Tại thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, người dân nơi đây có tình cảm sâu sắc với Tịnh Nguyệt Đàm (Jingyuetan). Điều đặc biệt thu hút nơi đây là một khu rừng với những ngôi mộ hiện đại. Trước những ngôi mộ này có những con dê đá và hổ đá đứng hoặc nằm trong những tư thế khác nhau.
Khu nghĩa trang này được biết đến là khu mộ của người nhà Kim cổ xưa. Khu mộ này nằm trên sườn đồi ở phía nam của phần trung tâm Tịnh Nguyệt Đàm, trải dài từ Bắc xuống Nam. Khu mộ này trước khi được quy hoạch tu sửa đường nước, nó nằm giáp với một con sông nhỏ trước mặt.
Nơi đây có tổng cộng 2 tượng người đá, 2 con dê đá, 1 con hổ đá, và xung quanh có rất nhiều những viên gạch màu xanh và gạch có vân vải đã bị vỡ nứt. Các tác phẩm điêu khắc trên đá đứng đối diện nhau, tạo thành một lối đi dài khoảng 35 mét và rộng 18 mét.
Phần đầu của tượng người bằng đá đã bị mất trong thời kỳ "Cách mạng Văn hóa", thân cao 1,65 mét, mặc áo dài, thắt lưng có họa tiết kẻ vuông, hai tay cầm cây đàn, đi ủng. Theo tìm hiểu, các chuyên gia cho rằng lối trang phục này gần với kiểu nhà Kim ở Trung nguyên. Lối ăn mặc này cho thấy những người này đã thoát khỏi phong tục tập quán của tộc người Nữ Chân cổ xưa (chỉ người Tungus ở những vùng Mãn Châu và miền Bắc Triều Tiên) và chấp nhận ảnh hưởng của văn hóa Trung nguyên nhiều hơn. Điều đó nghĩa là thời đại của nó phải là vào giữa triều đại nhà Kim sau khi Kim tiến vào trung nguyên với quy mô lớn. (Tộc Nữ chân thành lập nhà Kim từ 1115, đến 1234 thì bị quân Mông Cổ tiêu diệt).
Con dê đá nằm sấp, dài 0,94 mét, cao 0,6 mét, ngoại trừ chiếc mõm hơi khuyết tật, những phần còn lại đều được bảo quản tốt. Con hổ đá đang trong tư thế ngồi, cơ thể cũng bị khuyến nhiều phần, cao 1,1 mét.
Nhìn thấy những ngôi mộ cổ này, các nhà khảo cổ học tỉnh Cát Lâm đã tra cứu thông tin liên quan và xác định nơi đây phải là khu mộ của những người quan võ cấp tam phẩm trở lên. Dựa theo tư liệu nghiên cứu, nơi đây còn có thêm một chiếc bàn đá nữa, nhưng các chuyên gia đã không thể tìm thấy nó do niên đại quá xa.
Sau khi tìm thấy tượng người đá, dê đá và hổ đá, vậy thì khu mộ chính thức nằm ở đâu? Do khu rừng có quá nhiều cây cối và chịu tác động bởi nhiều yếu tố môi trường khác, nên công việc thăm dò khai quật không được diễn ra suôn sẻ. Cuối cùng họ cũng không tìm thấy được lăng mộ chính thức, chỉ tìm thấy từ đường, nơi chủ yếu diễn ra các hoạt động tế lễ.
Theo sử liệu, trong văn hóa tang lễ, thời kỳ đầu của tộc Nữ Chân thịnh hành kiểu "lót xác bằng đất" và "chôn người chết không có quan tài" . Họ không để quan tài trong các ngôi mộ, thậm chí cũng không đắp các gò đất cao và cũng không ủi bằng. Sau khi nhà Kim được thành lập, người Nữ Chân dần phát triển từ kiểu chôn cất ban đầu không có quan tài đến quan tài đá, một thất bằng đá hoặc có cấu trúc giống như gỗ. Các tượng đá như dê đá, hổ đá đứng trước lăng mộ của các quan chức cấp cao, quan tam phẩm trở lên mới được thêm hai tượng người đá nữa.
Việc xuất hiện dê đá, hổ đá, tượng người đá trong khu mộ của người nhà Kim đã cho giới khảo cổ hiểu được về tập tục chôn cất, thờ cũng nguyên thủy xa xưa.
Giai cấp thống trị vào thời nhà Kim là bộ tộc Nữ Chân, tiền thân của họ là bộ tộc Túc Thận - một trong những dân tộc bản địa ở Đông Bắc. Trong hàng chục nghìn năm đốt nương làm rẫy, người Nữ Chân đã săn bắn và chăn nuôi từ bao đời nay. Chính vì điều này mà sau khi ngủ dưới lòng đất, họ sẽ đặt những đồ vật đáng kính này ở bên cạnh.
Lý do tại sao những con dê đá được đặt trước mộ của người nhà Kim vốn rất dễ hiểu. Bởi lẽ dê mang lại hy vọng cho người Nữ Chân. Trong thời đại mà điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt và tồi tệ, chính những con dê đã mang lại cho dân tộc này hy vọng tồn tại. Bất cứ nơi nào họ đi, họ phải mang theo bầy dê của họ, không chỉ để được uống sữa dê mà còn có thể ăn thịt dê để tồn tại. Do đó, sau khi chôn xuống đất, họ cũng lập tượng dê đá.
Đối với những người chuyên săn bắn, hổ là vua của các loài thú, là đối tượng mà nhiều thợ săn muốn chinh phục. Vì vậy, nếu một người có thể giết được vài con hổ trong đời, thì đó sẽ trở thành niềm vinh quang đối với họ. Bởi vậy đối với tộc người Nữ Chân, sau khi qua đời, những con hổ đá được đặt trước mộ để mọi người có thể biết đến những khoảnh khắc vinh quang rạng ngời của họ. Ngoài ra, tất nhiên các bậc quan nhân khi chết cũng mong có người phục vụ mình như khi còn sống. Đó là lý do tại sao lại có sự xuất hiện của những tượng người bằng đá.