triển kinh tế, thông qua thực hiện dự án Google, các cấp Hội ND tỉnh Bạc Liêu cũng lồng ghép thực hiện tốt công tác tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19.