Các bệnh nhân lao được thăm hỏi, tư vấn, giám sát đều chấp hành tốt việc thực hiện uống thuốc đúng giờ, thực hiện tái khám và xét nghiệm đờm theo đúng quy định, góp phần nâng tỷ lệ bệnh nhân điều trị thành công đạt trên 95%.
3 hoạt động chính về phòng chống lao
Trao đổi về tình hình địa phương, bà Hoàng Thị Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND, Tổ trưởng Tổ Phòng chống lao tỉnh Quảng Bình cho biết: Quảng Bình là một trong những địa phương có tỷ lệ người dân mắc bệnh lao cao trong cả nước. Trong những năm qua, thực hiện chương trình chống lao quốc gia, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực hiện nhiều nhiệm vụ giải pháp để triển khai công tác phòng chống lao có hiệu quả, góp phần làm giảm các tiêu chí về bệnh lao.
Từ năm 2011 đến nay hàng năm trên địa bàn tỉnh phát hiện từ 810 - 965 bệnh nhân lao. Trong đó, lao phổi AFB (+) có từ 328 - 493 bệnh nhân, lao phổi AFB (-) có từ 312 - 482 bệnh nhân, lao ngoài phổi có từ 70 - 122 bệnh nhân. Tỷ lệ điều trị thành công đạt trên 95%.
Trong năm vừa qua, các thành viên mô hình "Nông dân phát hiện lao sớm" ở Quảng Bình đã tuyên truyền, tư vấn trực tiếp cho 2.144 lượt người dân trên địa bàn. Ngoài ra Hội ND các xã cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chỉ đạo lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội về phòng chống lao cho 12.300 lượt hội viên nông dân.
Bên cạnh những thuận lợi thì nhận thức của người dân Quảng Bình về bệnh lao vẫn còn nhiều hạn chế. Người dân vẫn còn kỳ thị, xa lánh người bệnh; người bệnh còn tự ti, giấu bệnh.
Thực hiện dự án Quỹ Toàn cầu về phòng chống lao của T.Ư Hội NDVN, Hội ND tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong công tác phòng chống lao. Trong đó, 3 hoạt động chính về phòng chống lao mà Hội ND tỉnh Quảng Bình triển khai hiệu quả là: Xây dựng duy trì các mô hình "Nông dân phát hiện lao sớm"; Hỗ trợ điều trị bệnh nhân lao, lao kháng thuốc và Chương trình M-Health hỗ trợ điều trị bệnh nhân lao.
Cụ thể, Hội đã duy trì tổ chức các hoạt động của 12 mô hình "Nông dân phát hiện lao sớm", trong đó 9 mô hình được dự án hỗ trợ, 3 mô hình tự duy trì hoạt động. 600 cán bộ, hội viên, nông dân tham gia mô hình "Nông dân phát hiện lao sớm" là những tuyên truyền viên tích cực tại địa phương.
Hỗ trợ phát triển sản xuất
Đối với chương trình M-Health - hỗ trợ bệnh nhân điều trị, Hội ND tỉnh xây dựng mô hình điểm tại 2 huyện Quảng Ninh và Bố Trạch với 256 bệnh nhân.
Được đánh giá là địa phương thực hiện sớm và có hiệu quả mô hình hỗ trợ điều trị bệnh lao, ngay từ những ngày đầu triển khai, Hội ND huyện Quảng Ninh đã thành lập Ban quản lý mô hình, xây dựng quy chế hoạt động cho chi hội cơ sở và hàng năm mở các lớp tập huấn cho các hội viên tham gia phòng chống lao. Trong năm qua, bệnh nhân lao toàn huyện trong thời gian điều trị đã nhận được 4.436 tin nhắn từ Chương trình M-Health.
Trong năm 2020, Mô hình "Nông dân phát hiện lao sớm" ở Quảng Bình đã tư vấn trực tiếp cho 2.144 lượt người; lồng ghép tuyên truyền cho 12.300 lượt hội viên
Ban quản lý mô hình đã phối hợp chặt chẽ với trung tâm y tế huyện nắm bắt thông tin về bệnh nhân lao cung cấp thông tin cho tuyến xã tổ chức thăm hỏi giám sát điều trị; phối hợp với 14 cơ sở tổ chức 88 đợt giám sát việc thực hiện hỗ trợ bệnh nhân lao điều trị, đạt 100% kế hoạch; đến thăm 126 lượt bệnh nhân điều trị. Là 1 trong những thành viên tích cực trong Ban quản lý mô hình Hội ND hỗ trợ bệnh nhân lao, lao kháng thuốc, ông Nguyễn Xuân Khoa - Phó ban Xây dựng Hội - Hội ND tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Trong quá trình thăm hỏi, tiếp cận bệnh nhân, nhiều bệnh nhân vẫn e ngại, giấu bệnh, không muốn tiếp xúc với người ngoài. Tuy nhiên, với tinh thần kiên trì, chân tình, gần gũi, cán bộ chi, tổ Hội, Hội ND cơ sở đã bằng nhiều biện pháp, tiếp cận, gặp gỡ, tư vấn cho các bệnh nhân. Đồng thời, cài đặt số điện thoại của bệnh nhân, xin số điện thoại của người nhà, để nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc đúng giờ, ngày khám, kiểm tra bệnh theo định kỳ.
Một điểm sáng nữa trong công tác phòng chống lao ở Quảng Bình là các cấp Hội ND tích cực quan tâm, hỗ trợ cho các gia đình bệnh nhân lao tập huấn khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ về cây, con giống, cho vay vốn phát triển sản xuất. Riêng trong năm qua, các cấp Hội đã tạo điều kiện cho 310 lượt hội viên là thành viên gia đình bệnh nhân lao được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, 67 hội viên học nghề. Hội tạo điều kiện cho 180 hộ bệnh nhân vay vốn với số tiền gần 3 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp để phát triển kinh tế.