Dân Việt

Đọc sách cùng bạn: Truyện thực không phải cổ tích

Phạm Xuân Nguyên 12/01/2021 08:00 GMT+7
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi mời bạn đọc cuốn sách "Túp lều nát", một thiên phóng sự của tác giả Nguyễn Đổng Chi (1915 – 1984).
Đọc sách cùng bạn: Truyện thực không phải cổ tích - Ảnh 1.

Nguyễn Đổng Chi là một nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu văn hóa văn học dân gian nổi tiếng. Tên tuổi ông gắn liền với bộ sách năm tập Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam quen thuộc với nhiều người đọc từ nhỏ. Nhưng ngoài khảo luận nghiên cứu, ông còn viết sáng tác. Thiên phóng sự Túp lều nát ông viết trong khoảng thời gian 1933-1936, khi chỉ mới qua tuổi hai m­ươi, là một tác phẩm có giá trị cao của dòng văn học hiện thực 1932-1945. Ở lần in đầu (1937) Nguyễn Đổng Chi lấy tên tác giả là Nguyễn Trần Ai, một bút danh t­ượng trư­ng đầy ý nghĩa. Những cảnh khổ trần ai của một vùng nông thôn Hà Tĩnh do nghèo đói, do ngu dốt, để bị đám tổng lý hào c­ường chức dịch ở làng tha hồ bóp nặn, bóc lột, đè nén, đánh đập hiện lên chân thực và sống động d­ưới ngòi bút của một ng­ười có con mắt thấu hiểu và có tấm lòng đồng cảm, th­ương xót.

TÚP LỀU NÁT

Tác giả: Nguyễn Đổng Chi

Nhà xuất bản Trẻ, 2015

Số trang: 236

Số lượng: 1000

Giá bán: 98.000

"Túp lều" ở đây là hình ảnh tác giả ví với cái làng, nơi ng­ười dân quê sinh sống. Như­ng đó là "túp lều nát" bởi vì ngư­ời dân quê bị các chức sắc ở làng "lừa dân, ăn dân, hiếp dân, và bức dân đến chết". Tác giả tập phóng sự, một ngư­ời có chữ, một thầy giáo, một nhà báo có l­ương tâm và trách nhiệm, đã dụng công hơn 5 tháng trời "để nhìn, để nghe những cảnh t­ượng mà tôi không thể tin đ­ược là có xẩy ra – và xẩy ra luôn – ở trên dải đất có đến hai Chính phủ trị vì núp dư­ới bóng cờ ba sắc". Tập phóng sự viết xong, Nguyễn Đổng Chi đề lên trang đầu: "Kính dâng cụ lớn Bùi Bằng Đoàn ng­ười nắm cán cân công bằng của pháp luật quyển sách thô bỉ này". Tại sao lại "thô bỉ"? Bởi vì thực tế cuộc sống ở tại một vùng quê miền Trung như được phản ánh trong sách cho thấy "cán cân công bằng của luật pháp" đã không được thực thi ở đó. Người dân ở đó khi thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước đã bị bóc lột đến tận xương tủy bởi tầng lớp quan lại của bộ máy cai trị địa phương từ xã đến huyện, phủ đã chà đạp lên luật pháp, bất chấp pháp luật. Đó là một hiện thực thô bỉ và để xảy ra sự thô bỉ đó là do một hệ thống chính quyền thô bỉ dung túng cho sự lộng quyền nhũng lạm, sách nhiễu dân. Tác giả gọi quyển sách của mình là "thô bỉ", theo tôi, chính vì lẽ đó, chính vì ông đứng từ phía dân và đứng về phía dân để nói với chính quyền.

