Dân Việt

TTCK: "Rung lắc” dữ dội, cơ hội kiếm “lì xì” dịp Tết Tân Sửu?

Quốc Hải 20/01/2021 15:21 GMT+7
Khi thị trường chứng khoán có những nhịp điều chỉnh càng mạnh, càng sâu như vừa qua (phiên 19/1) thì cơ hội càng nhiều, càng mở ra với những nhà đầu tư mới, những nhà đầu tư đang nắm giữ lượng tiền mặt lớn…
Thị trường “rung lắc” dữ dội, cơ hội kiếm “lì xì” dịp tết? - Ảnh 1.

Ông Trương Hiền Phương (Ảnh: IT)

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam, đã nhận định như thế trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên "rung lắc" mạnh vào hôm qua (19/1). Theo ông Phương, trong giai đoạn hiện tại, tâm lý của nhà đầu tư rất quan trọng. Nhà đầu tư cần bình tĩnh quan sát thị trường, tránh tâm lý hoảng loạn, bán tháo không cần thiết.

-Lãi suất giảm rất mạnh trong năm vừa qua, theo ông thì có hay không sự dịch chuyển dòng tiền từ ngân hàng sang chứng khoán?

Ông Trương Hiền Phương: Về lý thuyết, sự dịch chuyển dòng tiền từ ngân hàng qua chứng khoán sẽ không nhiều. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có vì lý do mức lãi suất huy động trong khoảng 5-6%/năm như thời gian qua sẽ không còn đủ hấp dẫn người dân đi gửi tiền tiết kiệm nữa. Nhà đầu tư có tiền sẽ cân nhắc lựa chọn phương án đầu tư nào có hiệu quả hơn. Thời gian qua có nhà đầu tư chọn bất động sản nhưng nhìn chung mặt bằng của bất động sản cũng chưa có gì hấp dẫn, chỉ có một vài nơi sốt, nóng nhưng lại mang tính cục bộ và có yếu tố làm giá cao, khiến nhà đầu tư e ngại.

Vì vậy, một số nhà đầu tư thay vì gửi tiền tiết kiệm, họ không gửi nữa hoặc thậm chí là rút tiền gửi ra để chuyển sang đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Dòng tiền mới thực sự có và đang diễn ra nhưng đa số đến từ nhà đầu tư cá nhân là nhiều. Còn tiền gửi của doanh nghiệp thì đa số vẫn gửi ở ngân hàng để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

-Trong bối cảnh thị trường rung lắc mạnh như hiện nay, nhà đầu tư nên làm thế nào? Bán ra hay tiếp tục mua vào cổ phiếu?

- Quan điểm của tôi thì nhà đầu tư chỉ nên bán ra cổ phiếu lúc thị trường tăng giá. Vì khi đó nhà đầu tư mới tối ưu hóa được lợi nhuận, đồng thời cũng tránh được hiện tượng bán tháo của thị trường. 

Đồng thời, khi thị trường sụt giảm thì tôi cho rằng nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặc nên cân nhắc mua dần vào cho mục tiêu trung và dài hạn. Lý do là có những cổ phiếu tốt, có nền tảng tốt và có nhiều tiềm năng phát triển nhưng nếu nhà đầu tư không tận dụng những nhịp điều chỉnh như hiện nay để mua vào thì khi thị trường bật tăng trở lại, những cổ phiếu này sẽ tăng điểm và nhà đầu tư khó mua được, hoặc sẽ phải mua với vùng giá cao.

Do đó, theo tôi những nhịp điều chỉnh càng mạnh, càng sâu như vừa qua (phiên 19/1) thì cơ hội càng nhiều, cơ hội càng mở ra với những nhà đầu tư mới, những nhà đầu tư đang nắm giữ lượng tiền mặt lớn.

Có ý kiến cho rằng, thị trường "rung lắc" mạnh là cần thiết để tạo động lực tăng tiếp cho thị trường, nhất là trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu tăng nóng trong thời gian qua và lượng cho vay ký quỹ (margin) tại các công ty chứng khoán không còn nhiều?

- Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này vì thị trường luôn vận động theo xu hướng có tăng, có giảm. Thị trường không thể tăng hoài được vì khi tăng tới vùng giá dài và cao như hiện nay rõ ràng những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu có khuynh hướng chốt lời, còn những nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt thì lại ngại mua vào do vùng giá đã quá cao. 

Do vậy, với lực cầu không còn mạnh, không còn mặn mà trong khi lực cung luôn sẵn sàng thì thị trường cần có những phiên điều chỉnh mạnh để giúp cho mặt bằng giá hợp lý hơn, trở về giá trị thực hơn.

Về lâu dài, nhà đầu tư cũng cần làm quen với nhịp thị trường tăng, giảm như vậy; đặc biệt là nhà đầu tư cũng không nên quá hoảng loạn vì những lúc thị trường sụt giảm không nên bán tháo bằng mọi giá, tránh thiệt hại hoặc tránh mất đi những khoản lợi nhuận không đáng có.

Thị trường “rung lắc” dữ dội, cơ hội kiếm “lì xì” dịp tết? - Ảnh 3.

Nhà đầu tư nên bình tĩnh trong giai đoạn hiện tại, tránh bán tháo cổ phiếu...

Hiện nay, dư nợ margin ở các công ty chứng khoán đạt mức cao kỷ lục, liệu có xảy ra tình trạng vỡ "bong bóng" chứng khoán hay không, thưa ông?

- Hiện nay, dư nợ margin ở các công ty chứng khoán cao là một sự thật, song đây không phải là nguyên nhân gây "bong bóng" hay rủi ro cho thị trường chứng khoán. Lý do là vì tổng số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư tăng hơn 59%, trong khi tổng lượng tiền cho vay margin của các công ty chứng khoán chỉ tăng 58%. Điều này có nghĩa là tốc độ tăng cho vay margin vẫn thấp hơn tốc độ tăng của nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

Khi các nhà đầu tư mới tham gia thị trường có nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính là việc hết sức bình thường, nên tôi cho rằng margin tăng cao không hàm chứa rủi ro.

Thêm vào đó, các nhà đầu tư mở mới tài khoản thường sẽ mở mới rất nhanh, trong khi việc tăng vốn của các công ty chứng khoán thì không hề dễ dàng do phải thông qua hội đồng quản trị, phải hoàn thành nhiều thủ tục, quy trình, pháp lý… nên mất rất nhiều thời gian. 

Do đó, khi các nhà đầu tư tăng nhanh và có nhu cầu sử dụng margin nhưng công ty chứng khoán thì chưa thể đáp ứng nhu cầu bằng việc tăng vốn mới. Vì vậy, tôi cho rằng margin tăng mạnh như hiện nay là cũng hợp lý và không gây rủi ro cho nhà đầu tư.

Nhiều ý kiến cho rằng thị trường có thể sẽ còn rơi đủ để "xả hàng" margin ở các công ty chứng khoán, ông đánh giá vấn đề này thế nào?

- Việc thị trường có thể giảm điểm thêm hoặc ngưng giảm để bật tăng thì đều có thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu có giảm thêm thì cũng giảm không nhiều do nhà đầu tư sớm bình tâm trở lại, không còn bán tháo quyết liệt; hoặc với nhiều nhà đầu tư đã bán thì họ cũng đã bán mạnh trong phiên hôm qua (19/1) rồi. Vì vậy, lượng cung ra thị trường đã quá nhiều, trong khi số lượng nhà đầu tư mới lại thấy có cơ hội để mua vào thì cũng đã mua vào.

Theo tôi, thị trường nếu có điều chỉnh thì cũng điều chỉnh ít và sẽ sớm phục hồi trong thời gian sắp tới, đồng thời nhịp điều chỉnh này chỉ mang tính ngắn hạn mà thôi.

Xin cảm ơn ông!