Đời tôi được biết hai ông Bình trong nghệ thuật: NSND Trần Bình - NSƯT Đặng Tất Bình. Hai ông đều oanh liệt, danh tiếng nổi như cồn, đều vươn lên đến chức sếp. Ông Trần Bình từng là Giám đốc Nhà hát Đương đại và ông Tất Bình là Giám đốc Hãng phim truyện VN I. Cả hai ông với tôi đều là chỗ thân tình, gắn bó từ thưở hàn vi, từ khi tôi mới từ chiến trường về…
Ngày Sài Gòn mới giải phóng, nghệ sĩ Đặng Tất Bình sớm có mặt ở Sài Gòn biểu diễn trong đội hình Đoàn kịch nói Công an Hà Nội. Khi ra Hà Nội, anh thì thầm với tôi: "Vào đấy tớ được xem bộ phim Người cô đơn của ba cậu. Tớ cứ cảm tưởng phim ấy ba cậu làm về cậu hay sao ấy". Nghe anh nói, tôi lặng người đi. Nhưng mà không có lẽ. Bởi ba tôi là nhạc sĩ chứ có phải là đạo diễn điện ảnh đâu. Với lại ba tôi đã gặp tôi bao giờ đâu, thậm chí liệu có biết đứa con là tôi trên cuộc đời này đâu mà làm phim nhỉ?...
Ấy vậy mà điều linh cảm của anh Tất Bình ngày ấy lại chuẩn. Giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy phục anh. 12 năm sau (năm 1987), trong lá thư đầu gửi từ Mỹ về cho tôi, ba tôi viết: "Năm 1970, khi ba soạn phim Người cô đơn, ba đã hoàn toàn nghĩ tới con, dựng lên một nhân vật bé bỏng. Nhân vật mang tên bé Tâm, một nhân vật suốt đời cô đơn rất tội nghiệp, một nhân vật mà vào đó, ba đã gửi hết nỗi niềm tâm sự của ba. Nhân vật đó, người cô đơn đó, đứa bé cô đơn đó, chính là con, chính là Hoài, chính là cái kỷ niệm quý đẹp nhất".
Tôi nhớ anh ở trong một ngôi nhà như biệt thự ở phố Triệu Việt Vương rất đẹp mà nhiều năm tháng tôi thường tá túc ở đó. Bố anh rất đẹp lão, mẹ anh hiền dịu, có nét gì đó cam chịu. Trước khi có anh, ông bà đều đã có những người con riêng. Điều đặc biệt là con chung hay con riêng thì tất cả đều làm nghệ thuật, người đánh đàn ở đoàn Ca múa trung ương, người diễn kịch ở đoàn Quân chủng phòng không không quân.
Thật ra hồi nhỏ anh không định đi theo nghệ thuật, nếu như không có người anh ruột là nghệ sĩ Nguyễn Ánh cùng người bạn là đạo diễn Nguyễn Thành không túm được anh khi đang trốn trong một xó nhà để bắt đi tập kịch chuẩn bị diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Anh mếu mếu máo theo ông anh đi tập rồi cùng những Yên Sơn, Minh Hoa… vào những vai Kim Đồng và những em bé thôn Nà Mạ.
Sau đó ít năm, Tất Bình theo hẳn sân khấu chuyên nghiệp vào học trường Nghệ thuật Sân khấu cùng Hồng Dương, Hoàng Mai, Bằng Thái, Lê Hùng, Minh Thủy, Anh Dũng,... và trở thành cánh chim đầu đàn, lớp trưởng của lớp. Đây là lứa học sinh kịch nói thứ hai của trường (sau lứa thứ nhất là các anh chị Doãn Hoàng Giang, Đoàn Dũng, Thế Anh,Trọng Khôi, Nguyệt Ánh, Văn Hiệp..).
Nếu lứa thứ nhất khi tốt nghiệp được chuyển về Đoàn kịch nói trung ương thì lớp các anh do chủ trương lúc bấy giờ là phát triển nghệ thuật ở các địa phương, trong khi vùng mỏ thiết tha xây dựng đoàn kịch nói nên ngoài một vài người được ở lại Hà Nội về đoàn kịch trung ương, còn tất cả về Quảng Ninh xây dựng đoàn kịch nói Vùng Mỏ.
Lúc này Tất Bình đã có vợ con - một nữ diễn viên Tuồng. Gia cảnh thế nên anh quyết không rời thủ đô, chấp nhận cuộc sống không hộ khẩu, không tem phiếu cùng bố mở một quán cà phê để mưu sinh ngay tại nhà. Thế rồi nhờ một mối duyên anh được về đoàn kịch Công an Hà Nội.
Ngày vẫn bán cà phê, chăm sóc con, đêm đi diễn với những vai chính của Đoàn kịch Công an, như vai Henri Thọ trong Bản danh sách điệp viên. Những đêm diễn ấy tôi thường đi theo anh, học nghề rồi khuya lại về nhà anh ngủ nhờ. Vợ anh lúc ấy thường ở trong đoàn ở Mai Dịch, một tay anh nuôi hai con. Gia cảnh nghèo khó, anh đặt tên con là Đặng Thiếu Ngân, nghĩa là cô gái nhà họ Đặng thiếu tiền. Thế nhưng ai ngờ rằng sau này con gái thứ hai lại xinh đẹp và nhiều tiền nhất nhà và lại cũng viết kịch bản phim tên tuổi không kém chị và bố - tác giả của bộ phim "Sống chung với mẹ chồng" từng dậy sóng truyền hình.
Thấm thoắt đã 38 năm trôi đi, Tất Bình đã làm dậy sóng truyền hình với những phim anh đạo diễn thời đó: Cuốn sổ ghi đời, Những người sống bên tôi... Từng làm giám đốc Hãng phim truyện 1, từng tổ chức thành công nhiều bộ phim hợp tác với nước ngoài, anh vẫn miệt mài làm phim khi đã nghỉ hưu hơn chục năm. Anh nói với tôi: "Mình sống như thế này là có lãi rồi".