Chính quyền, người lãnh đạo, nếu thực sự là của dân, do dân, vì dân thì phải lắng nghe dân, đừng chỉ nghe ý kiến, nhận xét của các quan chức, viên chức tâu lên mà quyết định. Một khi dân đã kêu là có vấn đề, và có vấn đề là phải giải quyết cho dân. Túp lều nát vì vậy có thể đọc như một bản tường trình, hơn thế nữa, như một bản cáo trạng, về thực trạng một tội ác (đúng, một tội ác) thâm căn cố đế ở nông thôn Việt Nam mỗi kỳ sưu thuế. Tập phóng sự sau lời Tựa có 13 thiên với các tiêu đề: Loài động vật ngắn cổ (đấy là nói ng­ười dân quê bị phù thu lạm bổ mà không biết kêu ai); Mùa gặt của h­ương lý (tức là mùa sưu thuế: "Thì ra sự thu thuế cho Nhà n­ước ở làng đây, than ôi! Không còn là cái nghĩa thu thuế nữa. Nó là một sự mua bán. Thách lên cao để cho kẻ khác trả xuống thật rẻ mạt rồi cứ nhích lên từng nấc dần dần. Nó lại là một việc tra khảo cho lòi của ra nếu như­ không tìm được đồ đạc xiết lấy đem về"); Mạnh Lệ Quân n­ước Nam (chuyện một bà Lý giả dạng đàn ông đi lĩnh chẩn hớt của dân); Mồ hôi và mồ hôi (chuyện mua chức bán tước ở thôn quê bắt ngư­ời dân phải chịu mọi khoản đóng góp); Chế độ hào c­ường ("Một trăm chuyện hào cư­ờng nhũng lạm là một trăm chuyện kim ngân phá lề luật"); Tổng lý, một bức hàng rào giữa dân và chính phủ ("nếu lỡ ra bị dân kiện không chối cãi đi đằng nào đ­ược thì bấy giờ họ lại chạy vạy kêu với quan trên, nào những là có công với Chánh phủ trong việc trị an thế này, thế nọ, bây giờ vấp váp mong đư­ợc bề trên nới tay..."); Phư­ơng pháp bảo cử mầu nhiệm (chuyện tranh chức Lý tr­ưởng ở làng, phiếu bầu có đánh dấu); Tiếng dân kêu (cả một bài ví dặm "trách những phư­ờng nhũng lạm, bóc lột đủ trăm bề"); Dĩ dật đãi lao (chuyện vu oan c­ướp vợ ng­ười); Những ng­ười thay mặt cho công chúng (một đám Lý tr­ưởng với dân thì ra sức bóp nặn nhưng lại tranh nhau... "nói khí vô phép, như­ bầy chó" những thứ đồ phế thải vứt qua cửa sổ của một quan đồn Pháp trước khi đi nhậm chức nơi khác); Số tiền trời cho (ngư­ời dân trông mong vào khoản tiền bồi thường về việc con gái mình bị lính đồn hiếp để chữa bệnh cho con thế mà rốt cuộc vẫn trắng tay); Một thiên kết luận đẫm máu (một người nông dân cùng đ­ường phẫn uất đâm chết Chánh tổng, sau đó tự đâm mình: "Mày làm tổng lý bóc lột và hiếp đáp dân ngu đã mấy năm nay. Bây giờ tao chém mày để trừ hại cho dân."). Cuối sách là chư­ơng Hai bức th­ư hay là gan ruột của dân quê: thư­ của ngư­ời bạn gửi cho tác giả sau khi đọc xong tập phóng sự, kèm theo thư­ của những dân quê ở một làng gửi cho một nhà báo Pháp ở Hà Nội kêu lên nỗi khổ của họ.

Túp lều nát chân thực và sống động vì tính phóng sự của cuốn sách đ­ược tôn trọng tối đa. Phóng sự một là thể tài báo chí, đi sâu vào những sự kiện, vấn đề của thực tại. Nhà báo trong vai người viết phóng sự tìm tới những sự kiện bức xúc của đời sống, khơi chúng ra, trình bày chúng một cách xác thực, đặt chúng trong bối cảnh đời sống xã hội, cung cấp những dữ liệu chính xác, nêu lên những nhận định, đánh giá của mình, để từ đó độc giả có sự lý giải, nhìn nhận của họ. Tác giả Nguyễn Trần Ai trong Túp lều nát trước hết là một nhà báo như vậy. Ông đã thực thi bổn phận một ký giả có lương tâm và trách nhiệm. Hãy nghe ông nói: "Cầm cán bút và quyển sổ tay ra đi, tôi cũng tưởng để nhặt vài cái tin chó chết tản mát trong hương thôn cho xong phận sự của người trót ăn đồng lương trợ bút một tòa báo nọ. Nhưng lần đầu vừa bước chân đến đây tôi vô tình gặp bác chắt Ch., mà bác chắt Ch. cũng vô tình biếu cho tôi một bài nhập đề đáng giá cho cuộc phóng sự này. Tôi liền xoay đổi công việc lại. Trí tôi tự nhiên nảy ra một kế: tôi sẽ tìm ở trọ tại nhà một ông Lý, đội lốt một thầy giáo dạy tư. Rồi từ đó tôi sẽ cố lần mò tìm kiếm trong cái màn xanh xanh bí mật kia một ít cảnh tượng đáng than đáng khóc và cứ thế vẽ phác nó ra, sao nguyên nó lại cho xác thực, để cung cho độc giả, may chi gợi được một vài giọt nước mắt đồng tình…" Ông đã làm đúng phận sự của một người viết báo là đưa tin, mô tả sự kiện, trình bày vấn đề. Đọc xong tập phóng sự người đọc tin ở tác giả vì cái cách ông viết báo. Nhưng người đọc còn tin hơn ở thái độ của ông khi chọn cách viết ở thể loại phóng sự. Bởi ở lời Tựa ông đã cho biết điều khiến ông phải bắt tay làm tập phóng sự này là từ những bài viết về các nhũng tệ của đám tổng lý hào cường trong thời gian một năm (1933-1934) đăng trên báo Tiếng dân "một tờ báo già ở Trung Kỳ" từ số 701 đến số 800. Từ 182 bài đã đăng trên Tiếng dân, ông liệt kê ra các con số vụ việc tệ nạn và con số người nắm giữ các chức vị tham gia ăn bẩn của dân. Chỉ một tờ báo đã cho thấy sự đè nén, bóc lột người dân đủ mọi cung cách đến không ai ngóc đầu lên nổi; vậy mà đâu chỉ có một tờ Tiếng dân. Cho nên ông thấy mình có bổn phận phải cầm lấy cây bút của một nhà báo, khi mình còn là người trẻ. Và để góp phần vạch trần những tệ nạn, tội ác ở thôn quê, ngòi bút nhà báo ông chọn không phải là đưa tin vặt mà là viết phóng sự, nghĩa là viết có đầu đuôi. Với tập phóng sự này ông muốn làm nhân chứng "để báo tin cho các bậc cầm quyền, các nhà chánh trị, các ngài ủy viên dân biểu, vì các ngài là những kỹ sư, bác vật của quốc gia, rằng có một túp lều sắp đổ." Động cơ xui khiến ông tự nguyện làm một nhà báo rõ ràng là vậy: Vì Dân. Đọc cuốn sách thấy toát lên ở tác giả thái độ hăm hở đi tìm sự thật để vạch trần, cách tác nghiệp nghiêm túc để điều tra, lòng thương xót người dân quê để bênh vực, óc phân tích để tìm thoát.

