Nhu cầu tuyển lao động tự do tăng cao
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động cho rằng sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các doanh nghiệp (DN) bắt đầu phục hồi sản xuất. Bên cạnh đó, dịp cuối năm cũng là lúc các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Ví dụ như hệ thống siêu thị Big C đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 200 nhân sự chuẩn bị cho các vị trí nhân viên quầy hàng, gói quà, thu ngân, chế biến…
"Chỉ tầm 5 phút lướt qua các trang mạng mọi người cũng có thể thấy rất nhiều các bài quảng cáo môi giới việc làm với tít hấp dẫn như "việc nhẹ lương cao", kinh doanh không cần bỏ vốn dịp tết, công việc kiếm tiền triệu mỗi ngày dịp tết cho sinh viên… Tuy nhiên, khó có thể lường trước được những rủi ro đằng sau những thông tin có vẻ "béo bở" này".
Bà Nguyễn Thị Lan Hương
Một số doanh nghiệp công nghệ như Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động có nhu cầu tuyển dụng hơn 5.000 vị trí việc làm; Công ty cổ phần Tập đoàn Mavin tuyển dụng gần 200 vị trí việc làm mới. Tại các hệ thống cửa hàng nhỏ lẻ, nhu cầu tuyển người làm cũng bắt đầu gia tăng.
Bên cạnh đó, nhu cầu tìm người giúp việc gia đình và chăm sóc người ốm tại các bệnh viện cũng gia tăng…
Việc làm nhiều, đa dạng cũng giúp lao động tự do, nhất là lao động tỉnh lẻ có thêm cơ hội tìm việc làm.
Chị Nguyễn Thị Bích (58 tuổi, Hà Nam), năm nào cũng lên Hà Nội làm thuê, kiếm tiền vào dịp cuối năm. Chị Bích chia sẻ, thường mỗi năm vợ chồng chị lên Hà Nội chỉ tầm 1 tháng trước tết. Anh chạy xe ôm, kiêm bốc vác, chị nhận công việc bán hàng, lau dọn nhà cửa theo giờ. Công việc vất vả nhưng đổi lại năm nào anh chị cũng dành dụm được một khoản tiền kha khá, tầm từ 25-30 triệu đồng.
Với anh chị đây là khoản tiền không hề nhỏ vì nông dân làm cả vụ chưa được vài triệu đồng. Vì thế, dù công việc có khó khăn, vất vả kiểu gì anh chị cũng sẽ cố gắng.
Cẩn trọng mắc bẫy lừa đảo
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, đây đang là khoảng thời gian "nóng" nhất về tuyển dụng lao động phổ thông. Lý do là cứ vào dịp cuối năm nhu cầu tiêu dùng, vận chuyển hàng hóa... tăng rất cao.
Để chuẩn bị cho đợt cung ứng lao động phổ thông cuối năm, từ đầu tháng 11/2020 trung tâm đã tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm, giới thiệu lao động. Tuy nhiên, ở đây đa phần vẫn là lao động, có chút kiến thức, trình độ, muốn làm việc theo hợp đồng tại công ty, doanh nghiệp. Riêng nhóm lao động tự do, làm bốc vác hay lao động từ tỉnh ra tìm việc đến đăng ký việc làm trung tâm lại khá ít.
"Lý do có thể là họ thiếu thông tin cần thiết để tiếp cận việc làm. Nguyên nhân khác cũng có thể là do lao động ngại phải làm việc trong một môi trường ràng buộc, thu nhập cũng chưa thật hấp dẫn"- ông Thành cho biết.
Thông thường, với lao động phổ thông làm việc cho các DN, chuỗi cửa hàng... mức lương làm ca dao động từ 7-8 triệu đồng/người/tháng, nhưng các lao động tự do nếu chạy xe ôm, bốc vác... một ngày có thể kiếm được từ 700-1 triệu đồng/ngày. Tất nhiên là công việc vất vả hơn, thu nhập không ổn định nhưng nhìn chung thu vẫn cao hơn so với làm văn phòng.
"Tuy nhiên, không phải lao động nào cũng chấp nhận công việc vất vả. Nhiều lao động vì thiếu hiểu biết, chỉ thích làm các công việc nhẹ nhàng, lương cao. Đây là cơ hội để những kẻ lừa đảo trục lợi"- ông Thành nhận định.
Hiện nay theo tìm hiểu của phóng viên, trên mạng vẫn có rất nhiều tuyển dụng kiểu: Đi nhặt bóng tennis theo giờ, thu nhập 100.000 đồng/giờ; hay làm việc tại nhà không mất phí, tháng nhận 15-20 triệu đồng. Đây hoàn toàn là những tuyển dụng không có căn cứ.
"Người lao động cần cảnh giác với chiêu trò việc làm dễ, thu nhập cao. Tuyệt đối không đưa giấy tờ, sổ sách, hay tin theo lời dụ dỗ của người lạ. Cần tìm việc ở những nơi uy tín, trung tâm dịch vụ việc làm hay lời giới thiệu của người quen. Hoặc có thể đi làm việc theo nhóm, thay vì 1 người.
Tuyệt đối không nhận lời làm việc trong môi trường kín, hay giúp việc gia đình mà không biết rõ, không ký hợp đồng với gia đình gia chủ"- ông Thành cảnh báo.