Dân Việt

Ấn Độ đã “qua mặt” CIA trong phát triển vũ khí hạt nhân như thế nào?

Lê Ngọc 16/01/2021 18:32 GMT+7
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, vệ tinh của Mỹ đã thực sự phát hiện bằng chứng về việc Ấn Độ chuẩn bị cho các vụ thử hạt nhân trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Vajpayee, nhưng các chuyên gia phân tích của CIA đã không chỉ ra được vấn đề này kịp thời.

Trong cuốn sách vừa phát hành “Vajpayee: Những năm tháng thay đổi India”, quan chức về hưu Shakti Sinha - người từng làm việc với huyền thoại quá cố Vajpayee của đảng Nhân dân Ấn Độ BJP (Bharatiya Janata Party), lúc đầu là Thư ký cho Vajpayee với tư cách là thủ lĩnh của phe Đối lập (1996-97), sau đó là Thư ký riêng khi Vajpayee trở thành Thủ tướng (1998-99), đã nói rằng, hơn cả sự thất bại về mặt công nghệ, đó là sự sai sót trong phân tích của người Mỹ trong việc phát hiện các vụ nổ hạt nhân của Ấn Độ vào ngày 11/5/1998, tại sa mạc Pokhran ở Rajasthan.

Giả thuyết phổ biến về các vụ thử, khiến Ấn Độ trở thành thành viên câu lạc bộ hạt nhân, là nếu người Mỹ phát hiện ra kế hoạch thử nghiệm, họ sẽ gây đủ áp lực ngoại giao và kinh tế để chính phủ Vajpayee từ bỏ kế hoạch của mình. Trước đó, người Mỹ đã thành công khi làm việc này, và đó là một bí mật mở trong giới chiến lược, Washington đã phát hiện thấy sự chuẩn bị tương tự vào tháng 12/1995 và mạnh mẽ bày tỏ sự báo động của mình. Những động thái phản đối đó đã khiến Thủ tướng lúc bấy giờ là Narasimha Rao tạm dừng việc chuẩn bị và hủy bỏ vụ thử hạt nhân đã được lên kế hoạch.

Ấn Độ đã “qua mặt” CIA trong phát triển vũ khí hạt nhân như thế nào - Ảnh 1.

Có nhiều lý do để Ấn Đố quyết tâm theo đuổi việc sở hữu vũ khí hạt nhân; Nguồn: abc.net.au

Tuy nhiên, vào năm 1998, huyền thoại về “gián điệp trên bầu trời” không thể sai lầm của người Mỹ bị hạ đo ván - các vệ tinh của Mỹ, một số có giá hơn 1 tỷ USD, chụp ảnh bằng camera độ phân giải cao và nghe lén viễn thông bằng tai điện tử, đã không hoàn thành được nhiệm vụ. Thất bại được cho là do cả Cục Tình báo Trung ương (CIA) và các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ, mà Chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện lúc bấy giờ - Thượng nghị sĩ Richard C. Shelby (đảng Cộng hòa, tiểu bang Alabama) - gọi đó là “thất bại tình báo khổng lồ” (nguyên văn “colossal intelligence failure”).

George J. Tenet - Giám đốc CIA - đã yêu cầu Đô đốc nghỉ hưu David E. Jeremiah - cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân - lãnh đạo một cuộc điều tra kéo dài 10 ngày về việc cộng đồng tình báo không phát hiện ra sự chuẩn bị của Ấn Độ tại vị trí thử nghiệm trên sa mạc, vì không phổ biến vũ khí hạt nhân được coi là ưu tiên số 1 của cộng đồng tình báo.

Là khu vực có một trong những khu vực tập trung vũ khí hủy diệt hàng loạt nhiều nhất, Nam và Trung Á - đặc biệt là Ấn Độ và các quốc gia lân cận như Pakistan, Trung Quốc, Kazakhstan, Iran và Iraq - từ lâu đã trở thành trọng tâm theo dõi đặc biệt của tình báo Mỹ. Cộng đồng tình báo Mỹ, hoạt động với ngân sách hàng năm từ 27 tỷ đến 30 tỷ USD, đang cạnh tranh để tăng cường khả năng phát hiện các vụ thử hạt nhân của một số quốc gia châu Á khác, đặc biệt là Pakistan và Trung Quốc.

Như tờ New York Times ngày 13/5/1998 đưa tin, các quan chức chính quyền Clinton bảo vệ sự thiếu nhạy bén và hành động của mình bằng cách nói rằng, chính phủ Ấn Độ đã đánh lừa họ. “Họ không chỉ đánh lừa CIA, họ đã đánh lừa toàn bộ Chính phủ Mỹ và tôi là người đầu tiên thừa nhận họ cũng đã lừa tôi”, một quan chức chính quyền cấp cao cho biết. “Tất cả chúng tôi bị ru ngủ khi nghĩ rằng họ sẽ không làm bất cứ điều gì liên quan đến vũ khí hạt nhân. Họ khiến chúng tôi tin rằng họ sẽ không làm bất cứ điều gì mờ ám. Chúng tôi đã sai lầm khi cho rằng họ sẽ hành động theo lý trí”.

Ấn Độ đã “qua mặt” CIA trong phát triển vũ khí hạt nhân như thế nào - Ảnh 2.

Ấn Độ đã thành công trong việc đánh lạc hướng sự theo dõi của tình báo nước ngoài về các hoạt động hạt nhân; Nguồn: republicworld.com

Ấn Độ đã tuyên bố rằng họ cần nhiều thí nghiệm hơn để xác định xem hệ thống vũ khí của họ có hoạt động hay không. Nhóm công tác của Jeremiah xác nhận rằng, việc xác định các bước và động thái chuẩn bị thử hạt nhân của Ấn Độ là một vấn đề khó về thu thập và phân tích thông tin tình báo vì chương trình của Ấn Độ không xuất phát từ các nguồn nước ngoài như Mỹ, Trung Quốc, Nga hay Pháp.

