Thời gian gần đây nguồn cung đất nền ngày càng hạn chế, giá bán tăng mạnh khiến nhiều nhà đầu tư chuyển hướng sang tìm kiếm các khu đất nông nghiệp thuộc diện có thể lên thổ cư. Điều này khiến giá đất nông nghiệp vùng ven TP.HCM như quận 9, Nhà Bè, Củ Chi, Bình Chánh... hoặc một số địa phương lân cận như Đồng Nai, Bình Dương... liên tục tăng nóng.
Chỉ cần gõ cụm từ "bán đất nông nghiệp TP.HCM" trên google, người tìm sẽ nhận được hàng nghìn kết quả chỉ trong tích tắc. Theo khảo sát của PV Dân Việt, giá đất nông nghiệp tại các vùng ven TP. HCM những năm gần đây tăng lên từ 2-3 lần.
Trên nhiều website rao bán đất nông nghiệp vùng ven TP.HCM, dù rao "giá đất nông nghiệp rẻ" nhưng giá không hề "mềm".
Đơn cử, một mảnh đất vườn có diện tích 585m2 tại xã Trung Lập Hạ, Củ Chi (TP.HCM) được rao bán với giá 979 triệu đồng, tương đương gần 1,7 triệu đồng/m2. Khu đất này được quảng cáo là liền kề nhiều tiện ích như chợ, trường học, bệnh viện thích hợp xây nhà vườn...
Hay một mảnh đất trồng cây lâu năm diện tích 500m2 tại xã Hưng Long, Bình Chánh (TP.HCM) được quảng cáo là có sổ đỏ, đất vuông vức đẹp đang được rao bán với giá 1,3 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,6 triệu đồng/m2...
Tương tự như vậy, giá đất tại một số địa phương giáp TP.HCM, giá đất nông nghiệp cũng sốt theo từng năm.
Tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai giá đất nông nghiệp hiện tại đã tăng gấp 10 lần so với cách đây 3 năm. Nếu năm 2017, giá đất nông nghiệp tại đây chỉ khoảng 600-800 triệu đồng/ha hiện đã lên 8-10 tỷ đồng/ha. Thậm chí, có những nơi mặt tiền đường lớn, đông dân cư sinh sống, đất nông nghiệp lên đến 20 tỷ đồng/ha.
Giá đất nông nghiệp huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) trước đây chỉ dao động từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha, song hiện đã tăng lên 8-10 tỷ đồng/ha.
Tại Tây Ninh, theo phản ánh, chỉ tính riêng trong năm 2019, giá đất nông nghiệp tại hầu hết khu vực trong huyện Bến Cầu cũng đã tăng khoảng 15 - 18%. Một mảnh đất trên 1000 m2 tại Gò Dầu có mức giá dao động khoảng 1 tỷ đồng trở lên.
Mặc dù giá đất nông nghiệp đang tăng nóng, tuy nhiên không ít nhà đầu tư vẫn xuống tay đầu tư mua đất nông nghiệp. Theo các chuyên gia bất động sản, yếu tố về giá chênh chính là lý do khiến nhiều nhà đầu tư hiện nay tìm mua đất nông nghiệp.
Thay vì mua những nền đã tách sổ (đất thổ cư) rồi bán lại, nhiều nhà đầu tư tìm hướng đi khác là mua đất nông nghiệp, rồi lên đất thổ cư, tách thửa để bán với giá cao hơn.
Về bảng giá đất nông nghiệp TP.HCM, trong đầu năm 2021 UBND TP.HCM sẽ ban hành hệ số điều chỉnh giá đất vào đầu kỳ hàng năm để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi.
Hiện tại, bảng giá các loại đất giai đoạn 2020 – 2024 ban hành kèm Quyết định số 02 của UBND TP.HCM là căn cứ để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, tính thuế sử dụng đất, tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất…
Theo bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024, giá đất tại TP.HCM vẫn giữ nguyên so với giai đoạn 2016 – 2019. Để phù hợp với thực tế, ngoài loại bỏ hơn 260 tuyến đường, bảng giá đất mới có bổ sung thêm gần 400 tuyến đường, đoạn đường tại các quận, huyện.
Trên báo chí, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng giá đất quy định trong bảng giá đất vẫn thấp hơn giá đất thị trường từ 30% - 50%. Với các tuyến đường ở trung tâm thành phố, giá đất từng giao dịch thành công cao rất nhiều, không dừng lại ở mức 1 tỷ đồng/m2. Nhưng đây là giá giao dịch giữa người dân với doanh nghiệp, không phổ biến và không đại diện cho giao dịch của thị trường bất động sản.
Chủ tịch HoREA lấy ví dụ, năm 2014, khi thành phố đấu giá 3.000m2 đất trên đường Lê Duẩn, quận 1. Giá khởi điểm là 180 triệu đồng/m2 và qua 16 vòng đấu giá thì có đơn vị trả hơn 400 triệu đồng/m2. Đây mới là giá đất đại diện do giao dịch thị trường.