Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng đã tập trung đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP). Hội xác định thực hiện các mô hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các mô hình sản phẩm OCOP là nhiệm vụ quan trọng. Từ đây, hàng chục sản phẩm đặc sản được công nhận sản phẩm OCOP.
Với phương châm "Chất lượng làm nên thương hiệu", công tác xây dựng các mô hình sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm luôn được Hội Nông dân các cấp trong tỉnh quan tâm cao trong chỉ đạo thực hiện.
Hội Nông dân các cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát hướng dẫn hội viên, nông dân trong quá trình sản xuất, nhất là các vấn đề về quản lý chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý nguyên liệu đầu vào, liên kết sản xuất,...
Trên cơ sở đề xuất của các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia Chương trình OCOP, Hội Nông dân các cấp phối với với các ngành liên quan, chính quyền địa phương tổ chức xét chọn các ý tưởng tốt, sản phẩm tiềm năng, đủ điều kiện tham gia Chương trình.
Qua 2 năm triển khai thực hiện chương trình, tỉnh đã công nhận 99 sản phẩm OCOP của 52 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, trong đó có 24 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 75 sản phẩm đạt hạng 3 sao; đã đề nghị Trung ương xem xét, công nhận 8 sản phẩm đạt hạng 5 sao,…
Sóc Trăng là tỉnh có nhiều đặc sản nổi tiếng được nhiều người biết, như: Gạo ST24, ST25; gạo tài nguyên; trà mãng cầu; bưởi da xanh; vú sữa tím; bánh in, mè láo; hành tím;… Việc đặc sản được công nhận sản phẩm OCOP sẽ mang đến doanh thu tốt hơn cho chủ cơ sở. Đồng thời, là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh của tỉnh, giải quyết được lao động nông thôn tại chỗ.
Trong năm 2020, mặc dù còn nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 nhưng Hội Nông dân đã chủ động đề xuất, phối hợp với ngành nông nghiệp để thực hiện các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, Chương trình OCOP. Qua đó, tạo động lực mạnh mẽ, nâng đỡ cho các nỗ lực của hội viên, nông dân, các chủ thể sản xuất, huy động cao, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của tỉnh.
Bên cạnh đó, thông qua các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã xây dựng được 70 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như: Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm bò thịt, bò giống); mô hình nâng cao chất lượng chi Hội, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp chế biến cá khô; xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao ST24; phát triển vườn sầu riêng theo chuỗi liên kết sản xuất; nâng cao chất lượng vườn cây vú sữa tím; nâng cao chất lượng vườn bưởi năm roi – da xanh...
Đặc biệt, hiện nay có nhiều hợp tác xã liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài, vào các siêu thị lớn; có những hợp tác xã trở thành vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Ông Phạm Chí Nguyện - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng, thông tin: "Kết quả xây dựng các mô hình sản phẩm OCOP đạt được đến nay chỉ là kết quả bước đầu. Thông qua chương trình đã phát triển thương hiệu các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Trong đó, chủ thể thực hiện là các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác xã. Qua đó phát huy vai trò của tổ chức Hội Nông dân trong xây dựng các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh, gắn với liên kết tiêu thụ nông sản và thương hiệu sản phẩm hàng hóa".
Để phát huy kết quả đạt được trong thời gian tới, để ngày càng có nhiều đặc sản được công nhận sản phẩm OCOP, Hội nông dân tỉnh sẽ chủ động phối hợp với với các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp và cấp uỷ, Chính quyền địa phương thực hiện tốt hơn nữa phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn liền nhiệm vụ chính trị của Hội Nông dân; phát huy vai trò chủ thể của cán bộ, hội viên, nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.