Dân Việt

Cao Bằng: Vùng đất đầu làng đặt con chó đá, hễ nông nhàn dân lại lầm lũi lên rừng sống cùng với...đá

Hàn Thanh Duy 27/01/2021 13:00 GMT+7
Biết theo nghề đục đá, đẽo đá là vất vả nhưng như cái nghiệp đã gắn liền với bản thân, anh Nông Văn Bách, xóm Dìa Trên, xã Quốc Dân (huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) lúc nông nhàn vẫn lầm lũi vác công cụ lên rừng sống cùng với đá.
Dân gian ta có câu “rừng vàng, biển bạc”, chính mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho con người nhiều báu vật vô giá, trong đó có vật tưởng chừng như tầm thường, đó là “đá”.
    Cao Bằng: Vùng đất đầu làng đặt con chó đá, hễ nông nhàn dân lại lầm lũi lên rừng sống cùng với...đá - Ảnh 1.

    Anh Nông Văn Bách, xóm Dìa Trên, xã Quốc Dân (huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) say sưa với nghề đẽo đá.

    Với người vùng cao, đá xuất hiện thường xuyên trong đời sống sinh hoạt, đá trở thành nông cụ sản xuất, đá dùng xây nhà, trở thành tường rào bảo vệ mùa màng, đá lát đường giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. 

    Đồng bào xứ núi ai cũng tấm tắc khen những chiếc bánh dày ngon được làm từ bột gạo xay bằng cối đá trắng. Nhà sàn của đồng bào kiên cố bao nhiêu cũng nhờ những chiếc cột đá dày công gia cố. Còn đầu làng thường đặt con chó đá như một linh vật với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà.

    Có thể nói, đá hiện hữu trong đời sống thường nhật của người dân vùng cao, đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động. Tuy nhiên trong vô vàn thứ nghề thì nghề đẽo đá lại là nghề nhiều cơ cực nhất. Người thợ luôn trầm mình trong bụi, lao lực trong công việc với độ rủi ro, chấn thương cao, tiềm ẩn nhiều bệnh tật…

    Biết theo nghề đục đá, đẽo đá là vất vả nhưng như cái nghiệp đã gắn liền với bản thân, anh Nông Văn Bách, xóm Dìa Trên, xã Quốc Dân (huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) lúc nông nhàn vẫn lầm lũi vác công cụ lên rừng sống cùng với đá.

    Khác với nhiều nghề khác, thợ đá như anh Bách luôn mang theo bên mình lỉnh kỉnh đồ vật nặng, từ đục, búa, xà beng, đồ chạm khắc…

    Xuề xòa trong bộ quần áo Nùng mộc mạc, người thợ đá luôn tỉ mẩn làm việc, chăm chú trong từng động tác, từng bước biến từng phiến đá vô tri trở thành những vật hữu ích.


    Anh Bách cho biết: Khai thác đá ở vùng cao là công việc của mọi người, tại những nơi đi lại khó khăn, thiếu thốn phương tiện vận chuyển, bao quanh là núi đá sừng sững, người dân trồng ngô trong hốc đá, đá mọc lên giữa nương, giữa rẫy, chính vì vậy, mỗi khi có việc cần đến đá, người dân lại hò nhau bóc tách từng phiến đá trên núi vận chuyển về bản.

    Nghề đục đá, đẽo đá tại xã Quốc Dân có từ thuở sơ khai, gia đình anh Bách cũng theo nghề suốt hàng thế kỷ. 

    Nối nghiệp cha từ năm 18 tuổi, đến giờ, nghề thợ đá giúp anh tạo dựng cơ nghiệp, tạo ra hàng nghìn nông cụ hỗ trợ bà con trong xóm, ngoài bản. 

    Ngồi tâm sự cùng anh trong căn nhà sàn gỗ mà tôi đánh giá là kỳ lạ nhất xóm, bởi đây là ngôi nhà gỗ chứa đến 3/4 là đá, từ các dụng cụ chạm khắc đến các sản phẩm thô, tất cả bao phủ quanh vườn khiến ngôi nhà sàn nổi bật bởi một màu trắng xám.

    Nhâm nhi ngụm trà búp thì có tiếng gọi mua cối, anh Bách liến thoắng trao đổi, chốt ba trăm nghìn đồng cho bộ cối “nhỡ”. 

    Người bán chỉ tay về phía chiếc cối, người mua chỉ việc mang về, giao dịch diễn ra chóng vánh. Anh cho biết thêm: Lãi từ nghề đục, đẽo đá không cao, chỉ đủ ăn, đủ mặc, lãi lớn nhất là được nhiều người quý, bởi việc nặng, ít người làm nên phần lớn người dân lân cận muốn có công cụ đá đều tìm đến. Có đủ tiền thì mua, không đủ thì nhờ vả, mình không bận thì làm giúp.

    Cũng theo anh Bách, cái khó của nghề thợ đá không phải là sự vất vả mà là sự kiên nhẫn, tỉ mẩn trong từng động tác. 

    Phiến đá vô tri tưởng chừng như cứng cáp kia có thể giòn tan trong những nhát búa, nhát đục sai, lỗi. Và khi đó người thợ đá không có cơ hội để sửa chữa sai lầm. Chính vì yêu cầu cao của công việc nên người thợ đá luôn phải tập trung cao độ, hoàn toàn nhập tâm với công việc.

    Với người Nùng Quảng Hòa, đá không xa xôi trong núi mà đá sống cộng cư với người dân quanh xóm. Vì vậy những ngày mùa vụ xong xuôi, rảnh rỗi thì nông dân nơi đây sẽ cùng nhau làm đá hoặc gọi thợ đá về đào đá và chế tác nông cụ bán kiếm thêm thu nhập. Mỗi hòn đá được nhấc lên khỏi mặt đất, nông dân có thêm diện tích đất để canh tác, trồng hoa màu.

    Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm tiện ích hỗ trợ con người nhưng không thể thay thế chất liệu đá trong đồ dùng mang đậm nét truyền thống văn hóa của mỗi gia đình vùng cao. Những người thợ đá ở xã Quốc Dân, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) như anh Nông Văn Bách vẫn cần cù đục đẽo để cho ra đời mỗi năm hàng trăm, hàng nghìn đồ đá cho người dân khắp vùng, vừa có việc làm trong lúc nông nhàn vừa góp phần gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc.