Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm của bệnh nhân 1552 dương tính với SARS-CoV-2, đêm 27/1, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã triệu tập và chỉ đạo Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống Covid-19 gấp rút truy vết, khoanh vùng dịch do nhận định tình hình dịch sẽ diễn biến nghiêm trọng.
Đơn vị này trực thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19, được thành lập và hoạt động liên tục từ đầu năm 2020. Nhiệm vụ chính của tổ là thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin dịch tễ, qua đó bổ sung vào danh sách F1, F2, đưa ra góc nhìn toàn cảnh về sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Tổ trưởng Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống Covid-19 (trong ảnh), cho biết tổ có khoảng 200 thành viên với nhiều học sinh chuyên ngành dịch tễ học, y khoa cùng các nhà nghiên cứu, giáo sư, tiến sĩ.
Theo ông Nguyễn Công Khanh, Khoa Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, quy trình truy vết của tổ bắt đầu từ nguồn tin về F1, F2 cũng như người dân khai báo. Sau khi có kết quả dương tính từ trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) địa phương và các phòng thí nghiệm, tổ sẽ có nhóm tổng hợp và phân tích lại thông tin, bổ sung qua gọi điện phỏng vấn bệnh nhân và đưa ra chi tiết các mốc dịch tễ quan trọng. Từ đây, tổ phối hợp với các địa phương để bổ sung vào danh sách F1, F2.
Phó tổ trưởng Nguyễn Thế Trung chia sẻ việc người dân khai báo y tế sẽ giúp công việc của tổ nhanh hơn rất nhiều, đặc biệt trong thời điểm giáp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, ở đợt bùng phát dịch tại Hải Dương, số lượng bệnh nhân không hợp tác khá nhiều gây khó khăn cho đội ngũ truy vết.
Lê Công Thành, phụ trách đội IT, ví các thông tin ban đầu như những mảnh ghép nhỏ. Nhiệm vụ của tổ là thu thập, bổ sung, phân tích và tổng hợp lại nhằm tạo ra một bức tranh toàn cảnh về tình hình dịch.
Tổ có một nhóm chuyên thu thập và phân tích các thông tin ban đầu, qua đó đưa ra những trường hợp cụ thể và điểm cần chú ý.
Một nhóm khác với chuyên môn về dịch tễ có nhiệm vụ điều tra thông tin, gọi điện phỏng vấn tất cả trường hợp liên quan ca bệnh để bổ sung các "mảnh ghép".
Cao Văn Quyết (bên phải), sinh viên Đại học Y Hà Nội, thuộc nhóm điều tra thông tin dịch tễ, chia sẻ: "Hiện khối lượng công việc khá nhiều do số lượng người mắc Covid-19 rất đông nhưng vẫn trong khả năng của chúng tôi. Vấn đề lớn gây khó khăn cho chúng tôi là sự hợp tác của người dân khi được phỏng vấn".
Nhóm chuyên gia cấp cao của tổ sẽ nhận thông tin đã được các bộ phận khác xử lý sau đó đưa ra kết luận và chỉ đạo dựa trên chuyên môn về dịch tễ học. Các kết luận này sẽ được gửi đến Bộ Y tế, địa phương, qua đó đề xuất phương án như giãn cách, phong tỏa..., tại một khu vực cụ thể.