Sau khi ban hành Luật hải cảnh vào ngày 22/1, Hải cảnh Trung quốc được trang bị như thế nào?
Pháo bắn nhanh PJ-26 trên tàu hải cảnh Trung Quốc vốn được phát triển từ hải pháo AK-176 của Liên Xô, từng được sử dụng rộng rãi trên các tàu hộ vệ Type-054A và Type-056 của hải quân Trung Quốc. Pháo này có tầm bắn hiệu quả tới 15,7 km đối với các loại tàu nổi, tốc độ bắn 30-120 phát/phút. Pháo PJ-26 sử dụng đạn nổ mảnh để chống tàu hoặc đạn nổ trên không để chống máy bay, tên lửa.
Tàu Hải cảnh 2901 và 3901 có thể đạt tốc độ tối đa hơn 45 km/h. Các tàu này được trang bị sàn đáp trực thăng ở phía đuôi, có thể chứa trực thăng hạng trung và máy bay không người lái (UAV).
Hải cảnh Trung Quốc đang vận hành ít nhất 6 tàu tuần tra lớp Type 818 với lượng giãn nước khoảng 3.000 tấn và dài 134 m, được đóng dựa theo thiết kế hộ vệ hạm Type 054A.
Tàu hải cảnh Type 818 cũng được lắp pháo PJ-26 76 mm và hai tổ hợp phòng thủ tầm cực gần Type 630 30 mm trên nóc khoang chứa trực thăng, song không có vũ khí chống ngầm và chống hạm.
Thiết kế các lớp tàu chiến khác của Trung Quốc cũng được sử dụng để đóng tàu tuần tra cho hải cảnh. Nhà máy đóng tàu Huangpu ở Quảng Châu đóng các tàu tuần tra mới dựa trên thiết kế của hộ vệ hạm cỡ nhỏ lớp Type 065, với lượng giãn nước 1.500 tấn.
Ngoài các loại pháo hạng nặng không thua kém tàu chiến, hải cảnh Trung Quốc cũng đang tăng cường năng lực hàng không. Lực lượng này hồi tháng 4/2016 trang bị hai máy bay tuần tra MA60H đầu tiên do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Tây An sản xuất, với hệ thống giám sát quang điện và radar giám sát, cùng các thùng nhiên liệu phụ ở hai bên thân và dưới hai cánh để nâng tầm bay.
Tuy nhiên, động thái trao quyền nổ súng cho hải cảnh của Trung Quốc có thể làm gia tăng đáng kể căng thẳng và nguy cơ nổ ra sự cố khó lường trên các vùng biển tranh chấp.
Việc Bắc Kinh công bố đạo luật mới ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức cũng được coi là một thông điệp cứng rắn nhằm "phủ đầu" chính quyền mới của Mỹ, theo cây bút Tsukasa Hadano của Nikkei.