Vấn đề này được đặt ra tại hội thảo "Thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế tại Việt Nam", diễn ra ngày 20/1 do Tổng lãnh sự quán Anh tại TP.HCM phối hợp cùng Hội đồng kinh doanh Vương quốc Anh-ASEAN (UKABC), Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và KPMG Việt Nam tổ chức.
Y tế số đang từng bước chuyển đổi ngành chăm sóc sức khỏe tại các nước thành viên ASEAN, bao gồm Việt Nam. Những thay đổi về nhân khẩu học, cùng với sự gia tăng thu nhập và tăng trưởng kinh tế đã góp phần gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
Công nghệ kỹ thuật số đã trở thành yếu tố thúc đẩy chính giúp bệnh nhân chủ động tham gia vào việc chăm sóc bản thân, hỗ trợ ngành y tế cải thiện kết quả lâm sàng và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Bà Emily Hamblin, Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM cho biết, hội thảo thể hiện mong muốn của Anh hy vọng được hợp tác với Việt Nam để hướng tới việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số, đưa ra những giải pháp hoàn thiện để cải thiện kết quả chăm sóc sức khỏe.
Nhận định về tình hình y tế hiện nay, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngành y tế thành phố đang xây dựng "Y tế thông minh" với mục tiêu đến năm 2025, 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử.
Chương trình "Y tế thông minh" sẽ triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng thêm tiện ích cho người dân, đồng thời hỗ trợ công tác quản trị bệnh viện và quản lý chuyên môn, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện.
Ngoài ra, các ứng dụng "Y tế thông minh" sẽ hỗ trợ công tác cải cách hành chính và quản lý ngành và duy trì độ bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, trong cả thời kỳ Covid-19 và trong bối cảnh bình thường mới.
TP.HCM đã bắt tay xây dựng kho dữ liệu big data cho ngành y tế, triển khai nhiều ứng dụng như "Tra cứu nơi khám, chữa bệnh", các kiốt "Khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh" tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn mà ngành y tế TP.HCM đang phải đối mặt là không có đủ nhân lực công nghệ thông tin (CNTT). Sở Y tế TP.HCM đã đề xuất Bộ Y tế cần phải xây dựng trung tâm công nghệ thông tin cho ngành y tế.
PGS Tăng Chí Thượng cho biết, khó khăn đầu tiên chính là hạ tầng công nghệ không tương thích với phạm vi và quy mô triển khai các ứng dụng. Nguyên nhân chính của khó khăn này là do thiếu tính chuyên nghiệp trong tư vấn cho các dự án phát triển hạ tầng CNTT của bệnh viện. Một nguyên nhân khách quan khác cũng phải kể đến là một số bệnh viện còn gặp khó khăn về kinh phí để đầu tư cho hạ tầng CNTT, nhất là hệ thống máy chủ của trung tâm dữ liệu.
Khó khăn thứ hai mang tính quyết định cho sự thành công khi muốn đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại các bệnh viện chính là nguồn nhân lực chuyên trách CNTT. Cho đến nay, chỉ có một số bệnh viện có hệ thống thông tin mạnh như Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện quận Thủ Đức, Nhi đồng 1.
Tuy nhiên, số bệnh viện như vậy chỉ là số ít và rất khó nhân rộng, do không tuyển dụng được các chuyên gia CNTT có kinh nghiệm. Hầu hết dự án ứng dụng CNTT tại bệnh viện là do các công ty phần mềm thực hiện, nhưng không phải tất cả chuyên gia CNTT của các công ty đều am hiểu những quy trình hoạt động chuyên môn đặc thù của ngành y tế.
Khó khăn thứ ba chính là sự không tương thích được dữ liệu giữa các bệnh viện và giữa các cơ sở y tế với nhau. Điều này ảnh hưởng không nhỏ, nếu không muốn nói là yếu tố quyết định, cho sự thành công khi ngành y tế của cả nước đang tăng tốc triển khai bệnh án điện tử và bắt đầu lộ trình xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho từng người dân.