Kiệu là món ăn truyền thống được ưa chuộng trong những ngày Tết cổ truyền. Bởi vậy, giá kiệu cũng tăng lên, người trồng kiệu Tết phấn khởi, vui mừng.
Chị Nguyễn Thị Thuần, trú tại thôn Đồng trụ Đông, xã Kỳ Đồng, Kỳ Anh (có kinh nghiệm trồng kiệu 16 năm) cho hay: "Gia đình tôi trồng 7 sào kiệu, xuống giống từ tháng 7 âm lịch, chi phí đầu tư 2,5 triệu đồng/sào.
Cứ đến dịp cuối năm là chúng tôi thu thu hoạch kiệu, năng suất kiệu đạt 200 - 250kg/sào, giá thương lái thu mua dao động từ 15.000-17.000 đồng/kg. Năm nay giá cả cao hơn những năm trước".
Theo người dân trồng kiệu, thông thường vụ kiệu tết sẽ bắt đầu xuống giống từ tháng 7 âm lịch. Sau 5 tháng kiệu sẽ cho thu hoạch. So với những năm trước thì năm nay thời tiết có phần bất lợi, tình hình khô hạn kéo dài nhiều tháng đã ảnh hưởng đến sự phát triển của cây kiệu. Tuy nhiên, được chăm sóc, tưới nước thường xuyên nên năm nay kiệu được mùa hơn những năm trước.
"Kiệu là cây ưa ẩm, thích hợp với đất cát pha nhiều mùn. Để giảm bớt chi phí thì tôi tự ương giống kiệu vào tháng 10 và tháng 1 âm lịch hằng năm. Sau khi xuống giống, 2 tháng đầu tiên phải bón đạm, sang tháng thứ 3 thì đổ cả đạm, kali, mun trấu. Gia đình tôi chăn nuôi nên sử dụng phân gà, phân chuồng nên cây phát triển nhanh mang lại hiệu quả cao" - Bà Nguyễn Thị Báu, xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh, bật mí.
Để có được một mùa kiệu bội thu, ngoài điều kiện đất đai người trồng phải chú trọng 2 yếu tố cơ bản, đó là nguồn giống và cách chăm sóc. Giống phải chọn củ chắc, đều đặn, không to, không nhỏ. Khâu đầu tư chăm sóc cho cây phải đặc biệt chú ý.
Chị Trần Thị Quyên (xóm Đồng Trụ Đông, huyện Kỳ Anh) chia sẻ: "Tôi đã trồng kiệu được 27 năm, để kiệu phát triển tốt thì tôi mua giống từ Đức Thọ, Thạch Hà. Trung bình mỗi vụ trừ hết chi phí tôi thu lãi từ 50 – 60 triệu đồng. Trồng kiệu cũng qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự chịu khó và tỉ mẩn của người nông dân.
Sau khi mua giống về, phải đập đất, cắt ngọn, phơi giàn rồi mới chuẩn bị đất để xuống giống. Thời tiết thất thường, kiệu sẽ dễ bị sâu bệnh vì vậy chúng tôi phải thường kiểm tra thường xuyên."
Trao đổi với PV Báo điện tử DANVIET.VN, Ông Nguyễn Chiến Thuật – Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Đồng, cho biết: "Với hơn 9,3 ha đất được bà con địa phương sử dụng để trồng kiệu, nghề trồng kiệu trở thành nghề đem lại thu nhập chính cho người dân địa phương vào dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, còn tạo điều kiện cho hàng trăm lao động nữ lúc nông nhàn có thêm thu nhập khi năm hết tết đến.
"Các chuyên viên từ huyện luôn quan tâm, mở các lớp tập huấn cùng nhau học tập trao đổi kinh nghiệm. Đồng bộ trong chăm sóc, sản xuất, ổn định về đầu ra sản phẩm, yên tâm sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng và hướng tới tạo thương hiệu riêng cho sản phẩm kiệu Đồng Trụ Đông.Những năm gần đây, nhiều hộ dân trồng kiệu đã chuyển sang thử nghiệm mô hình trồng gừng với mức thu nhập khá cao"- ông Thuật cho biết thêm.