Dân Việt

Chứng khoán "rung lắc", đất nền ven đô "nổi sóng" cận Tết

Minh Khôi 22/01/2021 18:30 GMT+7
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến khó lường, lãi suất tiết kiệm giảm sâu, vàng nhiều rủi ro thì đất nền ven đô đang được xem là kênh đầu tư an toàn, có khả năng sinh lời cao.

Chứng khoán "rung lắc"

Thống kê trong 5 ngày qua, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục có những "rung lắc" mạnh. Đầu tiên, trong ngày 19/1, phiên giao dịch chỉ số VN -Index giảm mạnh ngay trong phiên sáng và mất tới hơn 75 điểm, tới phiên chiều đà giảm đã có xu hướng thu hẹp nhưng mức giảm vẫn là rất lớn. 

Dòng tiền đầu tư suy yếu với 18/19 nhóm ngành giảm điểm. Toàn sàn chỉ có 44 mã tăng giá, trong khi có tới 437 mã giảm giá; trong đó có tới 98 mã giảm sàn. Ngay cả phiên giảm mạnh nhất do Covid-19 trong tháng 3/2020, chỉ số VN - Index cũng chỉ mất 55,95 điểm (-6,28% tại ngày 9/3/2020). 

Chứng khoán "rung lắc", đất nền ven đô "nổi sóng" cận Tết - Ảnh 2.

Thị trường chứng khoán thời gian qua tăng - giảm khó lường. (ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, ngày 21/1, với 2 phiên tăng liên tiếp VN-Index có thêm hơn 29 điểm. VN-Index đã chính thức xác nhận đảo chiều từ điều chỉnh sang xu hướng tăng điểm trở lại. Và với đà tăng mạnh mẽ như hiện nay, Công ty chứng khoán MB (MBS) cho rằng thị trường có thể hướng tới mục tiêu 1.200 trong những phiên sắp tới.

Nhìn lại bức tranh toàn cảnh, có thể thấy thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một năm 2020 đầy sóng gió với nhiều thăng trầm chưa từng thấy. Vào giai đoạn cuối tháng 2, đầu tháng 3, chỉ số VN-Index từ mốc 990 điểm đã giảm sâu về sát mốc 650 điểm do những tác động tiêu cực của Covid-19. Sau đó, trong các tháng cuối năm 2020, thị trường đã hồi phục ngoạn mục khi vượt qua mốc 1.000 điểm và đạt kỷ lục đầu năm 2021. 

Tuy nhiên, việc thị trường tăng "nóng" khiến nhiều chuyên gia cảnh báo về khả năng sẽ có đợt điều chỉnh mạnh khi VN-Index chạm mốc 1.200 điểm. Nhà đầu tư chứng khoán không am hiểu thị trường, chạy theo tâm lý đám đông, đầu cơ, lướt sóng nếu chọn sai cổ phiếu hoặc chọn sai thời điểm mua - bán thì sẽ có khả năng mất trắng khoản tiền lớn chỉ trong vài ngày.

Đất nền ven đô "nổi sóng" cận Tết

Nếu như thị trường lãi suất, chứng khoán, vàng, bitcoin,… được nhận định có nhiều rủi ro thì bất động sản đang được xem là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả và có khả năng sinh lời cao nhất vào thời điểm này.

Theo chia sẻ của giới đầu tư, đây là thời điểm "vàng" để gom tiền từ cổ phiếu, tiếp tục tìm cơ hội ở các kênh đầu tư khác an toàn hơn và dễ dàng gia tăng lợi nhuận. 

Từ diễn biến trên, dù vào thời gian cận Tết Nguyên đán nhưng nhu cầu đất nền ven đô vẫn tăng mạnh. Giá đất nền vùng ven đang tạo sóng đầu tư, khiến mặt bằng giá tại một số khu vực tăng cao hơn so với giá trị thực. 

Chứng khoán "rung lắc", đất nền ven đô "nổi sóng" cận Tết - Ảnh 4.

Đất nền huyện Đan Phượng đang được nhà đầu tư "săn đón" nhiều.

Theo ghi nhận của Dân Việt, đất nền tại các huyện đang được giới đầu tư lựa chọn nhiều nhất là Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, bởi 4 huyện này đang được quy hoạch lên quận vào năm 2025. Bên cạnh đó, một số khu vực khác cũng "nóng" không kém nhờ ăn theo hạ tầng là Thạch Thất, Hòa Lạc và Ứng Hòa. Đi ra xa hơn là khu vực Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) và Xuân Mai (Hòa Bình).

Đáng chú ý, ở một số khu vực, đất trong làng, xã không được đầu tư cơ sở hạ tầng tương xứng nhưng giá chào bán lên tới 20 - 30 triệu đồng/m2, trong khi giá đất trong nhiều dự án được đầu tư cơ sở hạ tầng hàng chục năm vẫn xoay quanh ngưỡng 30 - 40 triệu đồng/m2.

Chứng khoán "rung lắc", đất nền ven đô "nổi sóng" cận Tết - Ảnh 5.

Những lô đất nền thổ cư có vị trí gần trục đường Quốc lộ 32 đang có giá 45-60 triệu đồng.

Riêng tại Hoài Đức, đất tái định cư, giãn dân trong các trục đường cắt ngang, đường rộng khoảng 9 - 10m có giá bán dao động 80 - 120 triệu đồng/m2. Đất ở các ngõ xe ô tô vào được cũng có giá khoảng 50 triệu đồng/m2, ở các ngõ nhỏ giá 24 - 30 triệu đồng/m2. Đây là những mức giá đắt ngang với giá đất ở một số quận trong nội thành.

Anh Hữu Nguyên – một nhà đầu tư ở Hà Nội chia sẻ, tháng 10/2020 anh có mua một lô đất diện tích gần 100m2, với giá 31 triệu đồng/m2 tại thị trấn Phùng (Đan Phượng), nhưng hiện nay, miếng đất của anh đã được nhiều người trả 40 triệu đồng/m2 nhưng chưa bán. "Đất nền huyện Đan Phượng đang có nhiều yếu tố thuận lợi để tăng giá. Trong đó khi đó quỹ đất tại huyện ven trung tâm Thủ đô ngày càng hạn hẹp. Vì vậy, tôi luôn tự tin giá đất nền ở đây sẽ tăng cao hơn nữa", anh Nguyên chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Đính Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, trong khi lượng cung mới từ các dự án bất động sản lớn trở nên hiếm hoi, thì nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đang có xu hướng chuyển dịch sang tìm và khai phá những thị trường mới ở vùng nông thôn như Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thạch Thất...

Theo ghi nhận, từ vài tháng cuối năm 2020 đến nay, giá đất nền, đất thương mại dịch vụ, đất nông nghiệp tại các vùng nông thôn thuộc các huyện ngoại thành Hà Nội nói trên tăng chóng mặt với mức tăng rất nhiều lần. Trước các thông tin có dự án chuẩn bị triển khai, không ít nhà đầu tư chuyển sang mua đất nông nghiệp ở vùng ven Hà Nội.

Đồng quan điểm với ông Đính, chuyên gia kinh tế, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, trong năm 2020, đất nền là một trong những điểm sáng của thị trường. Đặc biệt là ở khu vực vùng ven các đô thị lớn, thời gian qua giá có xu hướng tăng, mức độ quan tâm vẫn rất lớn. Một trong những nguyên nhân là do xu thế dịch chuyển đầu tư từ khu vực trung tâm ra các vùng ven, vệ tinh.

Mặt khác, trong quá trình phát triển chung, khu vực các tỉnh lân cận cũng đã có sự liên kết và phát triển mạnh mẽ hơn, dân cư tập trung nhiều hơn và nhu cầu nhà ở tăng lên. Chính vì thế, tại các địa phương có những quy hoạch phát triển khu dân cư, khu đô thị mới, đất nền trở thành kênh thu hút đầu tư, có giao dịch tốt và tăng giá.