Clip: Trồng táo và nhờ có bí quyết trị ruồi vàng đục trái, ông nông dân Nguyễn Duy Dự (51 tuổi) ở thôn Hộn, ở xã Thụy Thanh, huyện Thái Thụy (Thái Bình) vụ nào cũng thắng lớn nhờ bán táo giá cao.
Tuyệt chiêu trị ruồi vàng bằng...mắm tôm
Ông Dự chia sẻ, thấy cây táo là cây ăn quả tương đối dễ trồng, ít sâu bệnh, hiệu quả kinh tế cao nên ông đã trồng khoảng hơn 600 gốc táo các loại để phát triển kinh tế.
Ban đầu vườn táo phát triển rất tốt nhưng đến khi sắp cho thu hoạch trái thì lại bị ruồi vàng tấn công.
Thấy ruồi vàng phá hoại quá khủng khiếp, ông Dự đã đi tìm hiểu nhiều cách khác nhau để trừ khử, xua đuổi loại côn trùng này và mang về áp dụng.
Dù đã làm đủ các cách và diệt được rất nhiều ruồi vàng nhưng vườn táo của gia đình ông vẫn bị tấn công, gây thiệt hại lớn, các cách này không hiệu quả tuyệt đối.
"Ban đầu, tôi dùng bả keo diệt ruồi vàng, bẫy ruồi vàng bằng thuốc sinh học, hồng phiến...Nhưng những cách này chỉ giảm bớt lượng ruồi vàng, chứ không giải quyết triệt để được vấn đề. Những năm đầu, vườn táo thiệt hại mỗi năm lên đến trên 40%, hiệu quả kinh tế kém" - ông Dự nhớ lại.
Sau khi tìm hiểu về đặc tính của loài ruồi vàng, ông Dự nhận ra con ruồi vàng này rất sợ mùi mắm tôm. Sau khi dùng một ít mắm tôm pha với nước phun lên vườn táo, ông Dự thấy kết quả rất bất ngờ. Tuyệt nhiên không thấy con ruồi vàng nào dám tới vườn táo nữa.
Để đạt hiệu quả tối đa khi sử dụng mắm tôm, ông Dự dựa vào đặc tính sinh trưởng và thời gian ruồi vàng đẻ trứng để phun nước pha mắm tôm xua đuổi ruồi vàng.
Nhờ vào cách làm này mà khoảng 3 năm trở lại đây, vụ táo nào gia đình ông Dự cũng thắng lớn. Năng suất táo năm nào cũng cao, tỷ lệ trái táo bị ruồi vàng châm luôn dưới 10%.
Chia sẻ với báo điện tử Dân Việt, ông Dự vui vẻ tiết lộ, thông thường con vật gì nó cũng sợ một số mùi gì đó và con ruồi vàng cũng vậy. Sau khi tôi thử thì thấy loài ruồi vàng đục trái rất sợ mùi mắm tôm.
"Sau đó, tôi sử dụng mắm tôm xua đuổi ruồi vàng. Cách xua đuổi ruồi vàng bằng mắm tôm thấy cực kì hiệu quả, an toàn, không độc hại...", ông Dự phân tích.
"Theo quan sát nhiều năm của tôi, từ 10-16 (âm lịch) hàng tháng là khoảng thời gian ruồi vàng đẻ trứng nhiều nhất. Nắm được đặc tính này mà cứ vào thời gian này của các tháng mà ta tiến hành phun nước pha mắm tôm để xua đuổi ruồi.
Cách sử dụng mắm tôm đuổi ruồi vàng: Pha theo tỷ lệ 20 lít nước với 1 thìa cà phê mắm tôm, hòa đều lên rồi phun cho khắp các vườn táo.
Đảm bảo cách làm này hiệu quả cao, tiết kiệm, an toàn...Kể từ đó, ông Dự không còn phải đau đầu tìm cách diệt ruồi vàng...
Bỏ túi hàng trăm triệu đồng nhờ 600 gốc táo.
Ông Dự cho hay, hiện ông đang trồng 600 cây táo, gồm 4 loại khác nhau và tất cả số táo này đã bước sang năm thứ 6. Trung bình, mỗi cây táo cho sản lượng từ 70-100kg/vụ, giá bán táo tại vườn dao động từ 18.000- 20.000 đồng/kg.
"Dự định vụ táo năm nay tôi sẽ thu về khoảng trên 40 tấn táo các loại để phục vụ khách hàng. Sau khi trừ hết chi phí tôi lãi trên 300 triệu đồng" -ông Dự tiết lộ.
Theo ông Dự, táo sẽ thu hoạch vào 3 đợt, mỗi đợt cách nhau khoảng 2 tuần. Hai đợt đầu sẽ thu hoạch vào thời điểm giữa tháng 12 Âm lịch và cận Tết. Còn đợt thứ 3 sẽ thu vào tháng 1 Âm lịch, mỗi lần thu hái trung bình từ 150 - 300kg/ngày.
Do có cách trị ruồi vàng đặc biệt, không sử dụng bất kì loại thuốc trừ sâu nào trong thời kì thu hoạch nên thương lái rất thích mua táo nhà ông Dự. Táo cứ hái trên cây xuống là đã có thương lái đợi mua hết tới đó, thậm chí nhiều người dân ở xa cũng đến tận vườn mua về ăn.
Cầm trên tay những quả táo đầu mùa căng ngọt, ông Dự công nhận tiềm năng kinh tế của loại cây này mang lại.
Dù các loại cây ăn quả khác giá cả nhảy múa, lên xuống thất thường thì bao năm nay, giá bán táo vẫn ổn định, giúp gia đình ông có nguồn thu nhập cao.
Ông Dự nhấn mạnh thêm: "Trồng táo ngoài trị đám ruồi vàng thì bà con cần chú ý đến bệnh nấm trên cây táo, cây táo rất hay bị loại bệnh này, khi phát hiện thì rất khó chữa. Vì vậy, chỉ phòng ngừa trước là hiệu quả nhất.
"Đối với loại bệnh nấm trên cây táo, sau mỗi lần vụ thu hoạch, dùng thuốc phòng ngừa nấm phun đều lên gốc và mặt đất, trước khi cây mọc chồi. Làm được như vậy thì hiệu quả tuyệt đối, trong quá trình trồng bón phân định kì cho cây", ông Nguyễn Duy Dự (51 tuổi) ở thôn Hộn, ở xã Thụy Thanh, huyện Thái Thụy (Thái Bình) tiết lộ.