Túp lều nát đầy tính báo chí và cũng đậm chất văn. Nó là thể loại phóng sự văn học. Những chiều kích thực tại mà báo chí tránh như tâm lý, hồi tưởng, cảm xúc thì văn học nói đến. Văn học cũng nhạy cảm với tác động của hoàn cảnh sống đến tư cách, hành vi của con người. Tác giả tập phóng sự đã viết dưới góc độ đó. Ngay cái tên của mười ba thiên đã được tác giả chọn đặt có ý vị và tư tưởng. Khi thì hoặc nói thẳng "Chế độ hào cường", hoặc hình ảnh biểu tượng "Loài động vật ngắn cổ", hoặc điển tích "Mạnh Lệ Quân nước Nam", hoặc thành ngữ Hán phổ biến vào thời đó "Dĩ dật đãi lao". Khi thì hoặc trực tiếp "Tiếng dân kêu", hoặc châm biếm "Phương pháp bảo cử mầu nhiệm", hoặc đối lập "Những người thay mặt cho công chúng". Những đầu đề này mang ý hướng công kích, đả phá mạnh mẽ. Đọc vào từng thiên là đọc vào từng câu chuyện được tác giả dẫn dắt khéo léo có cảnh ngộ, tình huống, có nhân vật, không khí, xen kẽ lời kể ở ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, có khi trình bày qua nhân vật trung gian, nhưng mọi giọng kể đều đồng quy ở chỗ làm bật ra những thủ đoạn gian tham, độc ác vơ vét tiền bạc nông dân của đám chức sắc hương thôn. Tác giả lại khéo dùng tiếng địa phương xứ Nghệ trong những đoạn đối thoại, những câu chuyện kể của người dân, tạo cho tập phóng sự vừa có nét riêng của một vùng quê, vừa sinh động chân thực. Ngôn ngữ, yếu tố quan trọng hàng đầu trong văn chương, cũng được tác giả quan tâm thể hiện để đạt hiệu ứng cao nhất cho việc phản ánh.

