Theo thông tin từ UBND huyện Vân Hồ (Sơn La), huyện này đã in 11.000 tem truy xuất nguồn gốc đào rừng do dân trồng trên nương, vườn với 2 kích cỡ khác nhau.
Số tem này sẽ được phát miễn phí cho người dân những nơi có diện tích trồng đào rừng lớn ở Vân Hồ, giúp bà con tiêu thụ đào thuận lợi trong dịp Tết Nguyên đán này.
Hiện, UBND huyện Vân Hồ đã phát khoảng 8.000 mẫu tem cho các hộ dân trồng đào tại xã Lóng Luông, một trong những xã có diện tích đào rừng do người dân trồng trong diện tích vườn đồi của gia đình lớn nhất huyện.
Cũng theo UBND huyện Vân Hồ, ở các xã được phát tem xác nhận nguồn gốc đào, UBND xã sẽ thành lập tổ rà soát do Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng, trưởng công an, các trưởng thôn, trưởng bản sẽ làm tổ viên rà soát toàn bộ các hộ trồng đào để phát số lượng tem phù hợp.
Chỉ cây đào nào bán được trong dịp tết năm nay mới được cấp tem xác nhận. Khi Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần, thị trường đào đã bắt đầu giao dịch, việc phát tem truy xuất cho người dân là cần thiết.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, hoàn toàn không có việc "ngăn sông cấm chợ" việc tiêu thụ đào do người dân trồng trong vườn nhà, vườn đồi.
"Nhưng việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa là cần thiết. Chúng tôi cũng quán triệt tinh thần dù có dán tem truy xuất cũng không được không gây ách tắc, không gây thêm thủ tục hành chính cho người dân" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ NNPTNT đã có công văn yêu cầu các địa phương tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Theo đó, Bộ NNPTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chỉ đạo và các giải pháp tại Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản số 50/BNN-TCLN ngày 06/01/2021 của Bộ NNPTNT, tổng hợp báo cáo gửi Bộ NNPTNT trước ngày 31/01/2021.
Đối với việc khai thác cây đào do người dân trồng trên đất vườn nhà, đất đồi ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp, Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn nhấn mạnh, việc khai thác cây đào, cây mai và một số cây trồng ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên do tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tự bỏ vốn trồng do chủ rừng quyết định việc khai thác theo quy định của pháp luật.
Đề nghị UBND cấp tỉnh tăng cường chỉ đạo, quản lý tại cơ sở; tuyên truyền, vận động không để lợi dụng chặt, phá cây rừng; tùy theo điều kiện cụ thể địa phương.
Trong thời gian trước mắt có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp, nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính, ánh tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp pháp.