Dân Việt

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng: Hội Nông dân tỉnh phải là chỗ dựa tin cậy của nông dân xứ Thanh

Hữu Dụng 13/01/2021 17:53 GMT+7
Đó là Chỉ đạo của ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tại Hội nghị Ban Chấp hành Hội ND tỉnh Thanh Hóa lần thứ 7 để tổng kết công tác hội và phong trào nông dân năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Hội nghị do Hội ND tỉnh Thanh Hóa tổ chức ngày 13/1. Cùng dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành và các tổ chức đoàn thể tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên Ban chấp hành Tỉnh hội khóa X và chủ tịch Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố.

Hoàn thành các chỉ tiêu đề ra

Năm 2020, bám sát chỉ đạo của Trung ương Hội, Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 9-12-2013 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 02-NQ/HNDT, ngày 20/1/2020 về tiêu, nhiệm vụ năm 2020, trong điều kiện chịu ảnh hưởng của thời tiết diễn biến phức tạp và tác động hết sức nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng với sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống Hội và hội viên nông dân, công tác hội và phong trào nông dân năm 2020 có những điểm nổi bật.

Cụ thể 13/13 chỉ tiêu Trung ương Hội giao hoàn thành và vượt kế hoạch giao. Các huyện, thị xã, thành phố và cơ sở tiếp tục thực hiện Đề án "Đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ hội", đẩy mạnh công tác phát triển hội viên gắn với nâng cao chất lượng hội viên, đổi mới nội dung sinh hoạt chi, tổ Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Hội Nông dân Thanh Hóa phải là chỗ dựa tin cậy của nông dân xứ Thanh - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Trong năm 2020, toàn tỉnh Thanh Hóa đã kết nạp được 9.029 hội viên, đạt 106,2% kế hoạch (KH), xây dựng được trên 4,5 tỷ đồng quỹ hội, đạt 181,2% KH; trực tiếp và phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội cho 6.332 cán bộ hội các cấp...

Các cấp Hội đã xây dựng được 27 chi Hội Nông dân nghề nghiệp với 944 hội viên tham gia; 157 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với 2.527 hội viên tham gia; các cấp hội trong tỉnh đã vận động t­ương trợ giúp nhau về tiền, lương thực, thực phẩm, hàng hoá, cây, con giống trị giá hơn 64 tỷ đồng và 49.532 ngày công lao động; trực tiếp hỗ trợ giúp 4.008 lượt hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn.

Thực hiện "Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững", Hội nông dân tỉnh Thanh Hóa đã trao 270 con bò cái sinh sản, trị giá hơn 2,8 tỷ đồng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Các cấp Hội đã ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong tuyên truyền, chỉ đạo mọi hoạt động công tác của Hội. 

Các hoạt động phối hợp, hỗ trợ nông dân được duy trì, đổi mới và có bước phát triển, hiệu quả rõ nét hơn, các doanh nghiệp, đơn vị đã hỗ trợ cho nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, vật tư nông nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất; đầu tư nguồn Quỹ Hỗ trợ cho các mô hình, dự án, xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã, chi hội, tổ hội nghề nghiệp, các mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả...

Hội Nông dân Thanh Hóa phải là chỗ dựa tin cậy của nông dân xứ Thanh - Ảnh 2.

Trong năm 2020, toàn tỉnh đã kết nạp được 9.029 hội viên, xây dựng được trên 4,5 tỷ đồng quỹ hội.

Hội Nông dân Thanh Hóa phải là chỗ dựa tin cậy của nông dân xứ Thanh

Về nhiệm vụ năm 2021, các cấp Hội nông dân tỉnh tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa để công tác hội và phong trào Nông để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. 

Trong đó, Hội đề ra chỉ tiêu phấn đấu có 95% trở lên hội viên nông dân được tuyên truyền kịp thời các nghị quyết, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, chương trình công tác của Hội và những vấn đề có liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn.

Hội ND tỉnh Thanh Hóa phấn đấu kết nạp thêm 8.500 hội viên mới; 100% hội viên được phát thẻ Hội. Tham gia thực hiện chương trình dạy nghề cho 3.000 nông dân và tạo nguồn xuất khẩu lao động cho 1.500 nông dân trở lên. 

Các cấp Hội hỗ trợ, giúp đỡ 15% hộ thoát nghèo theo chỉ tiêu tỉnh giao cho các huyện, thị, thành phố năm 2021. 

Hội tham gia xây dựng hộ nông dân được công nhận gia đình văn hóa đạt tỷ lệ và tuyên truyền vận động hội viên, nông dân tham gia bảo hiểm y tế thấp nhất phải có 85% trở lên đối với các huyện, thị và trên 90% đối với các huyện đạt chuẩn và hoàn thành nông thôn mới so với chỉ tiêu tỉnh giao cho các huyện, thị xã, thành phố.

Các ý kiến thảo luận tại hội nghị đã phân tích làm rõ những kết quả đạt được, nêu những cách làm hay trong tuyên truyền vận động hội viên nông dân phát triển kinh tế, giải phóng mặt bằng, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, xóa đói giảm nghèo...

Bên cạnh đó, các đại biểu cùng đã nêu lên những tồn tại, hạn chế, những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện và đề xuất kiến nghị những giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới.

Hội Nông dân Thanh Hóa phải là chỗ dựa tin cậy của nông dân xứ Thanh - Ảnh 3.

Ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao những thành tích mà công tác hội và phong trào nông dân tỉnh đạt được trong năm 2020.

Phát biểu chỉ đạo, tại hội nghị ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao những thành tích mà công tác hội và phong trào nông dân tỉnh đạt được trong năm 2020. Đồng thời chỉ rõ những mặt còn hạn chế và yêu cầu các cấp hội nông dân tỉnh tập trung khắc phục bằng được những hạn chế trong thời gian tới.

Về nhiệm vụ năm 2021, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề nghị các cấp hội nông dân phải nỗ lực phấn đấu với quyết tâm chính trị cao nhất để thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra. Trong đó, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, đoàn kết nông dân trở thành lực lượng chính trị, kinh tế, xã hội hùng hậu, góp phần giữ vững sự ổn định và tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Mỗi cán bộ, hội viên, nông dân cần hiểu rõ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn dân; phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội, xây dựng tổ chức Hội các cấp vững mạnh để mỗi cấp Hội thực sự là chỗ dựa tin cậy của nông dân. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, nhất là phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, cây trông trồng vật nuôi, phát triển ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất…

Chủ động phối hợp với chính quyền, các ngành, các đoàn thể thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, xây dựng nông thôn mới có chất lượng hiệu quả. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng vận động nông dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.