Những ngày cuối năm, làng tiếng đục đẽo vang vọng, rộn ràng cả một khu làng ở thôn Thượng Cung, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội. Nơi đây bao qua vẫn nổi tiếng khắp miền Bắc với nghề thợ mộc, chạm khắc tinh xảo.
Nắm bắt được nhu cầu của thị trường dịp Tết Tân Sửu 2021, làng nghề truyền thống mỹ nghệ thôn Thượng Cung cho ra mắt các mặt hàng trâu gỗ cõng chuột, trâu đàn, trâu gia đình, trâu vàng nằm gốc tùng… Từ xưa, con trâu luôn biểu tượng cho sức mạnh, sự gần gũi, tài lộc, may mắn. Chính vì nhiều người ưa chuộng nên trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm hình con trâu được đục đẽo, điêu khắc tỉ mỉ để có những sản phẩm đẹp nhất.
Từ những khúc gỗ khô vô tri vô giác, các nghệ nhân chế tác thành hình con trâu rất độc đáo, khiến nhiều người phải bỏ hàng triệu đồng mua về chơi Tết. Cận Tết số lượng đơn đặt càng tăng lên, trung bình mỗi xưởng xuất đi từ 300 đến 1.000 con trâu gỗ.
Tại xưởng nhà chị Đàm Thị Tú (30 tuổi, xã Tiền Phong), thợ thủ công phải làm xuyên đêm để kịp hàng xuất Tết. Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cũng như xu hướng linh vật năm nay, xưởng nhà chị Tú đã chuẩn bị và bắt nghiên cứu mẫu linh vật từ tháng 5/2020. Khác với những năm trước, các công đoạn làm trâu gỗ hết sức tỉ mỉ, khéo léo, tuân thủ yêu cầu đầu ra, đặc biệt truyền hết nhiệt huyết của nghề bằng tầm hồn mình vào sản phẩm.
Chị Tú cho biết, để đưa ra thị trường các mẫu linh vật trâu đẹp, đảm bảo đầy đủ các yếu tố về chất lượng, kích thước, hình dáng thì xưởng có 2 hình thức sản xuất là đục hoàn toàn bằng tay hoặc sản xuất bằng máy. Mẫu mã, kích thước sẽ được sản xuất theo nhu cầu của khách hàng.
Năm nay, gia đình chị tạo ra những con trâu to béo, khỏe mạnh, chân bước đi và mặt hướng về phía trước thể hiện ý nguyện, mong ước của gia chủ có một năm mới phát đạt. Với tất cả mẫu trâu lớn nhỏ, đến nay xưởng đã đưa ra thị trường cả trong và ngoài nước là gần 1.000 sản phẩm trâu. Giá của mỗi sản phẩm tùy vào kích cỡ cũng từ 400 nghìn – 2 triệu đồng.
Trực tiếp gia công tại xưởng nhà chị Tú, anh Đặng Xuân Dũng (23 tuổi, trú tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) cho hay, năm nay, mẫu trâu nằm trên đống vàng, gốc tùng, trâu mẫu tử, tiểu đồng cưỡi trâu được rất nhiều khách hàng ưa chuộng. Chính vì thế, mỗi một thợ điêu khắc phải trạm trổ thổi hồn vào con trâu sao cho đẹp mắt, thu hút người lựa chọn nhất. Từ chiếc móng, cái răng, phần đầu, thân… được làm rất tỉ mỉ, kỳ công.
"Mỗi người đều mong muốn năm mới tài lộc, khỏe mạnh, rắn giỏi nên mẫu linh vật trâu được thiết kế bụng to, đầu hướng lên trên và chân sải bước về phía trước. Do thời điểm tết cận kề nên số lượng công việc nhiều hơn đáng kể. Nếu sản xuất bằng máy thì một ngày sẽ đưa ra 8 linh vật trâu, tùy thuộc vào kích thước. Với những mẫu trâu to, nhiều chi tiết thì sản xuất bằng máy cần từ 1-2 ngày. Tuy nhiên, nếu đục hoàn toàn bằng tay thì một con trâu cần tới 3-4 ngày", anh Dũng nói.
Chị Tú cho hay, để đảm bảo nguồn cung cầu thì xưởng chủ yếu sử dụng gỗ hương đá nhập khẩu Nam Phi do thớ gỗ chắc, hương thơm, vân gỗ uốn lượn vừa mắt. Mọi năm chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhưng năm nay giảm do dịch bệnh nên đơn hàng làm ra chuyển vào TP.HCM (chiếm trên 50%) và các tỉnh miền Trung.
Tiếp lời chị Tú, anh Dũng cho hay, mọi lứa tuổi đều có thể làm nghề này, cốt yếu nhất vẫn là sự sáng tạo và công đoạn gọt tay tỉa nặn, đánh giấy ráp, điêu khắc hoa văn, tạo hình hài con trâu.
"Tuy nhiên, các công đoạn để hoàn thiện được một sản phẩm đòi hỏi rất nhiều thời gian nên việc ngồi một chỗ rất đau lưng, tê chân và mỏi tay. Để đáp ứng được nhu cầu thị trường, mỗi thợ ở đây thường xuyên tăng ca và nhận thêm việc làm buổi tối" – anh Dũng cho hay.
Thu nhập của anh Dũng và những thợ thủ công khác tại xưởng được trả theo sản phẩm làm được trong ngày. Do đã có nhiều năm trong nghề nên bình quân mỗi người từ 300.000 – 500.000 đồng/ngày. Thậm chí với những thợ giỏi chủ xưởng mộc còn tăng lương.
Là một trong những thợ trẻ lại xưởng, anh Nguyễn Văn Kiên (21 tuổi, quê Bình Lục, Hà Nam) cho hay, sản phẩm đưa ra thị trường phụ thuộc vào trình độ tay nghề của mỗi người từ việc sáng tạo thiết kế bản vẽ cho đến khâu gọt tỉa đường vân, nét vẽ hài hòa, hơn hết trong đó phải có hồn. Ngoài ra, khâu cuối cùng, nước phun phải sạch, bền màu dùng mới được lâu.
"Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên mẫu trâu cũng được thiết kế độc đáo hơn. Ai cũng mong rằng năm tới sẽ có nhiều thay đổi tích cực, cuộc sống đủ đầy và ổn định hơn. Khi được thấy sản phẩm mình làm ra được trưng bày trong các gia đình dịp Tết thì chúng tôi ai nấy cũng vui. Đây cũng chính là động lực để chúng tôi nhận thêm việc, tạo thêm thu nhập cho bản thân và gia đình", anh Kiên nói.