Dự án xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hoà được khởi công từ tháng 12/2019, đã bốc xúc được gần 1.200 m3 trầm tích ô nhiễm dioxin vượt ngưỡng tiêu chuẩn cho phép, đưa vào khu vực xử lý ở công đoạn tiếp theo. Giải phóng và phục hồi toàn bộ diện tích bề mặt hồ Cổng 2 (hơn 5.300m2), đáp ứng tiêu chuẩn về ngưỡng dioxin Việt Nam, đảm bảo về an toàn lao động, con người, môi trường và các công trình xung quanh.
Trong những tuần tới, sau khi hoàn thành việc trồng lại cỏ và cây xanh, USAID và Quân chủng Phòng không – không quân sẽ bàn giao lại mặt bằng cho chính quyền thành phố Biên Hòa.
Kết quả này là dấu mốc đầu tiên đạt được thông qua cam kết đóng góp 300 triệu USD của chính phủ Hoa Kỳ cho dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa và các khu vực xung quanh với thời gian thực hiện là 10 năm.
Tiếp nối kết quả đã đạt được, Quân chủng Phòng không – không quân tiếp tục bàn giao mặt bằng các khu vực ô nhiễm dioxin, phía trong sân bay Biên Hoà, với tổng diện tích khoảng 7,2 ha cho Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ để tiến hành xử lý, phục hồi và xây dựng công trình của dự án trong 2 năm tới.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - khẳng định: "Đây là sự kiện đặc biệt".
Ông Vịnh cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của các đơn vị đã vượt mọi khó khăn trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 để hoàn thành nhiệm vụ, bàn giao hồ Cổng 2 cho địa phương.
Đồng thời, Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn đến ngài Đại sứ, chính phủ và nhân dân Mỹ vì đã có sự hợp tác hết sức hiệu quả, chứng tỏ hai nước đang ngày càng trở thành những đối tác tốt hơn và là người bạn tin cậy, cùng với nhau đi hết con đường khắc phục hậu quả chiến tranh.
Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, trên bản đồ, hồ Cổng 2 chỉ là một chấm rất nhỏ so với toàn bộ sân bay Biên Hoà, nhưng nhìn trên thực tế thì không hề nhỏ. Một vùng đất chết đã biến thành vùng đất vàng của địa phương.
"Sự kiện này khẳng định Chính phủ Việt Nam – Hoa Kỳ đã giữ đúng lời hứa với nhân dân, giữ đúng lời hứa với nhau. Và hai bên sẽ cùng với nhau đi tiếp con đường khắc phục hậu quả chiến tranh; cho đến khi nào ở Việt Nam không còn bom mìn, không còn chất độc dioxin" – Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.
Ngoài ra, tại buổi lễ cũng diễn ra việc khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam tại các tỉnh bị phun rải chất da cam. Dự án này sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ là 65 triệu USD và một phần vốn đối ứng ngân sách Nhà nước Việt Nam khoảng 75 tỷ đồng. Dự án thực hiện sẽ tác động tích cực đến ít nhất 100.000 người khuyết tật và gia đình của họ.
"Nhiều người là nạn nhân chiến tranh đã hỏi tôi: 65 triệu USD viện trợ của Hoa Kỳ để làm những gì? Tôi trả lời, trước hết đây là thể hiện trách nhiệm của Hoa Kỳ đối với nạn nhân của cuộc chiến Việt Nam.
Đồng thời, việc này để khẳng định, quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam mãi mãi là hòa bình, hợp tác và hữu nghị. Tôi rất mong từng đồng một trong 65 triệu USD này sẽ đến với nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, bom mìn cũng như những vấn nạn khác do chiến tranh để lại" - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ.
Buổi lễ cũng ký "Ý định thư" về hợp tác truyền thông khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hoá học sau chiến tranh ở Việt Nam.
Đại sứ Hòa Kỳ tại Việt Nam - ngài Daniel J.Kritenbrink - cho biết: Hợp tác giữa Việt Nam – Hoa Kỳ nhằm đem lại lợi ích cho người dân hai nước. Hoa Kỳ luôn cam kết cùng chung tay góp sức với Việt Nam để hỗ trợ người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.
"Thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi. Sự kiện ngày hôm nay góp phần củng cố thêm quan hệ giữa hai nước trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ - Việt Nam" - Đại sứ Daniel J.Kritenbrink khẳng định.
Khu vực hồ cổng 2 sân bay Biên Hòa đã được xử lý dioxin.
Có 4 tiêu chí được đưa ra trong việc lựa chọn công nghệ cho Dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa, đó là: Phải xử lý triệt để theo quy chuẩn và tiêu chuẩn Việt Nam; đảm bảo an toàn đối với sức khoẻ của con người và môi trường; phù hợp với năng lực quản lý và giám sát của Việt Nam; có giá thành và chi phí phù hợp.