Nghề lênh đênh sông nước, săn tìm những loài “cá chúa tể” càng trở nên gian khó, nhưng trước sóng to, gió lớn, đôi khi là đánh cược cả mạng sống để mưu sinh.
Chỉ tay về vùng tụ thủy của 3 dòng chảy là sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay, chị Lê Thị Huyền, một trong những thợ săn “thủy quái” có tiếng của thị xã “ngã 3 sông”-Mường Lay, tỉnh Điện Biên chậm rãi kể cho chúng tôi những lần chị từng bắt được “thủy quái” khủng.
“Mấy chục năm lênh đênh sông nước, việc bắt được những con cá măng, cá mè nặng cả chục cân là chuyện rất bình thường. Nhưng số lần bắt được cá lăng, cá chiên khủng hàng chục cân thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Con cá chiên lớn nhất mình từng bắt được nặng ngót nghét gần 50kg và phải rất vất vả, ngụp lặn “đánh vật” hơn 3 tiếng đồng hồ cùng sự giúp sức của các bạn chài, mới đưa được nó lên thuyền...".
"Đầu nó nham nhở như một khúc gỗ mục, toàn thân trơn nhẵn, màu sắc loang lổ kỳ dị. Nó quẫy mạnh đến nỗi khiến chiếc thuyền chao đảo, suýt lật nhào xuống lòng sông nên đành phải dùng lao nhọn đâm ngập đầu mới mang được về…”.
Nghề săn “thủy quái” ở vùng sông nước này có từ rất lâu, khi sông Đà vẫn còn chưa bị sẻ núi, ngăn đập làm thủy điện.
Lúc đó, những ngư phủ vừa phải chèo chống với thác ghềnh, vừa phải đánh vật với những con cá lăng, cá chiên lớn cả tạ bằng lao, lưới thô sơ.
Bởi vậy, nghề săn “thủy quái” trên sông Đà vẫn luôn được coi là nghề nguy hiểm và chỉ dành cho những ai “to gan, lớn mật”.
Nguy hiểm là vậy, song đối với nhiều người hay ngay cả như đối với bản thân chị Huyền, đi săn tìm loài “cá chúa tể” hung dữ không chỉ là cái nghiệp nhiều đời truyền lại của gia đình, mà đó còn là cái thú để thỏa mãn đam mê chinh phục sông nước của bản thân.
Theo kinh nghiệm của chị Huyền, cá lăng, cá chiên cực kỳ dữ dằn và hung ác nên để săn được loài cá này, ngoài sức khỏe thì người đi săn còn phải biết dùng mưu và phải thật am hiểu về sông nước.
Do bị săn bắt ráo riết, cộng với việc lòng hồ sông Đà tích nước đến cả chục mét nên hiện nay ở các khúc sông Đà trên địa phận thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) gần như không còn sự xuất hiện của những loài cá này nữa.
Giờ muốn bắt được cá khủng phải đi thuyền ngược sông cả chục cây số lên khu vực Nậm Nhùn (Lai Châu) hoặc có khi xuôi thuyền xuống tận Quỳnh Nhai (Sơn La). Thời gian dễ đánh bắt được cá vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 5, khi mưa xuống mang theo nguồn thức ăn dồi dào, cá nổi lên ăn nhiều.
Thời điểm đó 2 vợ chồng chị Huyền đành gửi con lại cho ông bà để lênh đênh sông nước, đi xuyên tận 2 tháng cùng bạn chài đánh cá.
Để bắt được cá khổng lồ, buộc dụng cụ đánh bắt cũng phải “khủng”. Những tấm lưới phải là loại đặc biệt với nhiều lớp bện chắc vào nhau. Như bộ lưới vợ chồng chị Huyền đang sử dụng có chiều cao đến 6m, dài hơn 300m, nặng gần 1 tấn và đầu tư cũng tốn đến 50 triệu đồng.
Ngoài phương pháp rải lưới, thợ săn “thủy quái” đều giữ riêng cho mình một “bảo bối” là những chùm lưỡi câu “quái vật”.
Những lưỡi câu dài chục cen-ty-met, to bằng nan hoa xe đạp, vô cùng sắc lẹm, cứng, chắc đủ sức ngoạm chặt vào miệng và thân những con cá lớn. Chiều dài dây câu lên tới cả chục mét với hơn 300 trăm lưỡi câu.
Săn “thủy quái” sông Đà quả là nghề may rủi bởi độ nguy hiểm cũng như sự khan hiếm của các loài cá lăng, cá chiên.
Người dân sông nước Mường Lay ngày nay đã và đang chuyển dần từ đánh bắt tự do sang các mô hình nuôi cá lồng hoặc đánh bắt thủy sản bằng vó bè hiệu quả kinh tế cao hơn. Còn những người có máu mạo hiểm như anh Hà, chị Huyền vẫn bám trụ với nghề thì ngày một thưa dần.
Đêm xuống, cả đại ngàn đã chìm trong giá lạnh, những con thuyền săn “thủy quái” lại rẽ nước chìm vào bóng tối đen đặc của Đà giang mong tìm cho mình một vận may.
Không biết họ sẽ trụ lại được với nghề này trong bao lâu, chỉ biết rằng, với tần suất đánh bắt dày đặc, sự khan hiếm dần của các loài cá “chúa tể” và những lần dong thuyền đi rồi trở về tay không cũng ngày càng nhiều hơn.
Có lẽ trong tương lai, nghề săn “thủy quái” sông Đà sẽ chỉ còn là huyền thoại trong câu chuyện của những lão ngư một thời lăn lộn với sóng gió Đà giang mà thôi!.