Dân Việt

Lên đỉnh Mẫu Sơn cúng Tết cùng người Dao

Liễu Chang 12/02/2021 07:00 GMT+7
Đông đến, trên Mẫu Sơn - đỉnh núi cao gần 1.000m so với mực nước biển, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Lạng Sơn lạnh đến cắt da, cắt thịt. Nhưng trong cái lạnh thấu xương, dưới làn sương mờ huyền ảo kia những bản làng người Dao Lù Gang vẫn đang vui đón tết rộn ràng.

Người Dao ở Mẫu Sơn sống rải rác trên các ngọn núi với nghề trồng trọt và chăn nuôi gia súc. Phong tục, tập quán ở đây vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn. Họ sống trong những ngôi nhà làm bằng đất mát mẻ, người dân thân thiện và không ngại ngần mời khách tới chơi nhất là những dịp tết đến xuân về.

Vui dài cả tháng

Theo phong tục của người Dao, sau một năm lao động vất vả, đến giữa tháng Chạp mọi người đều tạm dừng các công việc để nghỉ ngơi, dọn dẹp nhà cửa, dọn bàn thờ tổ tiên chào đón tết, chọn ngày đẹp phù hợp với dòng họ để tổ chức cúng tết. Thường họ Hoàng sẽ chọn ngày Ngọ, họ Đặng chọn ngày Dần, họ Triệu chọn ngày Mão, ngày Thìn để tổ chức… Tết của người Dao Lù Gang nơi đây diễn ra trong vòng 1 tháng, bắt đầu từ ngày 15 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng. Người Dao trên đỉnh Mẫu Sơn phân biệt tết thành tết năm cũ và tết năm mới.

Tatnien/ Lên đỉnh Mẫu Sơn cúng tết cùng người Dao - Ảnh 1.

Chị em người Dao Mẫu Sơn xúng xính váy áo mới du xuân đầu năm mới. Ảnh: LC

Năm tháng qua đi, cách ăn Tết của người Dao Lù Gang trên đỉnh Mẫu Sơn này vẫn được bảo tồn từ đời này sang đời khác mặc cho cuộc sống có nhiều đổi thay. Đó là một nét văn hóa có tính cộng đồng cao, mang đậm nét đặc trưng của người Dao trên đỉnh núi Mẫu Sơn này.

Thôn Khuổi Cấp thuộc xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, nằm cách TP.Lạng Sơn hơn 30km theo Tỉnh lộ 4A. Trên đường tới thôn vui xuân cùng bà con, chúng tôi đã thấy thấp thoáng giữa vườn mận, vườn đào đang nở là những tà váy áo, khăn mới thêu phơi trên sào nứa.

Là người quen với gia đình anh Triệu Văn Trình (ở thôn Khuổi Cấp, xã Mẫu Sơn), tôi có dịp được đến dự lễ cúng tết năm cũ của gia đình. Mâm cỗ cúng tết gồm 1 con lợn thịt được mổ sạch, gà, bánh chưng, rượu, tiền vàng được cắt bằng giấy bản bày trước bàn thờ tổ tiên. Thầy cúng được anh Trình mời về đã thay mặt gia chủ báo cáo tổng số nhân khẩu trong gia đình, báo cáo kết quả một năm lao động, sản xuất và cúng giải hạn, xua đi những rủi ro trong năm cũ, mời ông bà, tổ tiên cùng những người đã khuất về ăn Tết. Sau khi cúng xong, chúng tôi được mời dùng cơm cùng anh em họ hàng, người thân của gia đình. Trước khi dùng bữa, mọi người đều nâng ly rượu chúc nhau những lời hay, ý đẹp, mong nhiều điều may mắn sẽ đến trong năm mới.

Thầy cúng Triệu Sinh Chìu (ở thôn Nà Mười, xã Đông Ca, huyện Đình Lập), cho biết: Dân tộc Dao có nhiều phong tục đặc biệt và độc đáo hơn nhiều dân tộc khác. Cuối năm, người Dao tổ chức ăn tết cũ thường vào tháng 12 âm lịch hàng năm. Cúng là để đón vía các cụ về và báo cáo kết quả trồng cây, cấy hái, chăn nuôi và báo cáo nhân khẩu của gia chủ sau một năm lao động vất vả.

Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người Dao Lù Gang kiêng bước ra khỏi cửa mà ngồi quây quần bên nhau chúc tụng năm mới. Người lớn thường nhắc nhở, dạy dỗ con cháu những điều hay, lẽ phải, cùng trò chuyện về những điều đã qua trong năm cũ...

"Tính chất cộng đồng, làng bản được thể hiện rõ nét qua tết năm cũ. Các gia đình trong thôn, bản không ăn riêng mà quay vòng. Nhà nào cũng làm khoảng 3 - 5 mâm cỗ, mời họ hàng, làng xóm, bạn bè đến chung vui. Hôm nay ăn nhà này, mai ăn nhà khác. Cứ thế tết cũ kéo dài đến gần dịp Tết Nguyên đán" - thầy cúng nói.

Anh Trình cho biết: Trước ngày diễn ra lễ cúng tết năm cũ, người có tiếng nói trong gia đình sẽ sang mời mọi người, đồng thời nhờ thanh niên, trai tráng qua nhà giúp nấu cỗ. Sáng sớm khi mặt trời mới lên, không khí đã rất tất bật, vui như trẩy hội.

Ngày tết sum vầy

Ông Triệu Sáng Hiền (thôn Khuổi Tẳng) cho biết: Người Dao ăn Tết Nguyên đán giống như người dân cả nước nhưng không có lễ cúng ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp). Sáng 30 Tết, đàn ông, phụ nữ người Dao sẽ thức dậy từ sớm để chuẩn bị mâm cỗ cúng tất niên gồm gà, thịt lợn, bánh chưng, hoa quả, bánh kẹo, đặt 2 bên bàn thờ 2 cây mía, 4 cây tỏi tươi tượng trưng cho 4 mùa trong năm… Lúc này gia chủ không mời thầy đến cúng mà chỉ thắp hương lên bàn thờ. Sau đó cả gia đình quây quần bên mâm cỗ.

Sau bữa cơm tất niên, tất cả mọi người trong gia đình đều phải tắm rửa sạch sẽ bằng nước lá thuốc, mặc những bộ trang phục truyền thống mới và đẹp nhất để đón giao thừa. Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người Dao Lù Gang kiêng bước ra khỏi cửa mà ngồi quây quần bên nhau chúc tụng năm mới. Người lớn thường nhắc nhở, dạy dỗ con cháu những điều hay, lẽ phải, cùng trò chuyện về những điều đã qua trong năm cũ và bàn bạc, dự tính những việc của gia đình mình sẽ làm trong năm mới.