Khác biệt của liên kết
Mỗi năm, gia đình ông Phan Văn Túy (ở xã Thanh Lương, thị xã Bình Long, Bình Phước) nuôi 3 lứa gà thịt, mỗi lứa khoảng 10.000 con. Ông cho biết, giá thành mỗi con gà 45.000 đồng/kg. Nhưng từ tháng 11 vừa qua, giá gà bình quân trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 37.000 đồng/kg, khiến gia đình ông lỗ gần 200 triệu đồng.
Nhưng đó là trường hợp gia đình ông Túy đã có chỗ tiêu thụ. Từ sau khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi và dịch Covid-19, số lượng người nuôi gà tăng lên, khiến tổng đàn gà tăng cao. Khâu tiêu thụ đối với hầu hết người chăn nuôi càng trở nên khó khăn hơn.
Ông Lê Văn Quyết – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cho rằng, 1 nông hộ dù có tiềm lực kinh tế mạnh và quy mô chuồng trại lớn đến đâu cũng không thể xuất ra thị trường hàng chục ngàn con gà đúng tiêu chuẩn mỗi ngày.
Nhưng nếu liên kết các hộ chăn nuôi lại với nhau, liên kết người chăn nuôi với đơn vị cung cấp thức ăn, thuốc thú y thì hoàn toàn làm được.
Ông Túy kể, nếu không bán được thì đàn gà cũng vẫn phải cho ăn. Mỗi ngày, đàn gà 1.000 con trưởng thành tiêu tốn khoảng 1 triệu đồng tiền cám. Gà để trong chuồng phát dục mạnh, hay cắn xé lẫn nhau cũng khiến tỷ lệ hao hụt tăng lên. Như thế, chủ trại vừa lỗ tiền cám vừa hao hụt trên tổng đàn.
Nhưng khó khăn nhất vẫn là đầu ra không ổn định. Người chăn nuôi chủ yếu bán sản phẩm tại các chợ hoặc qua thương lái nhỏ lẻ nên còn nhiều rủi ro. "Vụ chăn nuôi năm qua của gia đình gặp rất nhiều khó khăn" - ông Túy kể.
Ngược lại, ở xã Đồng Nơ (huyện Hớn Quản, Bình Phước), mô hình chăn nuôi gà lạnh ở trang trại Đỗ Mạnh Tường nhờ liên kết với doanh nghiệp nên vẫn sống khỏe. Theo đó, trang trại này ký hợp đồng nhập gà con từ Công ty De Heus ở TP.HCM. Không chỉ cung cấp gà con, thức ăn với giá ưu đãi, Công ty De Heus còn hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra.
Ông Nguyễn Công Minh - quản lý trại chăn nuôi Đỗ Mạnh Tường cho biết, cơ sở đang có 8 trại gà lạnh, bình quân mỗi trại nuôi 20.000 con gà. Với giá 10.000 đồng/con giống, sau 42-45 ngày, trọng lượng gà đạt khoảng 2,6kg/con thì xuất bán.
Dù giá gà công nghiệp trên thị trường có lúc tăng cao lên đến 38.000-40.000 đồng/kg, hoặc có khi giảm xuống còn dưới 20.000 đồng/kg như hiện nay, trại vẫn bán theo giá hợp đồng đã ký kết 25.000 đồng/kg. Với giá hiện nay, mỗi trại gà lạnh 20.000 con sau khi xuất chuồng, ông thu lợi nhuận 130 triệu đồng/lứa. Toàn bộ 8 trại này, mỗi lứa ông thu lợi 1,040 tỷ đồng.
"Toàn trang trại nuôi bình quân mỗi năm khoảng 5 lứa, tính ra tổng lợi nhuận đạt hơn 5 tỷ đồng. Ngoài ra, trại còn có thêm nguồn thu từ tiền bán phân gà" - ông Minh tính toán.
Liên kết làm hàng chất lượng
Năm 1999, ông Tống Văn Hướng đầu tư vốn liếng mở trại chăn nuôi gà ở huyện Dầu Tiếng (Bình Dương). Khi công việc đang xuôi chèo mát mái thì dịch cúm gia cầm ập tới. Toàn bộ 4 trại nuôi theo mô hình trại hở với tổng đàn 30.000 con phải đem chôn tiêu hủy. Theo giá bán lúc đó khoảng 25.000-30.000 đồng/kg, ông Hướng mất gần 3 tỷ đồng.
Được sự hỗ trợ kỹ thuật, phương án kinh doanh từ các công ty chăn nuôi lớn, năm 2003, ông Hướng lại thế chấp sổ đỏ, quyết tâm làm lại bằng mô hình nuôi trại gà lạnh khép kín. Thời điểm đó, ông Hướng là 1 trong những người đầu tiên đưa mô hình nuôi gà lạnh về Bình Dương.
Từ đó đến nay, 6 trại gà lạnh đều đặn giúp ông Hướng thu lợi nhuận khoảng 3 tỷ đồng/năm. Khi mô hình của cá nhân phát triển ổn định, ông lại tiếp tục thành lập HTX để tập hợp và chia sẻ lợi ích với nhiều thành viên khác.
"Buộc phải thành lập HTX vì chỉ HTX mới có tư cách pháp nhân để làm việc với các doanh nghiệp, siêu thị; để đảm bảo tiếng nói chung với sản phẩm của mình từ sản xuất đến tiêu thụ" - ông Hướng phân tích.
Ông Lê Văn Quyết - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (huyện Long Thành, Đồng Nai), chia sẻ: Ba năm trở lại đây, hàng chục trang trại chăn nuôi gà thành viên trên địa bàn huyện không cần bận tâm chuyện giá cả lên xuống thế nào. Toàn bộ các khâu từ đầu vào con giống, thức ăn cho đến giá bán ra đều được HTX đứng ra lo hết. Chính sự liên kết chặt chẽ trong từng khâu và hài hòa về lợi ích chung nên mô hình kinh tế tập thể này đang góp phần đưa ngành chăn nuôi huyện Long Thành phát triển.
"Chúng tôi đã xuất khẩu gà vào được Nhật Bản nên dư địa xuất khẩu sang các thị trường khác và ngay cả thị trường nội địa vẫn còn" - ông Quyết khẳng định.
Theo TS Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia: Trong các chương trình, dự án của mình, Trung tâm sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn cho các hộ, trại các tiêu chuẩn của nhà thu mua cũng như tiêu chuẩn cho nhập khẩu ở thị trường các nước để người chăn nuôi có thể biết được mà tổ chức sản xuất" - TS Hạ Thúy Hạnh chia sẻ.