Đọc sách cùng bạn: Ả Ban

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 08/01/2021 07:30 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi mời bạn đọc cuốn tiểu thuyết có nhan đề bằng bốn chữ cái "ABCD" của nhà văn Y Ban. Bài viết đây là bài thay lời tựa của tôi cho cuốn sách đó. Tại sao tôi lại chọn nó để đọc lại cùng bạn thì tôi sẽ nói ở cuối bài.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: Ả Ban - Ảnh 1.

Ả này khéo đẻ con văn, vài năm lại sòn ra một đứa, hết truyện ngắn lại tiểu thuyết. Mà cái cách ả đặt tên con văn cũng lạ, rồi quái. Nổi đình đám từ cái truyện đầu tay là Bức thư gửi mẹ Âu Cơ (1989) nhé. Thư ai viết? Thì con của mẹ viết, tức là phụ nữ, tức là người mang nặng đẻ đau, tức là người sinh ra con người nhưng khi lên bàn đẻ chỉ có một mình chịu mọi cực hình sinh nở. Huống chi nhân vật trong truyện lại là một cô gái trẻ bị lỡ dính bầu phải đi làm cô vắc. Truyện này ả Ban viết khiếp lắm, cái khiếp rồi ra thành như một văn phong của ả, nhất là những đoạn tả chuyện đàn bà làm chuyện đàn bà. Cố nhiên không có đàn bà thì không có con người và cõi nhân gian cũng sẽ không có, nên ả Ban ngay từ cái viết đầu tiên đã như được mặc định là viết về cái giống của mình để kêu lên với trời, với người, với đời, với đàn ông, rằng hãy yêu thương lấy chúng tôi, hãy sống cho chúng tôi, thế tức là yêu thương và sống cho cả thế gian này đấy. I am đàn bà lại là một cái tên tiểu thuyết của ả mà đọc xong sách thì dâng ngập người nỗi thương xót cho đàn bà nước Nam và buồn nhục cho đàn ông nước Việt. Rồi vừa đây ả lại tung ra tên gọi một con sách là một câu hỏi Này hỏi thật đã nhìn thấy gì chưa đấy? khiến người chưa cầm sách đã phải ngó trước trông sau. Nhìn thấy gì là nhìn thấy gì. Cứ đọc sách khắc biết là gì thấy. Giọng văn của ả này sa sả diết dóng, đọc mới khoái, còn như tóm tắt kể lại thì chán phèo, mất hết yêu thương mủi lòng gói kỹ bên trong giọng.

Tác giả: Y Ban

Nhà xuất bản Trẻ, 2014

Số trang: 293

Số lượng: 2000

Giá bán: 85.000/cuốn

Bây giờ ả Ban lại tòi ra cái con ABCD này. Gọi là con vì đang ví von ả ra sách như là đẻ con. Nhưng gọi "con", giống cái, cho cuốn tiểu thuyết mới này của ả, cũng vì cảm giác đọc xong vẫn là chuyện đàn bà, sinh đẻ, cuộc đời, cái sống, cái chết. Tại sao lại lấy bốn cái chữ đầu của bảng chữ cái mà tương thành tên sách thế này? ABCD lặp đi lặp lại đánh dấu từng đoạn truyện, nhưng rồi còn có G, F, Z cũng được đánh lặp mấy đoạn, cứ gọi là loạn cả lên, không hiểu theo quy luật gì. Thế là thế nào. Đọc mãi chưa luận ra nên cứ đoán thử xem. Ở gần cuối truyện ả có nói về một nhân vật nữ chỉ thích đọc những chuyện kể lại được, mà toàn những chuyện về cái ác, cái xấu, kiểu đọc theo thứ tự ABCDEF, hết cái này đến cái kia. Ừ, cứ coi ABCD của ả Ban là thế, mỗi khối bốn chữ này là một truyện nhỏ, kết mấy khối lại thành một truyện to, một tiểu thuyết. Đoạn đầu và đoạn cuối sách là một truyện, ở giữa là mấy truyện nữa. Nhưng xem chừng đọc thế cũng chưa phải vì có những đoạn đánh liền nhau một chữ rồi lại nhảy cóc sang chữ khác chứ không theo thứ tự. Hay ả nhà văn đánh chữ thế chỉ để cho rối mắt người đọc thôi và ai đọc rồi khéo xếp lại từng mạch truyện thì sẽ thấy ra mấy cuộc sống vợ chồng gia đình. Chuyện nhà Phũ này, chuyện nhà Linh Lang này, chuyện nhà Dỉn này, chuyện nhà Thục này, chuyện nhà Thân này. Ả Ban bày ra kết cấu tiểu thuyết của mình ABCD có ngụ ý liên quan gì các chuyện nhà với nhau hay không, khi trên mặt giấy chỉ cho thấy con nhà Dỉn là kiếp sau của con nhà Linh Lang. Nhưng dẫu là chuyện nhân quả hay không, điều cốt yếu ả Ban muốn dẫn dụ ở đứa con văn mới này của ả là lòng yêu thương con người. Người đã sinh ra đời dù rơi vào cửa nhà nào cũng phải có bổn phận người là yêu thương nhau để cùng nhau sống trọn đời người trong lòng nhân ái. Mỗi chuyện gia đình là một cảnh ngộ, một trường hợp, một bằng chứng cho ả Ban nói với người đọc: nhân sinh là thế đấy các người ạ, phải sống cho tử tế vào, phải học cách yêu thương ABCD từ những điều sơ đẳng, căn bản trở đi.

Văn ả Ban ở truyện này thực thì vẫn rất thực như tả cảnh mua bán đất, cảnh mẹ chồng nàng dâu, nhưng lại ảo diệu ở cảnh khu vườn nhà Linh Lang và ma quái ở chuyện luân hồi của Tri. Toàn bộ chuyện nhà Linh Lang được kể mờ ảo, hư thực chỉ để gợi cho người đọc lờ mờ đoán giải một sự kiện khủng khiếp đã xảy ra trong một gia đình vợ chồng vẻ như là trí thức, nghệ sĩ. Vợ chồng Phũ-Phàng ngược lại, Phàng tàn tật thể xác mà lành mạnh tâm hồn. Nhưng đứa con trai của họ vẫn đẩy mẹ đến chỗ chết trôi sông, cảnh cuối truyện ứng với cảnh đầu truyện. Những cái chết của người mẹ, người em, người con vì sự mất lương tâm, đạo đức trong mỗi gia đình ở tiểu thuyết này khiến lại nghĩ cái tên ABCD là nghĩa phải bắt đầu tất cả lại từ đầu. Từ đâu? Ả Ban kêu gọi lòng yêu thương ở con người, của con người, như đã thuyết rõ trong mấy câu lời nhân vật cuối truyện và được tách ra đặt đầu truyện. ABCD những chữ cái vỡ lòng bài học nhân nghĩa luôn phải được truyền đời học và nhớ và làm. Chắc ả Ban bức xúc chuyện nhân thế suy đồi hiện nay lắm rồi nên ả không ngại bắt nhân vật mế Dỉn thay mình kêu to thật to lên điều đó. Đọc hết truyện ở mấy câu vỗ về này thấy thương các nhân vật, thương ả Ban, và thương cả cho đời bạc.

Tích xưa bên Tàu có nàng Ban Chiêu đời Đông Hán (25-196) giỏi thi phú, từng viết ra tập Nữ giới gồm bảy thiên được khen tụng. Ban Chiêu cùng Tạ Đạo Uẩn, một nàng cũng tài giỏi đời Tấn (265-419) là một cặp nữ lưu nổi tiếng thành điển cố xưa. Kim Trọng khen thơ Thúy Kiều đề tranh mình được Nguyễn Du cho dẫn tích này: "Khen tài nhả ngọc phun châu / Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này". Nhớ tích đó, thơ đó, tôi gọi tác giả tiểu thuyết ABCD là ả Ban. Ả chứ không phải nàng nhé. Nàng là yểu điệu thục nữ, là dịu dàng e lệ, là ý tứ gìn giữ, ngó ra không hợp với nữ văn này. Ả Ban thì mới đúng vì ả ta đáo để, ghê gớm lắm, trong văn cũng như ngoài đời, nhưng ẩn sâu lại cũng hiền dịu, nhân tình rất ả. Tiếng "ả" giờ hình như chỉ còn dùng ở xứ Nghệ tôi, phụ nữ được gọi thế là vừa gần gũi, vừa thân trọng. Gọi ả Ban cho vui, chắc ả không giận, có khi thích nữa cũng nên, còn nếu có ai bảo tôi so sánh người xưa kẻ nay thì thưa là không, mà biết đâu cũng có vài phân, nhất là ở chỗ nữ giới chứng tỏ mình. Ả Ban đang là tay văn đàn bà cứng hiện nay, không tin, đọc ABCD thử coi.

Bài thay lời tựa này đã hơn sáu năm trước. Sau cuốn "ABCD" Y Ban đã lại có thêm những cuốn khác. Mới nhất, vào những ngày cuối năm 2020, ả gom một loạt truyện ngắn đình đám lâu nay của mình làm một cuốn dày gọi tên "Truyện ngắn Y Ban". Tự nhiên xui tôi lôi lại cuốn tiểu thuyết này của ả đọc lại và vẫn thấy ả độc đáo. Văn chương của ả, ngắn dài gì cũng đau đáu cái kiếp người. Như ả đã viết trong sách này: "Chúng ta đã học được cách có thể tự sinh ra, chúng ta đã học cách tự chết đi mà không cần tạo hóa. Nhưng chúng ta không học được cách yêu thương và bày tỏ tình thương yêu. Con trai ơi, con có qua năm bảy kiếp người vẫn là chưa học hết cách…" Vì thế tôi cũng muốn bạn đọc lại và đọc mới văn xuôi Y Ban.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem