Dân Việt

Robot sứa mặt trăng như “vận động viên bơi lội” siêu đỉnh

Huỳnh Dũng 24/01/2021 09:26 GMT+7
Các nhà nghiên cứu đã lấy cảm hứng từ loài sứa mặt trăng để phát triển một robot có khả năng bơi lội cực đỉnh.

Khi nói đến việc phát triển những con robot có thể di chuyển hiệu quả trong nước, các nhà khoa học thường xuyên tìm đến những sinh vật như mực và sứa để lấy cảm hứng, và một nhóm nghiên cứu ở Anh vừa sản xuất một con robot có thể bơi tốt nhất trong số chúng.

Robot sứa mặt trăng như "vận động viên bơi lội" siêu đỉnh

Robot này mềm và linh hoạt sử dụng một phương pháp đẩy mới để di chuyển giống như một con vật mệnh danh "vận động viên bơi lội" hiệu quả nhất được tìm thấy trong tự nhiên, và mang một loạt các thuộc tính mà người tạo ra nó để phù hợp hoạt động gần các môi trường dễ vỡ và nhạy cảm dưới nước.

Ảnh: @Đại học Southampton.

Robot “vận động viên bơi lội” siêu đỉnh. Ảnh: @Đại học Southampton.

Robot này được tạo ra bởi một nhóm kỹ sư đến từ Đại học Southampton và Đại học Edinburgh, lấy cảm hứng từ loài sứa Aurelia aurita, hay sứa mặt trăng. Robot bắt chước chuyển động của sinh vật biển này với sự trợ giúp của cái mà các kỹ sư gọi là "chuông đẩy".


Về kết cấu, robot sứa mặt trăng bao gồm một màng cao su bao bọc một bộ tám xương sườn linh hoạt được in 3D, với một pít-tông nhỏ được đặt ở phần thân trên của robot. Pít-tông này đấm vào chuông đẩy khiến nó nở ra và sau đó quay trở lại hình dạng ban đầu liên tục, tạo ra các tia chất lỏng đẩy robot bơi qua nước.

Ảnh: @Đại học Southampton.

Ảnh: @Đại học Southampton.

Điều này mô phỏng kỹ thuật bơi của sứa và khi chuông đẩy được đánh ở tần số thích hợp, robot có thể bơi với cự ly bằng chiều dài cơ thể mỗi giây, tương đương hiệu suất bơi lội của loài Aurelia aurita ngoài thực tế. Hiện tượng này được gọi là cộng hưởng và đề cập đến những rung động lớn do tác dụng của lực ở tần số thích hợp, giống như đẩy một đứa trẻ trên xích đu vậy.

Theo các nhà khoa học, kỹ thuật này cho phép robot bơi hiệu quả hơn 10 đến 50 lần so với các robot tương tự dưới nước được điều khiển bằng chân vịt.

Bởi vì robot có vẻ ngoài mềm mại và linh hoạt, các nhà khoa học tin rằng một ngày nào đó nó có thể tỏ ra hữu ích trong việc khám phá các môi trường mỏng manh, chẳng hạn như các rạn san hô, địa điểm khảo cổ hoặc các khu vực mà con người thường xuyên bơi lội. Giờ đây, nhóm nghiên cứu sẽ tập trung vào việc lắp ráp robot với các công nghệ cần thiết.

Tiến sĩ Gabriel Weymouth đến từ Đại học Southampton cho biết: "Vẫn còn nhiều thách thức và nhiều điều thú vị để khám phá với các công nghệ robot dưới nước".

Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí Science Robotics.