Mật mía Thạch Thành - đặc sản giúp người dân "thủ phủ mía mật" kiếm bội tiền ngày Tết
Đến hẹn lại lên, cứ cận Tết nguyên đán là hàng chục lò nấu mật mía trên địa bàn huyện Thạch Thành luôn đỏ lửa, để cho ra đời hàng trăm tấn mật mía - đặc sản mang đậm hương vị quê hương, hương vị tết cổ truyền của xứ Thanh.
Mật mía Thạch Thành - đặc sản mang hương vị tết cổ truyền của xứ Thanh.
Đến hẹn lại lên, cứ cận Tết nguyên đán là hàng chục lò nấu mật mía trên địa bàn huyện Thạch Thành luôn đỏ lửa, để cho ra đời hàng trăm tấn mật mía - đặc sản mang đậm hương vị quê hương, hương vị tết cổ truyền của xứ Thanh.
Không chỉ bận rộn, các lò nấu mật mía còn phải chạy đua với thời gian để cho ra lò sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh. Những năm gần đây, chủ các lò nấu mật mía đã đầu tư mua sắm các loại máy ép mía, vừa mang lại năng suất cao, vừa bảo đảm sạch sẽ, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sau công đoạn ép, nước mía tiếp tục được lọc thêm nhiều lần nữa trước khi đem vào nấu. Công đoạn nấu mật rất quan trọng để cho ra sản phẩm chất lượng, thơm ngon. Quá trình nấu mật kéo dài khoảng 6 - 8 tiếng để tránh bị đóng đường.
Công đoạn keo mật là công phu, mất thời gian và phức tạp nhất. Người nấu phải đảo liên tục và đều tay. Khi mật sôi, nếu không kịp vớt váng bọt, làm mật bị trào thì sẽ có màu đen và kém thơm ngon.
Khi nước mía chuyển qua sền sệt và có màu nâu vàng, việc nung mật mới hoàn tất. Sau khi để nguội, nước mật được lọc lại một lần nữa rồi cho vào dụng cụ chứa đựng.
Mật mía Thạch Thành từ lâu đã trở thành đặc sản nổi tiếng của xứ Thanh với hương vị thơm ngon, hấp dẫn, màu sắc đẹp. Bánh chưng chấm mật được xem là món ăn không thể thiếu trong ngày tết của người dân xứ Thanh. Bởi vậy mà với những người con ở xa, không thể về quê ăn tết thì mật mía Thạch Thành là món quà ý nghĩa, để vơi bớt nỗi nhớ và lại được thưởng thức hương vị quê nhà.
Hương vị ngọt ngào của mật mía không chỉ là món ngon mang đậm hương vị của quê nhà. Ngoài món bánh chưng chấm mật mía ra, thì mật mía còn là gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn như chè, bánh nhè, bánh mật, chè lam, kho cá, kho thịt... Đây là những món đặc sản mà gia đình tôi dành để giới thiệu, đãi khách phương xa đến với Thanh Hóa.
Sở dĩ mật mía Thạch Thành vượt trội về chất lượng là bởi lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và đặc biệt là hàm chứa những bí quyết nấu mật từ bao đời truyền lại.
Hiện nay thị trấn Kim Tân (địa bàn thuộc xã Thành Kim cũ) huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) có 12 lò nấu mật, công suất khoảng 200 tấn mật/vụ. Xã Thạch Sơn có 10 lò, với công suất trên 60 tấn mật/vụ. Hoạt động của các lò nấu mật mía cũng góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Với những lợi thế đó, huyện Thạch Thành đang định hướng xây dựng mật mía trở thành sản phẩm Ocop đặc trưng của địa phương, có chỉ dẫn địa lý, tiến tới xây dựng thương hiệu tập thể.
Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu trên, huyện Thạch Thành đang đầu tư cho sản phẩm mật mía Thạch Sơn. Không chỉ sản xuất mật mía đạt chất lượng thơm ngon, mà sản phẩm đã được đóng chai, can, có nhãn mác, địa chỉ, số điện thoại cụ thể.
Các hộ sản xuất cũng bước đầu quan tâm tới việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm mật mía trên mạng xã hội, sẵn sàng cung cấp và vận chuyển tới mọi miền của Tổ quốc. Đây cũng là sản phẩm đặc trưng của huyện Thạch Thành tham gia các triển lãm, hội chợ, trong các lễ hội văn hóa - ẩm thực - du lịch. Càng gần đến Tết nguyên đán, ở bất cứ phiên chợ nào dù là ở khu vực đô thị hay vùng nông thôn, mật mía luôn là sản phẩm không thể thiếu. Trên mâm cơm cúng gia tiên, cỗ tết, bên cạnh bánh chưng xanh luôn có bát mật mía nâu sánh mang đậm hương vị ngọt ngào của tết cổ truyền xứ Thanh.