Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020.
Theo đó, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Vingroup trong quý IV/2020 đạt 35.821 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước do năm 2020 Vingroup không còn ghi nhận doanh thu lĩnh vực bán lẻ.
Tuy nhiên, nếu loại doanh thu bán lẻ trong quý IV/2019, doanh thu quý IV/2020 tăng 21% so với cùng kỳ.
Trong đó, doanh thu bán bất động sản trong quý IV/2020 đạt 22.157 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước nhờ ba đại dự án Vinhomes đi vào giai đoạn bàn giao lớn.
Doanh thu từ cho thuê bất động sản đầu tư và các dịch vụ liên quan trong quý IV/2020 đạt 1.846 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu từ hoạt động du lịch và vui chơi giải trí trong quý IV/2020 đạt 1.052 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Doanh thu từ hoạt động sản xuất trong kỳ đạt 6.903 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế trong quý IV/2020 của Vingroup đạt 4.231 tỷ đồng. Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng báo lãi sau thuế trong kỳ đạt 1.551 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2020, doanh thu thuần của Vingroup đạt 110.462 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong năm này, doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến từ 14.000 tỷ đồng lên 32.157 tỷ đồng, do thanh lý các khoản đầu tư tài chính và bán công ty con.
Cùng với đó, chi phí tài chính cũng tăng từ 8.181 tỷ đồng lên 12.822 tỷ đồng, chủ yếu là do chi phí lãi vay tăng mạnh và chiếm tới 89% chi phí tài chính của Vingroup.
Khấu trừ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng báo lãi trước thuế đạt 13.962 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.388 tỷ đồng. Bình quân, lãi trước thuế 38 tỷ đồng/ngày và 12 tỷ đồng/ngày lãi sau thuế.
Theo bộ phận, thu nhập từ kinh doanh chuyển nhượng bất động sản đạt gần 19.000 tỷ đồng; kinh doanh cho thuê bất động sản đầu tư và các dịch vụ liên quan 2.885 tỷ đồng.
Ngược lại, kinh doanh dịch vụ khách sạn, vui chơi giải trí và các dịch vụ liên quan; hoạt động y tế; hoạt động giáo dục và hoạt động sản xuất và các dịch vụ liên quan khác đều thua lỗ. Trong đó, hoạt động sản xuất và các dịch vụ liên quan khác lỗ gần 14.000 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đạt 424.268 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 135.757 tỷ đồng, tăng lần lượt 5% và 13% so với cuối năm 2019.
Đáng chú ý, tiền gửi ngân hàng tăng cao kỷ lục với 28.157 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền và 11.763 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn.
Trong đó, chủ yếu là do tập đoàn tăng các khoản tiền gửi bằng VND có kỳ hạn từ 1 tháng đến 3 tháng với lãi suất 2,5%/năm đến 4,3%/năm từ 10.807 tỷ đồng lên 19.090 tỷ đồng; tiền gửi ngân hàng và chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn từ 3 tháng đến 1 năm (lãi suất từ 2,2% đến 7,1%) cũng tăng thêm 4.100 tỷ đồng.
Như vậy, riêng khoản tiền gửi ngân hàng và chứng chỉ tiền gửi của Vingroup đã lên mức kỷ lục từ trước đến nay sau khi khoản mục này tăng thêm trên 10.000 tỷ đồng trong năm vừa qua.
Đến 31/12/2020, các khoản phải thu và hàng tồn kho lần lượt giảm 12,7% và 31% so với cùng kỳ, đạt lần lượt 55.764 tỷ đồng và 55.225 tỷ đồng.
Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục ghi dấu ấn khi VinFast đã bán ra tổng cộng 31.500 xe ô tô trong năm 2020, trong đó VinFast Fadil, VinFast Lux A và VinFast Lux SA xuất sắc trở thành mẫu xe bán chạy nhất trong các phân khúc tương ứng.
Cũng trong quý 4, VinFast tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối và bảo hành, bảo dưỡng với tổng cộng 50 showroom/xưởng dịch vụ và 28 đại lý ủy quyền cho ôtô và 70 showroom/xưởng dịch vụ và 50 đại lý ủy quyền cho xe máy điện, hướng tới mục tiêu có mạng lưới showroom/ dịch vụ lớn nhất, phục vụ tốt nhu cầu khách hàng.
Trong tháng 1/2021 vừa qua, VinFast cũng đã giới thiệu ra công chúng hai mẫu xe máy điện thông minh mới Theon, Feliz, và ba mẫu xe SUV điện thông minh sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và sẽ bắt đầu nhận đặt hàng tại Việt Nam từ tháng 5.2021 đối với mẫu VF31 và đặt hàng từ tháng 11.2021 tại Mỹ, Canada và châu Âu đối với mẫu VF32, VF33. Đây là cột mốc quan trọng khẳng định tầm nhìn trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu của VinFast.
VinSmart giữ vững vị thế trong top thương hiệu điện thoại thông minh bán chạy nhất trong quý 4 và bắt đầu triển khai các giải pháp Nhà thông minh (Smarthome) tại hai Đại đô thị Vinhomes Ocean Park và Vinhomes Smart City tại Hà Nội.
Trong tháng 10, Vingroup giới thiệu VinShop – mô hình bán lẻ B2B2C lần đầu tiên tại Việt Nam. Đây là sản phẩm công nghệ có vai trò kết nối cung ứng hàng hóa trực tiếp từ nhà sản xuất tới chủ cửa hàng tạp hóa. Chỉ trong vòng 7 tháng ra mắt, VinShop đã thu hút thành công hơn 55.000 chủ tiệm tạp hoá tại hai thị trường lớn nhất nước là Hà Nội, TP.HCM và bắt đầu mở rộng ra các tỉnh thành lân cận.