Ngày 8/1, TAND tỉnh Đắk Nông cùng Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) và Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp tổ chức họp báo, công bố thông tin việc xét xử sơ thẩm vụ sản xuất, buôn bán hàng giả (xăng giả) liên quan đến đại gia Trịnh Sướng (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, có trụ sở tại tỉnh Sóc Trăng).
Theo ông Nguyễn Xuân Chiến - Phó Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông, đây là vụ án sản xuất, buôn bán xăng giả lớn nhất cả nước, được dư luận rất quan tâm. Vụ án có 39 bị cáo, 5 tổ chức, 5 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Dự kiến, vụ án sẽ được xét xử liên tục trong 18 ngày (từ ngày 12 - 29/1). Hội đồng xét xử vụ án trên sẽ có 5 người (2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân). Trong đó, 2 thẩm phán là ông Lương Đức Dương và ông Lê Quốc Hương. Ngoài ra, có 3 kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại tòa, 23 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người liên quan.
"Đây là vụ án có tính chất nghiêm trọng, quy mô lớn, dư luận xã hội rất quan tâm, được Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông theo dõi, chỉ đạo giải quyết. Hồ sơ vụ án được chuyển sang tòa có mấy chục thùng, phải sử dụng bằng xe tải", ông Chiến nói.
Theo thông tin từ buổi họp báo, vụ án có 3 nhóm tội phạm. Toàn bộ các bị cáo đều bị truy tố về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả theo điều 192 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015. Trong vụ án, đại gia Trịnh Sướng là người thu lợi nhiều nhất với 102 tỷ đồng, Lê Văn Hùng là người thu lợi ít nhất với số tiền hơn 27 triệu đồng. Tổng số xăng giả được phát hiện trong vụ án là trên 3,5 triệu lít.
Đại gia Trịnh Sướng cùng 12 bị cáo khác bị truy tố theo quy định tại các điểm a, điểm b, khoản 3, điều 192 BLHS 2015; 18 bị cáo bị truy tố theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 192 BLHS 2015; nhóm bị cáo còn lại bị truy tố theo theo quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 192 BLHS 2015.
Theo ông Phan Thanh Hải - Viện Phó Viện KSND tỉnh Đắk Nông, bản chất của vấn đề có 3 nhóm bị cáo với 3 vụ án. Sau một quá trình điều tra, cả 3 vụ án trên được nhập lại thành một. Trong đó, quy mô vụ của Trịnh Sướng là lớn nhất, phạm tội nghiêm trọng nhất và thu lợi lớn nhất nên được xác định là đầu vụ. Sau này, khi xét xử, HĐXX sẽ phân hóa từng bị cáo để có mức án phù hợp.
Theo đại diện TAND tỉnh Đắk Nông, do phòng xử chật hẹp, lượng người tham gia phiên tòa rất đông, tòa án sẽ dựng rạp, bắc hệ thống loa ở ngoài để người thân các bị cáo, người dân... theo dõi vụ án.
Như Dân Việt đã đưa tin, tháng 1/2019, Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện, bắt quả tang 2 nhóm đối tượng có hành vi bán dung môi công nghiệp cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu tại tỉnh Đắk Nông pha trộn với xăng để bán ra thị trường. Cả 2 nhóm đối tượng này do Hồ Thị Nhẫn và Nguyễn Văn Hướng cầm đầu.
Nhẫn khai đã mua dung môi của vợ chồng Nguyễn Thị Kim Loan và Hoàng Thụy Minh Việt ở Đồng Nai. Hướng, Loan và Việt khai đã mua dung môi của Công ty TNHH Phạm Sơn ở Cần Thơ do Nguyễn Thị Thu Hòa quản lý, điều hành.
Mở rộng vụ án, Công an tỉnh Đắk Nông xác định Hòa còn bán dung môi cho nhiều tổ chức, cá nhân khác. Để có dung môi, Hòa mua lại từ Công ty cổ phần dầu khí Bình Minh do Lưu Văn Nguyện trực tiếp điều hành. Ngoài việc bán dung môi cho Nguyễn Thị Thu Hòa, Nguyện còn bán dung môi cho Trịnh Sướng ở Sóc Trăng và Đinh Chí Dũng ở TP.HCM.
Nhận định đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả liên quan đến nhiều đối tượng, xảy ra trên địa bàn nhiều tỉnh thành của cả nước, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã báo cáo và phối hợp với Bộ Công an để điều tra, thu thập chứng cứ phá án.
Ngày 30/5/2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) đột kích khu vực Thới Ngươn B, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ, bắt quả tang tàu Gia Thành 7 (của Công ty TNHH Gia Thành do Trương Như Tuyết làm Giám đốc đại diện theo pháp luật, nhưng thực tế do Trịnh Sướng điều hành hoạt động) đang bơm 419.586 lít Toluene, MTBE đã pha trộn với 180.000 lít xăng A95 lên bồn chứa xăng A95 (T8) của Kho xăng dầu Ressol (thuộc Công ty cổ phần thương mại hóa dầu Ressol) nhằm tạo thành 1,5 triệu lít xăng giả.
Công an đã bắt giữ 5 đối tượng, tạm giữ tàu Gia Thành 7 số hiệu ST057.97 cùng 168.510 lít Toluene pha MTBE trong 4 hầm của Tàu Gia Thành 7 và 1.359.806 lít xăng giả trong bồn chứa T8.
Mở rộng điều tra, công an đã khám xét khẩn cấp kho xăng dầu Phú Mỹ Hưng (thuộc Công ty TNHH Mỹ Hưng), giữ người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra đối với Trịnh Sướng - Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng và Nguyễn Thành Trung (tên thường gọi là Dương) - quản lý kho xăng dầu Phú Mỹ Hưng.
Theo điều tra, Công ty TNHH Mỹ Hưng của đại gia Trịnh Sướng được thành lập từ năm 1996 với 8 cửa hàng xăng dầu trực thuộc, 12 ô tô xi-téc, 9 tàu thủy. Từ năm 2015 - 2018, đại gia Trịnh Sướng thành lập thêm Kho xăng dầu Mỹ Hưng (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng).
Ngoài ra, đại gia Trịnh Sướng còn chỉ đạo, điều hành hoạt động của Công ty TNHH Gia Thành và sở hữu 75% cổ phần (do con trai là Trịnh Thành Hưng đứng tên) của Công ty cổ phần thương mại hóa dầu Ressol.
Trong quá trình kinh doanh xăng dầu, đại gia Trịnh Sướng biết được cách pha chế dung môi (Naphtha, Solmix, Orgasol, BMSol White, BMSol Petro) với xăng nền, hóa chất tăng RON (Toluene, MTBE, Xylene, Ethanol) và hỗn hợp màu Azo để tạo thành xăng A95, E5, RON 92 giả bán ra thị trường.
Từ tháng 1/2017 đến tháng 5/2019, thông qua Mai Trung Hậu (nhà phân phối Thành Long, Công ty TNHH Tấn Phúc - Chi nhánh Vĩnh Long), đại gia Trịnh Sướng đã mua hàng trăm triệu lít dung môi, hóa chất các loại với tổng số tiền thanh toán hơn 2.000 tỷ đồng để phục vụ cho việc sản xuất xăng giả.
Đại gia Trịnh Sướng cùng đồng bọn đã tổ chức pha chế, sản xuất hơn 133 triệu lít xăng giả, gần 1,6 triệu lít dầu DO giả, tổng số lượng hàng giả tương đương với số lượng hàng thật trị giá hơn 2.500 tỷ đồng. Toàn bộ số xăng, dầu giả sản xuất ra, đại gia Trịnh Sướng bán gần hết ra thị trường thông qua 337 cửa hàng thuộc đại lý bán hàng của Công ty Mỹ Hưng, Công ty Gia Thành và Công ty Ressol.