Yêu thương Tết Việt

Hoàng Thu Phố Thứ năm, ngày 11/02/2021 19:00 PM (GMT+7)
Cữ cuối năm thế này, khi bắt gặp những chiếc xe đạp lúc lỉu bông hoa nhựa, hoa nylon rực rỡ sắc màu di chuyển trên phố, tôi lại nao nao nhớ Tết một thuở. Thuở nghèo…
Bình luận 0

LTS: Tết – là những ngày luôn gợi cho ta niềm vui, sự đoàn tụ, sự no ấm, được đón chào nhiều điều mới mẻ. Cùng với sự đổi thay thời cuộc, đổi thay cuộc sống, tết cũng ít nhiều có sự mới mẻ, hoành tráng hơn, cầu kỳ và cả tốn kém hơn… Đón tết nay, người ta vẫn nhắc nhau, kể cho nhau về những cái tết của nhiều năm trước, tết của ngày xưa, ôn lại bao vui – buồn, nhớ thương của tết năm cũ.

1.

Thuở ấy quê nghèo, nhà ai cũng có mấy bông hoa nhựa cả năm gói bọc trong giấy báo, gác trên cao sợ trẻ con nghịch, giờ được lấy xuống, lau rửa rồi phơi khô cho sáng bóng và cắm và chiếc lọ quanh năm cũng cất kỹ nơi góc tủ, góc nhà… Mấy bức tranh Hàng Trống cả năm cuộn lại gác trên bậu cửa, giờ cũng được mang xuống, vuốt trải phẳng phiu để treo lên…

Tết, với nhiều gia đình, bắt đầu bằng việc như thế. Còn bây giờ, mặc dù hoa tươi các loại luôn có, thậm chí nhiều đô thị luôn sẵn hoa nhập ngoại, vậy nhưng những người bán hoa giả rực rỡ sắc màu vẫn len lỏi trong gió bấc tháng Chạp, như mang đến một thông điệp tất niên. Ta có́ thể gặp những chiếc xe đẩy chất ngất những bông những cành hoa giả sặc sỡ sắc màu trên đường trên phố Hà Nội. Ta cũng dễ dàng bắt gặp những quầy bán hoa nhựa, hoa nylon rực rỡ ở những phiên chợ quê. Và những làng nghề chuyên làm hoa nhựa, hoa giấy dịp cuối năm cũng tất bật, rộn ràng…

Không hiểu sao tôi luôn cảm cảm nhận được những thông điệp mùa xuân đã về khi ngang qua những chuyến xe hoa rực rỡ ấy. Nó đánh động những hồi ức xuân một thuở, như đã ngủ yên đâu đó trong lòng. Cũng như khi nhìn thấy đâu đó trong đô thành, thường là ở sự kiện mang tính trưng bày, hay ở Hội chữ Xuân trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) những bức tranh dân gian của làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội)… là thấy một ký ức tết xưa vọng lại.

Tatnine/ Yêu thương Tết Việt - Ảnh 1.

Góc chợ Nủa phiên tất niên. Ảnh: T.P

Tết nay đã khác nhiều so với tết xưa. Nhưng trong những hân hoan tưng bừng của hôm nay, vẫn có những hoài nhớ về một dĩ vãng thơm nồng, vang vọng. Âu cũng là điều có thể hiểu, nhất là trong lòng của những người con quanh năm phải sống xa làng…

Nơi ấy, cũng vào những phiên chợ cuối năm, những bức tranh dân gian được treo lên, rực rỡ cả một góc chợ làng. Tôi vẫn nhớ những năm còn thơ dại, dược mẹ cho đi theo đến phiên chợ Nủa. Chợ Nủa nằm ở xã Bình Phú (huyện Thạch Thất, Hà Nội) họp đều mỗi tháng 6 phiên (mùng 2, mùng 7, 12, 17, 22, 27), nhưng phiên chợ 27 Tết là phiên đông nhất. Khi đó, làng trên xóm dưới, ai ai cũng nô nức đến chợ. Những gia đình có sản vật muốn bán ở chợ thì phải đi từ rất sớm mới có chỗ đề bày. Quãng 4-5 giờ sáng, chợ đã râm ran tiếng người. Nhiều người con phải thắp đèn để bày đồ vì trời mùa đông lạnh và tối. Trong những thứ khiến tôi nhớ rất lâu về phiên chợ tết quê, đó là khu vực bán trầu cau của mẹ, khu vực bán tranh dân gian, và khu vực có bán… bánh rán đường.

Bây giờ, chợ Nủa vẫn họp như thế. Phiên chợ tất niên vẫn đông như nêm. Hàng hóa có những thứ không thể tìm thấy ở những quầy, những ki ốt tạp hóa mà làng xã nào bây giờ cũng sẵn thì đến chợ Nủa vẫn có. Nào cuốc, xẻng, dao, kiềng, kéo… đủ loại. Nào thúng, mủng, dần, sàng, nong, nia… Chỉ không còn thấy những người bán tranh dân gian nữa. Đến chợ bây giờ, trẻ con vẫn náo nức, người già vẫn chờ đợi, còn tôi có chút nuối tiếc…

2.

Bây giờ tết cũng đã khác xưa. Các gia đình không còn chuẩn bị tết từ rất sớm, thậm chí từ giữa năm như trước mà thường đến áp tết mới vào siêu thị sắm một thể. Thế nhưng, ở xứ Đoài quê tôi, vẫn có những thứ đã thành nếp, thành thói quen với người dân. Ấy là tục gói bánh tết. Không chỉ bánh chưng, mà còn hàng chục loại bánh khác, tùy theo nếp làng.

Từ 20 Tết, dì tôi đi chợ chọn lựa từng bó lá về chuẩn bị gói bánh tết. Gạo nếp, đỗ xanh thì dì tôi tự tay cấy trồng được, đã để sẵn đợi tết. Dì tôi bảo, để tới phiên 27 mới mua lá thì sợ không chọn được lá đẹp, lại vội nữa, nên năm nào cũng vậy, chiều 22 tháng Chạp về nhà dì đã thấy đầy đủ lá. Những bó lá dong xanh mượt để gói bánh chưng. Lá chuối khô bản to rộng để gói bánh mật, bánh gai… Quãng 25, 26 Tết, dì tôi bắt đầu rửa từng tàu lá dong, xếp ngay ngắn cho ráo nước. Còn lá chuối khô dì lau khô, vuốt phẳng phiu xếp gọn vào những cái mẹt… Rồi dì còn ra xóm Trại xin mấy chục lá dừa về để làm hộp bánh gai cho đẹp…

Tatnine/ Yêu thương Tết Việt - Ảnh 3.

Giếng ở làng Yên. Hoàng Thu Phố

Mấy cụ già và đám trẻ con ngồi quây quần trông nồi bánh, mùi bánh chưng, mùi ngô nướng khoai nướng quyện vào nhau ngào ngạt… Trong làn gió bấc cuối năm, lại thêm chút mưa bụi như rắc phấn, bắt gặp những bếp lửa ấm ven đường, thấy tết quê bao giờ cũng thật thân thuộc và ấm áp…

Sự cầu kỳ trong việc làm bánh tết không phải là chuyện riêng của dì tôi. Tôi nhận thấy, người dân xứ Đoài chuẩn bị cho cái tết của gia đình từ rất sớm, đặc biệt là việc làm các loại bánh. Thế hệ những người già như dì tôi, sống qua nhiều thăng trầm khốn khó, giữ nếp phải chuẩn bị tết từ sớm như một thói quen đã hằn sâu. Còn bây giờ, dù mọi thứ đã sẵn, nhưng cái nếp chuẩn bị sẵn gạo, đỗ, lá… để gói các loại bánh tết vẫn được những người phụ nữ xứ Đoài chuẩn bị từ rất sớm.

Bánh chưng là loại bánh không thể thiếu trong cái Tết cổ truyền của người Việt. Dân xứ Đoài cũng coi bánh chưng là loại bánh quan trọng nhất. Nhà nào tết đến dù giàu hay nghèo đều gói bánh chưng. Quãng 27, 28 Tết, đi dọc những con đường làng, từ Hữu Bằng qua Thạch Xá sang Chàng Sơn… đều dễ dàng bắt gặp những nồi bánh chưng đang sôi ùng ục. Cạnh đó, mấy cụ già và đám trẻ con ngồi quây quần trông nồi bánh, mùi bánh chưng, mùi ngô nướng khoai nướng quyện vào nhau ngào ngạt… Trong làn gió bấc cuối năm, lại thêm chút mưa bụi như rắc phấn, bắt gặp những bếp lửa ấm ven đường, thấy tết quê bao giờ cũng thật thân thuộc và ấm áp…

Xưa, để đun được nồi bánh, người dân xứ Đoài thường tích trữ gộc tre để đun cho đượm lửa. Nhưng đó là chuyện của một thời đã xa. Giờ, nhiều làng có nghề làm mộc, việc củi đun bánh không phải là chuyện đáng lo. Gạo, đỗ, thịt thà bây giờ cũng dư dả. Nhiều gia đình đông con cháu quây quần đón tết còn nấu 2 - 3 nồi bánh chưng. 25 Tết đun một nồi. Đến chiều 30 lại đun nồi nữa để cúng ông bà, tổ tiên. Đến tối mùng 3, lại nổi lửa đun thêm một nồi to để chia cho con cháu "mang về nhà cúng tết".

