Chuối sáp-cây trồng tiềm năng
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, những năm qua, nông dân huyện An Phú (tỉnh An Giang) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, đất vườn tạp kém hiệu quả sang các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ việc chuyển đổi đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả, giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích đất. Điển hình có mô hình trồng chuối sáp của ông Trần Văn Mal (ngụ ở ấp Phước Khánh).
Là một trong những nông dân đi đầu trong việc phát triển mô hình trồng chuối sáp ở địa phương, ông Mal cho biết, sau nhiều năm “lăn lộn” với nhiều loại rau màu, như: bắp, ớt, sắn (lấy hạt)...nhưng thấy việc canh tác những loại cây trồng này gặp nhiều khó khăn, do thị trường tiêu thụ thiếu ổn định.
Bên cạnh đó, do thời tiết biến đổi thất thường khiến năng suất rau màu bị ảnh hưởng, tình trạng được mùa mất giá liên tục xảy ra khiến gia đình ông gặp nhiều khó khăn.
Từ những hạn chế trên, ông Mal bắt đầu suy nghĩ, tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế, tìm kiếm nguồi thu nhập ổn định hơn cho gia đình. Nhận thấy nông dân ở nhiều địa phương trong huyện phát triển mô hình trồng chuối sáp mang lại hiệu quả khả quan, ông Mal bắt đầu đến tìm hiểu, mua cây giống về trồng thử nghiệm.
Trên diện tích 8.000m2, ông Mal xuống giống chuối sáp với mật độ 1.600 cây/công. Do đây là mô hình mới nên ông Mal khá lo lắng trong việc phát triển mô hình trồng chuối. Tuy nhiên, sau vụ đầu tiên, ông Mal nhận thấy việc canh tác chuối không có nhiều khó khăn.
Ông Mal cho biết, cây chuối sáp ưa đất tơi xốp có mùn và phù sa, đất càng tốt trái càng lớn và đều. Đây loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh nên chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hầu như không đáng kể. Đặc biệt, do ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ông Mal cho biết thêm, để cây chuối sáp phát triển tốt thì 1 bụi chuối chỉ nên chừa 3 cây và khu vực quanh gốc chuối dọn cỏ sạch, tạo độ thoáng cho cây.
Ngoài ra, nhu cầu nước tưới của loại cây trồng này không nhiều, những tháng mùa nắng, cách 10 ngày ông Mal tưới nước 1 lần. Những tháng mùa mưa không cần phải tưới. Tuy nhiên, trên cây chuối sáp thường xuất hiện tình trạng rệp sáp bám vào trái gây ảnh hưởng đến chất lượng trái, giá bán sẽ giảm.
Để khắc phục tình trạng rệp sáp trên, ông Mal tiến hành phun thuốc phòng ngừa, điều trị từ lúc mới phát hiện bệnh, cách 10 ngày phun 1 lần cho đến khi không còn dấu hiệu của bệnh là ngưng.
Trái chuối sáp có đầu ra ổn định
Nhờ chịu khó tìm kiếm, nghiên cứu các kiến thức về trồng, chăm sóc cây chuối nên toàn bộ diện tích chuối của gia đình ông Mal phát triển khá tốt, cho thu hoạch khá cao.
Ông Mal cho biết, chuối sáp từ lúc trồng đến thu hoạch khoảng 11 tháng, trong 6-7 tháng đầu tiên sau khi trồng, cây bắt đầu “đẻ con” nên chỉ khoảng 5 tháng sau bắt đầu thu hoạch tiếp đợt thứ 2.
Bình quân mỗi buồng ông giữ lại 9 nải, trọng lượng mỗi buồng từ 11-12kg trong năm đầu, đến năm thứ 2 giảm xuống còn 10kg. Giá chuối hiện nay đang ổn định khoảng 9.000-10.000 đồng/kg. Mỗi năm, lợi nhuận từ cây chuối sáp mang lại cho gia đình ông khoảng15 triệu đồng.
“Thấy chuối sáp mang lại hiệu quả kinh tế khá ổn định, nên tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng thêm 1,2ha, nâng tổng diện tích canh tác khoảng 2ha”- ông Mal chia sẻ.
Ông Mal cho biết thêm, hiện nay chuối sáp được tiêu thụ khá mạnh thị trường trong nước, thương lái đến tận vườn để thu mua nên ông không phải lo về đầu ra sản phẩm chuối. Ngoài ra, bên cạnh bán trái, ông Mal còn tận dụng bán bắp chuối để nâng thêm nguồn thu nhập.
Hiệu quả từ mô hình trồng chuối sáp của ông Trần Văn Mal, ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng (huyện An Phú, tỉnh An Giang) khẳng định được giá trị kinh tế trong việc chọn và đưa cây giống mới về chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và tình hình thực tế.
Đồng thời thông qua những tín hiệu khả quan từ mô hình trồng chuối sáp mang lại đã mở ra hướng đi mới giúp bà con nông dân có sự lựa chọn nhằm chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp.