Ngày 20/1, Công an tỉnh Bình Định cho biết, Công an TP.Quy Nhơn đã tạm giữ 3 đối tượng gồm: Nguyễn Quang Đạt (SN 1998), Lê Chí Nhật Tân (SN 1998), Nguyễn Công Thiệu (SN 1997), cùng ở tỉnh Quảng Trị có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Với thủ đoạn chiếm đoạt quyền sử dụng Facebook, nhóm đối tượng này đã lừa đảo hơn 300 bị hại ở nhiều tỉnh thành trong cả nước với tổng số tiền chiếm đoạt gần 1,5 tỷ đồng.
Theo hồ sơ vụ án, đầu tháng 12/2020, chị T. N. H (ở phường Nhơn Phú, TP.Quy Nhơn) bị kẻ gian hack Facebook nhưng không hề hay biết, đến khi nhiều người quen gọi điện thoại xác nhận chị có mượn tiền hay không chị mới biết Facebook của mình, đã bị người khác sử dụng.
Đối tượng biết chị H bị bệnh nặng nên nhắn tin cho tất cả bạn bè trên Facebook của chị, với cùng nội dung là cần mượn 7 triệu đồng, chuyển vào tài khoản của bác sĩ để điều trị.
Nhận được tin báo, Công an TP.Quy Nhơn đã xác lập chuyên án đấu tranh, lần tìm dấu vết các đối tượng.
Sau nhiều ngày tìm kiếm, kết hợp các biện pháp nghiệp vụ, Công an TP.Quy Nhơn xác định đối tượng gây án và tổ chức bắt Nguyễn Quang Đạt, Lê Chí Nhật Tân, Nguyễn Công Thiệu khi nhóm thanh niên này, đang thuê một tiệm Internet tại TP.Đà Nẵng để truy cập, lừa đảo. Thời điểm bị bắt, các đối tượng đang tiếp tục chiếm đoạt Facebook để lừa nhiều người khác.
Lãnh đạo Công an TP.Quy Nhơn cho biết, việc lừa đảo qua mạng đã xảy ra lâu nay, phức tạp nhưng các đối tượng có rất nhiều thủ đoạn, khiến cơ quan công an gặp nhiều khó khăn.
"Tuy nhiên, chúng tôi đã kiên quyết chỉ đạo anh em phá án. Sau nhiều tháng ròng rã lần tìm thông tin, áp dụng công nghệ, chúng tôi đã ập vào bắt quả tang. Nhóm đối tượng này di chuyển nhiều địa bàn, nhằm vào những người không rành công nghệ nhưng sử dụng Facebook để lừa đảo", lãnh đạo Công an TP.Quy Nhơn cho hay.
Theo Công an TP.Quy Nhơn, thủ đoạn các đối tượng sử dụng là tự tạo 1 đường link trên website về chương trình truyền hình mang tên ẩm thực việt Nam và giọng hát Việt nhí. Sau đó, nhóm đối tượng gửi đường link này cho các tài khoản Facebook. Đường link yêu cầu người dùng Facebook nhấp vào đường link, cho thông tin mật khẩu thì lập tức bị nhóm đối tượng này chiếm đoạt tài khoản.
Việc đầu tiên sau khi đã có mật khẩu là xem trang cá nhân, tin nhắn để hiểu hoàn cảnh, cuộc sống, cách nói chuyện của nạn nhân, sau đó các đối tượng đóng vai nạn nhân mượn tiền người thân có Facebook bị chiếm đoạt.
Sau khi chiếm được quyền quản trị các tài khoản Facebook, các đối tượng giả danh là các chủ tài khoản gửi tin nhắn messenger cho bạn bè của các tài khoản Facebook đó với nội dung mượn tiền.
Khi có tiền, nhóm thanh niên này lại yêu cầu, tiếp tục chuyển tiền từ vào các tài khoản game để đánh bạc trên mạng hoặc đổi tiền mặt chi tiêu, trả tiền thuê nhà nghỉ.