Vụ phóng được tiến hành tại trung tâm nghiên cứu vũ trụ của Iran tại tỉnh Semnan, miền Trung nước này.
Người phát ngôn của đơn vị vũ trụ thuộc Bộ Quốc phòng Iran – ông Ahmad Hosseini nói tên lửa phóng vệ tinh mang tên Zoljanah sử dụng nhiên liệu rắn trong hai giai đoạn đầu của quá trình phóng và đến giai đoạn thứ ba là sử dụng nhiên liệu lỏng. Zoljanah có thể vận chuyển vệ tinh nặng 220 kg hoặc 10 vệ tinh nhỏ hơn vào quỹ đạo cách Trất đất 500km.
Ngoài ra, tên lửa có khả năng được phóng từ "bệ phóng di động", sở hữu lực đẩy động cơ lên tới 750 tấn và có thể đưa vệ tinh vào Quỹ đạo đồng bộ Mặt Trời (SSO).
Tên lửa Zoljanah không đưa vệ tinh lên quỹ đạo trong cuộc phóng thử này. Zoljanah có chiều dài 25,5 m và trọng lượng 52 tấn.
Iran khẳng định chương trình vệ tinh của nước này là vì mục đích dân sự. Tuy nhiên, Mỹ và các quốc gia phương Tây vẫn ngờ vực những vệ tinh của Iran còn được sử dụng cho mục đích quân sự hoặc phát triển vũ khí.
Diễn biến mới này của Iran diễn ra khi chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden đang tìm cách thúc đẩy kế hoạch khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã ký với Iran.
Đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nói rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran miễn là Tehran tuân thủ trở lại thỏa thuận.
Ông Blinken cũng cảnh báo rằng Iran chỉ còn vài tháng nữa là có thể phát triển quả bom hạt nhân đầu tiên của nước này. Ông Blinken nói thêm rằng Tổng thống Mỹ muốn đàm phán một thỏa thuận táo bạo và tham vọng hơn với Tehran để thay thế thỏa thuận cũ.
Tháng 4/2020, Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã phóng thành công vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên của nước này có tên Nour. Trước đó, vệ tinh đầu tiên do Iran tự sản xuất mang tên Omid cũng được phóng thành công lên quỹ đạo tầm thấp của Trái đất vào năm 2009.