Nhưng đó có thực sự là một sự thất bại về mặt công nghệ của các vệ tinh? Nhiều người đã tin như vậy, bởi vì các nhà khoa học và công nghệ Ấn Độ đã cố tình làm việc suốt đêm để trốn tránh sự dò tìm của vệ tinh. Nhưng động thái quan trọng hơn - họ đã khiến Mỹ và cộng đồng thế giới chú ý đến tầm bắn thử nghiệm tên lửa tại Chandipur ở Odisha. Trong quá trình chế tạo cho đến vụ thử tên lửa đất đối không Trishul lần thứ 37, Tổ chức Nghiên cứu Phát triển Quốc phòng (Defence Research Development Organisation - DRDO) Ấn Độ đã di chuyển nhiều thiết bị hơn mức cần thiết cho vụ bắn thử.

Người ta tin rằng những gì được đặt tại Chandipur giống với thiết bị của tên lửa đạn đạo tầm trung (Intermediate-Range Ballistic Missile - IRBM) Agni. Chính việc cơ sở giám sát tín hiệu của Trung Quốc đặt tại quần đảo Coco được kích hoạt để theo dõi một vụ phóng Agni đã khiến các vệ tinh của Mỹ tập trung tất cả camera của chúng vào Chandipur thay vì Pokhran. Đó là một nghi binh chiến lược tuyệt vời do Ấn Độ nghĩ và tạo ra. Kết quả là, việc tiếp tục theo dõi các hình ảnh thu được từ các hoạt động tại bãi thử tên lửa Chandipur đã khiến Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, vốn chịu trách nhiệm giải mã giám sát vệ tinh, tỏ ra mãn nguyện.

Việc trấn an công khai của chính phủ Vajpayee những ngày sau đó rằng không có kế hoạch thử hạt nhân nào nữa đã dẫn đến sự tự mãn này. Tuy nhiên, xem kỹ lại, có vẻ như không có bất kỳ lỗi công nghệ nào. Vệ tinh của Mỹ đã phát hiện dấu hiệu về việc chuẩn bị thử hạt nhân 6 giờ trước khi vụ thử nghiệm được tiến hành, nhưng CIA không đưa ra bất kỳ cảnh báo nào vì các nhà phân tích Mỹ chịu trách nhiệm theo dõi chương trình hạt nhân của Ấn Độ không nghi ngờ các vụ thử sẽ được thực hiện và mất cảnh giác. Họ không nhìn thấy những bức ảnh cho đến khi đến trụ sở làm việc vào sáng ngày 11/5.

Ấn Độ đã “qua mặt” CIA trong phát triển vũ khí hạt nhân như thế nào - Ảnh 3.

Ấn Độ đã trở thành thành viên thứ sáu của “Câu lạc bộ” hạt nhân; Nguồn: thebetterindia.com

Do đó, Tổng thống Clinton và các quan chức khác Nhà Trắng đã không nắm được việc Ấn Độ chuẩn bị cho đến khi vụ thử diễn ra, khi các hãng thông tấn đưa tin công khai về việc xác nhận của Thủ tướng Vajpayee. Trong cuốn sách của mình, Shakti Sinha tin tưởng vào giả thuyết trên. Trong chương “Những di chuyển trên mặt đất” và tại trang 109, ông viết, … “vài năm sau, khi sống ở Mỹ, tôi được biết rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thảo luận chi tiết về việc liệu Vajpayee có thực sự ám chỉ khi nói rằng Ấn Độ sẽ thử nghiệm, và do nhận định sai, họ kết luận là ông sẽ không tiếp tục.

“Điều đáng mừng hơn nhiều là các vệ tinh của Mỹ đã không phát hiện ra công tác chuẩn bị tại Pokhran. Một lần nữa, tôi xác nhận rằng, các vệ tinh đã chụp được những hình ảnh này, nhưng trong thời kỳ tiền trí tuệ nhân tạo, việc kiểm tra thủ công là cần thiết để phát hiện và phân tích những thay đổi hiển thị trong hình ảnh vệ tinh. Hãy nhớ rằng đấy là năm 1998, và ngay cả điện thoại di động cũng ở thời kỳ sơ khai nhất!”.

Các quan chức chính quyền khẳng định rằng chính phủ Ấn Độ đã tham gia vào một mưu mẹo ngoại giao và tình báo được dàn dựng tốt để che đậy dấu vết của họ trong nhiều tuần trước vụ thử hạt nhân ở sa mạc Rajasthan. Bình luận về các vụ thử của Ấn Độ, cựu Giám đốc CIA George Tenet đã viết trong cuốn sách của mình “At the Center of the Storm: My Years at the CIA” (tạm dịch là “Giữa tâm bão: Những năm tháng của tôi tại CIA”) rằng, “chúng tôi biết cả hai quốc gia (Ấn Độ và Pakistan) đều có mong muốn, ý định và khả năng hạt nhân và chúng tôi cũng hiểu rõ những rủi ro.

Biên giới Ấn Độ-Pakistan là một trong những biên giới gây tranh cãi nhất trên thế giới thậm chí có thể hơn cả biên giới chia cắt Israel và Palestine. Việc có vũ khí hạt nhân trên tiểu lục địa này có thể giết chết hàng triệu người”. Tenet cũng cay đắng thú nhận, “thất bại” của tình báo Mỹ trong việc phát hiện các vụ thử hạt nhân của Ấn Độ năm 1998 là một trong những “sai lầm” trong nhiệm kỳ của ông mà ông không thể “thôi nhớ, ngay cả bây giờ”.