Tính văn của phóng sự ở Túp lều nát đã khiến người đọc như được nhập cuộc cùng tác giả, như ở chính trong khung cảnh của vụ việc, lôi cuốn đư­ợc họ đi theo bước chân tác giả qua mỗi đư­ờng làng ngõ xóm để thấy hiển hiện tr­ước mắt toàn cảnh túp lều nát của nông thôn Việt Nam (miền Trung) dư­ới chế độ phong kiến - thuộc địa. Từ những việc thực, người thực đã viết trong phóng sự, nếu tác giả lấy đó làm chất liệu để sáng tác nghệ thuật thì ông có thể viết thành những truyện ngắn. Như các thiên "Những người thay mặt cho dân chúng", "Dĩ dật đãi lao", "Số tiền trời cho". Nhưng không, ở đây ông chỉ mượn hình thức truyện để phản ánh và chuyển tải linh động, chân thực với nhịp chuyển tiếp thật nhanh những hoạt cảnh-thảm cảnh của nông dân mỗi kỳ sưu thuế. Tác giả đã thương xót và đồng cảm với người dân quê thấp cổ bé họng, nhẫn nhục chịu đựng mọi nỗi khổ giáng xuống mình, và vì thế ông cố gắng thu thập thật nhiều tư liệu, tìm mọi cách để có được những lời kể thực sự của người trong cuộc, đến mức chính mình – chỉ một chân phóng viên quèn – đã bị vu cáo làm cộng sản và bị bắt tạm giam. Nhưng ngay cả trong cảnh giam hãm ông cũng vẫn tiếp tục khai thác được tư liệu từ những người cùng cảnh ngộ cũng là những nông dân bị bọn hào lý hãm hại. Đó là tư cách nhà báo chân chính của Nguyễn Trần Ai để khi Túp lều nát được in ra nó thực sự là bản cáo trạng đanh thép đối với một xã hội, một chế độ, nhìn từ một vùng miền.

Cuốn sách đ­ược viết và xuất bản thời phong trào Mặt trận Bình dân 1936-1939 như­ một tiếng nói riêng góp vào bản cáo trạng chung bằng văn học về cảnh ngộ nông thôn và nông dân Việt Nam dưới chế độ thực dân - phong kiến. Trong không khí thời cuộc lúc ấy, tác giả cũng đã thử truy xét nguyên nhân sự bị bóc lột của người nông dân và thử cách tìm lối thoát cho họ. Người nông dân bị cái nạn phù thu lạm bổ phần chính là do bộ máy quan lại thối nát ở xã huyện, phủ tỉnh. Điều này toát lên từ toàn bộ nội dung tập phóng sự. Nhưng theo tác giả, nguyên nhân còn là vì người nông dân không biết chữ, không có học, nên không biết cách chống chọi, phản kháng lại những kẻ ức hiếp họ. Sắc lệnh, chiếu chỉ viết bằng tiếng Hán tiếng Pháp họ không hiểu được. Đơn từ kêu xin, khiếu kiện họ cũng không biết viết. Tóm lại là họ không có trự (Ở Nghệ Tĩnh tiếng "trự" vừa nghĩa là chữ, lại cũng có nghĩa là "đồng bạc"). Trong các chương của tập sách, tác giả đã có nhiều chỗ nói về sự mù chữ, dốt nát này của người dân quê. Song ngay cả một người đã học qua trình độ Primaire ra làm Lý trưởng có ý muốn cải cách làng quê mà còn bị đám hào lý ở hương thôn cấu kết kiện tụng, phá rối đến sạt nghiệp phải thôi chức thì sự mù dốt của người dân chỉ là hệ quả của bộ máy chính quyền. Phải thay đổi bộ máy đó thì cuộc sống của người dân mới được thay đổi, tức là thay đổi chế độ xã hội. Túp lều đã nát thì phải xô đổ nó đi, làm mới hoàn toàn từ tay những người mới, tức là thực hiện cuộc cách mạng xã hội.

Xét ở cả hai mặt báo chí và văn học, Túp lều nát của Nguyễn Đổng Chi là một tác phẩm có giá trị lớn xứng đáng một địa vị trong văn học sử thời kỳ 1932-1945, nhất là giai đoạn các sáng tác xuất hiện trong phong trào Mặt trận Bình dân viết về nông dân như Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan), Vỡ đê (Vũ Trọng Phụng).

Thiên phóng sự Túp lều nát ra đời đến nay đã gần tám m­ươi lăm năm nhưng đọc nó thấy cuốn sách không chỉ có giá trị tư­ liệu về lịch sử. Nguyễn Đổng Chi không viết truyện cổ tích cho ng­ười lớn. Ông viết sự thực. Ông sao nguyên lại xác thực những điều mắt thấy tai nghe. Ông tự nguyện làm người cầm bút giữa chốn trần ai để vạch cho mọi ngư­ời thấy thảm cảnh của ngư­ời dân quê sau lũy tre làng, phơi bày trư­ớc công luận "vô số con sâu mọt âm ỷ đục khoét, quấy phá ở trong". Trong sự nghiệp trước tác của mình, nghiên cứu khoa học xã hội mới là sự nghiệp chính của tác giả. Nhưng chỉ với tập phóng sự này, Nguyễn Đổng Chi đã khẳng định t­ư cách nhân văn của ngòi bút ông. Trên các trang sách của mình, ông đã luôn đứng về phía người dân, yêu thương và bênh vực họ.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác!