Bông súng, hẹ nước, bông điên điển trở thành đặc sản
Mùa lũ này đã là mùa lũ thứ 8, cô Lê Thị Cúc cùng mấy người thân tại xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An gắn bó với nghề hái bông súng trong mùa lũ. Khi nước lũ ngập đồng cũng là mùa thu hoạch bông súng tự nhiên.
Cô Cúc cho biết: “Mỗi dịp nước lũ đổ về, vùng Đồng Tháp Mười lại được thiên nhiên ưu ái cho những bông súng nước, súng ma. Trước đây, bông súng không mang lại giá trị kinh tế và nở trắng đồng. Đa số chỉ có người dân bản địa tự nhổ bông súng về ăn trong những bữa cơm hàng ngày...".
Theo cô Cúc, vài năm gần đây, người thành phố say mê cái vị ngọt tự nhiên của bông súng ma, súng đồng nên nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Đây cũng là cơ hội để nông dân có thêm thu nhập”.
Nếu trước đây, bông súng đồng có thể bắt gặp bất cứ trên cánh đồng nào thì nay cũng dần khan hiếm. Để có hàng giao cho thương lái, hàng ngày, cô Cúc cùng những người trong xóm phải dậy sáng sớm, chạy vỏ lãi trên quãng đường hơn 30km mới đến điểm thu hoạch bông súng trên những cánh đồng giáp biên giới tại xã Hưng Điền A, huyện Tân Hưng.
“Nói là thu hoạch chứ thực chất đây là những cánh đồng nước ngập sâu, ít người tới nên còn nhiều bông súng. Trong số các loại bông súng đồng, hiện chỉ có bông súng ma là được ưa chuộng nhất và có giá trị nhất bởi khi ăn có vị giòn, ngọt đậm, có thể chế biến thành nhiều món” - cô Cúc cho biết.
Theo cô Cúc, sau hơn 1 tiếng chạy vỏ lãi, thời gian thu hoạch bông súng lý tưởng nhất là trước khi mặt trời lên, bởi bông súng ma chỉ nở rộ vào thời điểm ban đêm lúc rạng sáng và khi mặt trời lên thì bông súng dần tàn và chìm sâu xuống nước.
Cũng bởi đặc điểm khác lạ này nên những người làm nghề hái bông súng ma phải dậy từ sớm và thu hoạch sao cho bông súng giữ được độ tươi ngon nhất. Năm nào nước lũ lớn, bông súng có thể dài từ 2-3m, có khi dài hơn theo độ sâu của nước lũ.
“Mỗi buổi, chúng tôi có thể nhổ được khoảng 60-80kg bông súng nước. Với giá thương lái thu mua từ 4-5 ngàn đồng/kg, một ngày mỗi người chúng tôi kiếm được vài trăm ngàn đồng” - cô Cúc cho hay.
Còn theo anh Nguyễn Thiện Tích, anh làm nghề hái bông súng được 11 năm nay. Mỗi ngày vào cuối giờ chiều, anh chạy ghe qua quãng đường khoảng 30km đến sông Long Khốt, xã Hưng Điền A (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) để nhổ bông súng.
“Thường tôi nhổ bông súng vào buổi tối, giữa đêm nghỉ ngơi và đến 1, 2 giờ sáng nhổ tiếp rồi chạy về kịp giao cho thương lái trước 8 giờ sáng. Một đêm như vậy, tôi nhổ được khoảng 150kg bông súng ma” - anh Tích cho biết.
Theo những người làm nghề hái bông súng trong mùa lũ, trung bình một mùa nước lũ, những người hái bông súng có thể làm được trong 3 tháng, có năm nước lũ về lớn thì thời gian làm lâu hơn.
“Ngày thường, bông súng vẫn có theo những dòng kênh, rạch nhưng chỉ có mùa lũ bông súng mới mang vị ngon nhất và cùng với hẹ nước, bông điên điển trở thành những sản vật đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười” - bà Nguyễn Thị Đen khẳng định.
"Lên đời" cho sản vật
Đều đặn 3 buổi sáng, trưa và chiều, ông Nguyễn Văn Sơn Hà, ngụ huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, lại có mặt tại bến đò cặp kênh 28, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng (tỉnh Long An) để thu mua bông súng ma của người dân.
Mỗi ngày 3 chuyến, chiếc xe máy được cải tiến của ông Hà có thể chở cả tấn bông súng ma về bỏ mối cho các chợ tại Đồng Tháp, An Giang và có khi là cả những mối lái để ngược lên TP.HCM.
Ông Hà thổ lộ: “Tôi làm nghề này cũng gần chục năm, thu mua các sản vật dân dã trong tự nhiên như bông điên điển, hẹ nước và bông súng. Ngày thường thì thu mua bông súng đỏ được người dân trồng nhưng mùa lũ, mặt hàng ưa chuộng nhất là bông súng ma...".
Theo ông Nguyễn Văn Sơn Hà, những năm gần đây, nhu cầu ăn uống của người dân đô thị cũng dần thay đổi khi tìm về những món ăn dân dã. Trong khi đó, bông điên điển, hẹ nước và bông súng dùng để nấu canh chua, làm gỏi hoặc ăn sống đã trở thành món ăn không thể thiếu trong bữa cơm nhiều gia đình...
Thậm chí bông súng, hẹ nước trở thành đặc sản tại nhiều nhà hàng sang trọng. Người ta mê cái vị ngọt, thanh đạm tự nhiên từ những món ăn dân dã...
Cũng như ông Hà, 3 giờ sáng hàng ngày, ông Đồng - thương lái thu mua cá chợ Tân Hưng, đã đậu sẵn 3 chiếc xe tải với một loạt máy chạy ôxy để chờ thu mua cá đồng.
Những tháng mùa lũ, việc thu mua cá đồng nhộn nhịp nhất trong năm. Theo ông Đồng, ngày thường nhiều cá đồng lắm cũng chỉ thu mua được 200-300kg, cũng có khi chỉ được vài chục ký. Nhưng mùa lũ, cá đồng về nhiều hơn, một ngày ông có thể thu mua được hơn 1 tấn cá đồng.
Mùa lũ, có khi ông Đồng thu mua trên 2 tấn cá đồng với đủ loại cá đồng từ lươn, rắn, cá lóc, cá trê vàng, cá lăng, cá linh đến các loại cá bình dân như cá chốt, cá mè vinh, cá rô đồng, cua đồng,... để cung cấp cho các bạn hàng khắp các tỉnh miền Đông Nam bộ.
“5 giờ sáng, mình bắt đầu thu mua cá đồng rồi, cứ thế kéo dài cho đến 10 giờ. Thường thì mình thu mua cá đồng của người dân rồi vận chuyển về miền Đông. Các mối của mình từ Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM đến các tỉnh lân cận khác....", ông Đồng cho biết.
Theo ông Đồng giá cá đồng có thể đắt hơn cá nuôi vài lần nhưng nguồn cung vẫn không đủ cầu bởi người ta xem cá đồng là đặc sản...
Khác với ông Đồng, bà Nguyễn Thị Ngọc - thương lái đến từ Đồng Tháp, lại trực tiếp vào tận các xã rốn lũ như Vĩnh Bửu, Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng (tỉnh Long An) để thu mua cá đồng.
“2 giờ chiều, xe tôi bắt đầu thu mua cá đồng. Nhiều nhất trong mùa lũ là cá lóc và cá rô đồng. Đây cũng là 2 loại cá được ưa chuộng nhất bởi độ thơm ngon. Tất cả số cá đồng thu mua được của người dân đều được sang lại cho các nhà hàng, quán ăn, các chợ huyện, thị xã và thành phố...", bà Ngọc cho hay.
Theo bà Ngọc, lượng cá đồng đánh bắt tự nhiên mỗi năm một ít trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên cá đồng đã "lên ngôi" thành đặc sản được ưa chuộng trong các bữa cơm hàng ngày...
Những món ăn dân dã từ sản vật mùa lũ mang lại như cá đồng, bông súng, hẹ nước, bông điên điển giờ đây không chỉ có trong bữa cơm của người dân vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Long An) mà đã được “lên đời” trở thành đặc sản được nhiều người ưa chuộng./.