Thanh Sơn là huyện miền núi của Phú Thọ với lợi thế kinh tế đồi rừng khi có diện tích rừng tự nhiên lên tới 576ha.
Tận dụng lợi thế này, những năm qua, nhiều gia đình ở đây đã phát triển nuôi ong lấy mật và trở nên khá giá. Trong đó, phải kể đến các thành viên của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Minh thuộc xã Tân Minh (HTX Tân Minh).
Theo ông Phùng Danh Tuyên, Giám đốc HTX Tân Minh, ban đầu, ông chỉ nuôi thử nghiệm nhỏ lẻ vài đàn ong, nhưng chỉ sau một thời gian đã đạt được một số thành tựu nhất định. Cuối năm 2018, ông quyết định mở rộng khu vực nuôi ong ra toàn xã với sự tham gia của hơn chục hộ dân.
Thời gian đầu mới bắt tay vào lĩnh vực lạ lẫm này, do ông chưa có kinh nghiệm nuôi ong nên cứ nuôi là "tan đàn xẻ nghé". Tuy nhiên đến nay, ông đã làm chủ được đàn ong khi có thể điều khiển được "đội quân tí hon" này ngày ngày chăm chỉ nhả mật ngọt.
"Sau khi thử nghiệm rất nhiều mô hình nông nghiệp mang từ địa phương khác về Tân Minh đều không ăn thua nên tôi cũng rất trăn trở. Nhận thấy thế mạnh của địa phương là diện tích rừng tự nhiên lớn với đa dạng các loại cây, hoa, tôi đã nghĩ tới nuôi ong", ông Tuyên cho biết.
Theo ông Tuyên, vốn đầu tư nuôi ong không hề cao mà lợi nhuận rất ổn định, gấp 5 gấp 10 tiền đầu tư. Hơn thế, ong tự sinh sản nên không mất tiền để tái đàn, chăm sóc cũng rất đơn giản, đầu tư nhiều nhất có lẽ là cầu sinh học phục vụ cho ong làm tổ.
Nuôi ong thì quanh năm nhưng thời gian lấy mật chỉ từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm. Sau thời gian đó đến tháng 3 năm sau, đàn ong sẽ xây mũ chúa mới và sẻ đàn tự nhiên.
Từ 10 thùng ong ban đầu với số vốn ban đầu là 600.000 đồng/thùng, đến nay toàn HTX Tân Minh đã có 80 thùng ong. Trung bình mỗi năm, HTX thu hàng nghìn lít mật ong rừng nguyên chất.
Cũng theo ông Tuyên, do Thanh Sơn có hệ thống rừng tự nhiên lớn nên ong hoàn toàn được nuôi bằng phấn hoa tự nhiên. Nhờ vậy, mật ong của HTX Tân Minh có độ sánh, mịn, hương thơm thoang thoảng và có hàm lượng đường rất vừa phải, được người dùng đánh giá rất cao. Nhiều địa phương không có nguồn thực vật phong phú nên thường pha nước đường làm thức ăn cho ong, do vậy thành phẩm khi sử dụng thường có dư vị ngọt khé.
Ngoài ra, để khắc phục điều kiện khí hậu khắc nghiệt, HTX Tân Minh đã nghiên cứu các biện pháp để bảo vệ đàn ong như di chuyển thùng ong ra nơi râm mát, dùng lá cọ phủ kín vào mùa hè. Đến mùa đông, HTX lại lót giấy báo tránh các khe gió, bên ngoài bọc nilon cho thùng ong.
Ông Tuyên cho biết thêm, mỗi lít mật ong bán ra hiện nay có giá từ 150.000-200.000 đồng/lít nên thu nhập từ mật ong rất đáng kể. Sau khi trừ tiền mua vật liệu và chi phí, HTX thu về cả trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nuôi ong.
"Trong năm tới, HTX sẽ đề xuất lên huyện tham gia chương trình OCOP, tiến tới đăng ký nhãn hiệu riêng có chứng nhận. Rất mong sẽ tìm được các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh nông sản và họ chỉ chuyên tâm tìm thị trường, quảng bá phân phối sản phẩm còn chúng tôi sẽ cam kết đảm bảo đủ sản lượng yêu cầu", ông Tuyên đặt mục tiêu.