Bên cạnh bánh chưng, người dân xã Hương Ngải nổi tiếng với bánh gai. Dân xã Cần Kiệm, Chàng Sơn có thêm bánh mật. Trong khi đó, tết đến, người làng Thạch Xá còn làm bánh chè lam rất đặc biệt. Bột bỏng gạo nếp, mật mía, gừng, lạc rang và thêm chút mỡ lợn loại ngon - chỉ chừng ấy nguyên liệu thôi nhưng mỗi gia đình lại cho ra những mẻ bánh chè lam khác nhau. Đây là loại bánh đã có thương hiệu, được du khách trẩy hội chùa Tây Phương rất ưa chuộng. Ở Thạch Xá, có những gia đình làm bánh chè lam quanh năm. Nhưng vào ngày tết, nhiều gia đình lại "nhớ nghề" mà tự tay làm chè lam để gửi tặng con cháu hay những người thân ở xa như một món quà tết ý nghĩa…

Nhưng độc đáo nhất có lẽ phải kể đến tục làm bánh tết của người dân làng Canh Nậu. Đến tết, dù nhà giàu hay nhà nghèo, dù rảnh rang hay bận rộn, nhà nào cũng làm tới 13 loại bánh. Nhiều gia đình cẩn thận đã chuẩn bị nguyên liệu làm bánh tết từ vài ba tháng trước. Đến ngày ngày ông Công, ông Táo về trời thì chính thức làm để cúng. 13 loại bánh của người làng Canh Nậu gồm bánh chưng, bánh gio, bánh gai, bánh nếp, bánh đúc, bánh tẻ, bánh gấc... Với quan niệm mỗi thứ bánh mang một ý nghĩa khác nhau, ví như bánh chưng thể hiện cho sự sung túc, bánh gio giúp tiêu hóa tốt trong ngày tết, bánh gai bồi bổ cho phụ nữ..., vì thế, bất cứ ai có dịp về làng Canh Nậu ăn tết đều cảm thấy vô cùng thú vị.

Thông qua phong tục làm bánh tết người dân đã lưu dấu một nếp sống đẹp, đồng thời trao truyền cho con cháu những giá trị bất biến của văn hóa xứ Đoài…

3.

Đi trong gió bấc chiều cuối năm, tôi còn nhớ về những chiếc giếng làng. Cùng với cây đa, bến nước, cổng làng và giếng làng góp phần làm nên một bản sắc của làng Việt. Chỉ tiếc, làng quê phát triển, khiến nhiều giếng làng bị lấp, hoặc nguồn nước ngầm cạn kiệt, ô nhiễm khiến giếng làng không còn trở thành nơi cung cấp nước sạch cho con dân của làng.

Tôi nhớ quá về những ngày cuối năm. Bên giếng làng, từ sáng sớm đã thấy người dân ra gánh nước về sinh hoạt, nấu bánh chưng. Giếng còn là nơi người làng tụ lại rửa lá dong gói bánh chưng. Hay như giếng ở thôn Thạch và thôn Yên (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội) vào đêm giao thừa nhiều người vẫn thường đến quảy gánh nước lấy lộc đầu năm…

Bây giờ, đi dọc xứ Đoài, rất nhiều làng còn giếng. Nhưng có một sự thật là hầu hết các giếng làng còn lại hiện đều chỉ như một di sản của làng. Giếng Bìm (Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội) là nơi từng cung cấp nguồn nước cho cả một góc làng Hữu Bằng, nay bị cạn kiệt, để tránh rác rưởi và trẻ con rơi ngã xuống giếng, người dân quanh đây đã thống nhất hàn sắt bọc miệng giếng lại. Cách đó không xa, làng Yên, làng Chàng, làng Thạch, rồi các xã Canh Nậu, Dị Nậu, Hương Ngải… nhiều cái giếng làng cũng đã bị bịt kín. Ở làng Thạch, nhiều người dân cho biết, giếng Ngõ Giữa từng là giếng "tốt nước nhất làng", nay cũng đã bị bịt kín vì hết nước. Trên thành giếng vẫn còn đề rõ năm đào giếng là năm 1939.

Làng quê nay đã khác. Cây đa, gốc gạo nhiều nơi đã không còn, và cũng không phải là nơi cuối làng. Làng quê đã khác xưa. Ao làng, giếng làng đã không còn là nơi sinh hoạt cộng đồng của người làng nữa. Phiên chợ tất niên đã vắng bặt đi nhiều thứ. Tết nay đã khác nhiều so với tết xưa. Nhưng trong những hân hoan tưng bừng của hôm nay, vẫn có những hoài nhớ về một dĩ vãng thơm nồng, vang vọng. Âu cũng là điều có thể hiểu, nhất là trong lòng của những người con quanh năm phải sống xa làng… 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem