Xuất phát từ mục đích giúp đỡ nhau có vốn làm ăn, cùng phát triển kinh tế, nhiều người dân địa phương đã gửi hụi nơi ông Thành. Lúc đầu số tiền chưa nhiều, nhà nào cũng chỉ góp từ vài triệu đến vài chục triệu. Nhưng khoảng một năm trở lại đây, số tiền góp tăng lên, có gia đình đã góp tới hàng trăm triệu đồng/hộ. Những người chơi hụi chủ yếu là hàng xóm, láng giềng của nhau, công nhân và người dân lao động.
Phóng viên đã tìm hiểu tại địa phương, trước khi tuyên bố "vỡ hụi", ông Lương Quý Thành (SN 1953, ở thôn 3, xã Kiền Bái) được đánh giá là người sống hiền hòa, có uy tín, sòng phẳng, gia đình cơ bản nên gần như lấy được lòng tin tuyệt đối của người chơi hụi tại địa phương.
Bà Hoàng Thị L., (SN 1952, thôn 2, xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên) cho biết, bà tham gia chơi họ góp bằng tiền mặt, mỗi suất chơi đóng 1 triệu đồng/chân họ/ tháng (một người có thể chơi nhiều chân). Ông Thành là người trực tiếp thu tiền và được hưởng "áp cái" 2 triệu đồng/người/năm.
Do trong quá trình chơi hụi, ông Thành tỏ ra là người sòng phẳng nên nhiều người tin tưởng, mang hết vốn liếng trong nhà, thậm chí có những người huy động tiền của cả người thân, họ hàng, bạn bè để "góp họ", bà L cho biết.
Sự việc vỡ lở khi một tháng trở lại đây, cả 2 vợ chồng ông Thành đột nhiên biến mất khỏi địa phương. Nhiều người dân trong xã sau đó mới hay tin, tá hỏa tìm đến nhà ông Thành để đòi nợ.
Buồn lòng nghĩ về số tiền bố mình đã góp vào chơi họ giờ nguy cơ mất trắng, anh B.Q.Tr., (thôn 3, xã Kiền Bái) cho biết: "Cứ vài ngày, tôi lại chầu trực ở khu vực nhà ông Thành để nghe ngóng tin tức về họ. Bố tôi gần 70 tuổi, cầm hơn 40 triệu từ con gái nhờ giữ hộ, tin tưởng ông Thành đem vào góp lấy lãi. Ai ngờ, đến kỳ rút họ chờ mãi không thấy đưa nên tìm gặp chủ hụi thì nhận được tuyên bố "vỡ hụi" và ghi xác nhận nợ. Tưởng ông Thành sẽ thu xếp trả dần, ai ngờ ít ngày sau nghe tin cả 2 vợ chồng họ đã rời khỏi địa phương. Vì chuyện này mà bố tôi rất khổ tâm, dằn vặt bởi số tiền này là của em gái tôi làm công nhân vất vả gom góp được, giao cho ông quản lý"- anh Tr. bức xúc.
Vì tin tưởng ông Thành, có người còn góp cả số tiền hàng trăm triệu đồng. Ông L.Q.M (SN 1986, thôn 3) cho biết, gia đình ông gửi tất cả trên 250 triệu nơi ông Thành, không biết bây giờ thế nào nữa. "Tết đến nơi rồi mà gia đình tôi như có đám, chả thiết tha gì. Cũng vì chuyện này mà vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, cãi cọ, bao nhiêu kế hoạch xây sửa nhà cửa… cũng hỏng hết"- ông M thở dài não nuột.
Ngoài ra, còn rất nhiều hộ gia đình rơi vào tình cảnh "khóc dở, mếu dở" khi số tiền góp họ lên đến hàng trăm triệu đang có nguy cơ mất trắng.
Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Hữu Hòa – Chủ tịch UBND xã Kiền Bái cho biết, địa phương đã nắm bắt được sự việc này cách đây gần 1 tháng. Người dân sau khi đòi tiền ông Thành không được mới báo cáo lên chính quyền từ ngày 19/1. Theo ông Hòa, đến thời điểm này, địa phương tổng hợp được số tiền mà người dân khai báo là 1,4 tỷ đồng, trong đó người góp họ nhiều nhất là trên 200 triệu.
Cũng theo ông Hòa, giao dịch giữa ông Thành với các hộ dân là giao dịch dân sự, chủ yếu bằng miệng, nên chứng cứ yếu, việc cung cấp tài liệu liên quan chỉ là những mẩu giấy viết tay, không có văn bản gì làm cơ sở để cơ quan chức năng tiến hành công tác điều tra. Trước mắt, địa phương tập trung vào tuyên truyền, vận động bà con tự giải tán, tránh tụ tập đông người, tránh kích động gây mất trật tự an ninh trên địa bàn. Hướng dẫn bà con kiến nghị lên cơ quan chức năng, thụ lý giải quyết theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.