Thời nuôi bò không lo mất giá
Chăn nuôi bò thịt từ năm 2008, đến nay, gia đình ông Nguyễn Văn Dũng, thôn Giang, xã Cao Phong (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) đã xây dựng được ngôi nhà khá khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.
Ông Dũng cho biết, do chăn nuôi lợn thua lỗ, năm 2008, sau khi đi học tập một số mô hình chăn nuôi bò, nhất là nuôi bò 3B ở các địa phương, kết hợp tìm hiểu kỹ thuật trên sách, báo, gia đình quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi bò thịt.
Năm đầu, gia đình ông Dũng nuôi bò theo hình thức thả rông, thời gian nuôi khá dài, nên thu nhập không được là mấy.
Nắm bắt nhu cầu thịt bò của thị trường ngày càng cao, năm 2009, gia đình chuyển sang nuôi bò thịt vỗ béo và tăng đàn lên 30 con vào năm 2015. Bò nuôi sau 2- 4 tháng là xuất chuồng bán cho thương lái, cho thu nhập 30 triệu đồng tháng.
Năm 2020, do neo người và khan hiếm bò giống, gia đình chỉ nuôi 9 con bò thịt.
Theo ông Dũng, nuôi bò thịt vỗ béo ít rủi ro, dễ chăm sóc, tiết kiệm được thời gian nuôi, không mất công chăn thả, khả năng thu hồi vốn nhanh.
Chuồng trại nuôi bò khô ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Trong quá trình nuôi bò cần tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng bệnh cho bò. Đặc biệt là tiêm vắc xin phòng ngừa tụ huyết trùng, lở mồm long móng cho đàn bò theo đúng hướng dẫn của ngành thú y.
Thức ăn cho bò, ngoài tận dụng phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại gia đình, ông Dũng chỉ cần trồng thêm cỏ voi kết hợp phối trộn các loại cám, bổ sung thêm chế phẩm sinh học, mật rỉ đường.
Trong trường hợp khan hiếm cỏ có thể sử dụng rơm ủ ure hoặc không ủ để thay thế nên chi phí thức ăn cho bò giảm đáng kể. Đồng thời tạo ra sản phẩm thịt bò an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
Anh Khổng Đình Tưởng, cán bộ thú y xã Cao Phong cho biết: Trong điều kiện khu vực chăn thả ngày càng thu hẹp, trong khi chăn nuôi lợn, gia cầm gặp khó khăn do giá cả bấp bênh thì nghề nuôi bò thịt vỗ béo thu hút nhiều người chăn nuôi trên địa bàn xã.
Từ một vài hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ban đầu, đến nay, nghề nuôi bò vỗ béo này đã phát triển lên 900 hộ với hơn 1.300 con, góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Thu 5.200 tỷ mỗi năm-nuôi bò đóng góp lớn
Từ nuôi 2 con bò thịt giống chất lượng cao, đến nay, gia đình anh Đặng Văn Pháo, thôn Tam Kỳ, xã Đại Tự (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) đã phát triển lên 34 con. Trong đàn bò của nhà ông Pháp có 20 con bò 3B, 14 con bò nái lai Sind đỏ.
Theo anh Pháo, giống bò 3B dễ nuôi, ăn tạp nên tận dụng được hầu hết các loại phụ phẩm nông nghiệp.
Không những vậy, giống bò 3B rất thuần tính, dễ chăm sóc, ít bệnh tật, nhanh lớn và được mệnh danh là “cỗ máy” sản xuất thịt nên người nuôi không phải lo đầu ra tiêu thụ.
Năm 2020, gia đình xuất bán 4 con bò 3B lấy thịt, 8 con bò giống với giá thương lái đến mua 100.000 đồng/kg thịt hơi và 18 - 20 triệu đồng/con bò giống. Sau khi trừ các chi phí, anh Pháo lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng.
Thời gian tới, gia đình tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại, tăng thêm số lượng các giống bò có năng suất, chất lượng thịt cao, nhất là giống bò ngoại, bò 3B, bò lai Sind để nâng cao thu nhập.
Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao về chất lượng thịt bò, những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện việc lai tạo các giống bò thịt mới có năng suất, chất lượng cao bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo.
Các đơn vị, nông dân trong tỉnh tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi vỗ béo bò thịt để tăng trọng lượng xuất chuồng, tỷ lệ thịt xẻ và chất lượng thịt.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ hơn 100.000 liều tinh bò thịt chất lượng cho các hộ chăn nuôi ở các huyện, thành phố gồm các giống bò ngoại "siêu to khổng lồ" như giống bò Brahman, Droughtmaster, Red Angus, Blanc Blue Belge (bò 3B).
Qua đó, tỉnh đã giúp giảm tối đa chi phí phối giống, tăng tỷ lệ bò cái, trọng lượng bò thịt khi xuất chuồng, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người chăn nuôi.
Hết năm 2020, đàn bò trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt hơn 100.000 con; tỷ lệ bò lai đạt trên 90%, đàn bò cái lai sinh sản được lai tạo với các giống bò ngoại chuyên thịt có năng suất chất lượng cao như Brahman, Droughtmaster, Red Agus, BBB…thông qua kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, trọng lượng bò thịt xuất chuồng tăng từ 172 kg/con (năm 2015) lên 186 kg/con năm 2020.
Qua đó góp phần đưa giá trị chăn nuôi năm 2020 của tỉnh Vĩnh Phúc ước đạt hơn 5.200 tỷ đồng, tăng gần 15% so với năm 2015.
Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 54,7% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh và chiếm 50,2% giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm nghiệp thủy sản, là ngành chính góp phần quan trọng trong duy trì tốc độ tăng trưởng chung của ngành.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng đàn bò thịt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian tới, tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp, các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn theo VietGAP để hình thành các vùng chăn nuôi bò thịt tập trung quy mô mô lớn, tạo liên kết theo chuỗi giá trị.
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đẩy mạnh phát triển thụ tinh nhân tạo bò thịt chất lượng cao, bò ngoại, bò 3B; áp dụng công nghệ trong chế biến ủ chua thức ăn từ phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, thân cây ngô bằng ủ chua. Thực hiện phối hợp thức ăn tinh bằng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, tạo ra thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, tăng tỷ lệ tiêu hóa, hấp thu, tiết kiệm chi phí nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi.