Về việc mỗi tỉnh ứng xử một kiểu với người dân ở các tỉnh thành có ca Covid-19 về quê ăn Tết, tối 4/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định: "Trong thời gian vừa rồi, chúng tôi nhận được phản ánh về việc 1 số địa phương ứng xử với người dân về quê chưa đúng, chưa hiểu hết thế nào là người đi từ vùng dịch, hoặc đi qua vùng dịch, hoặc ở địa phương có những ổ dịch.
Sáng 5/2, Bộ Y tế thông báo, Việt Nam không có ca mắc mới. Như vậy, tính từ ngày 27/1 đến 6h ngày 5/2, liên quan đến ổ dịch Hải Dương và Quảng Ninh, đã có 375 ca Covid-19 lây nhiễm trong nước, đa số ca mắc ở Hải Dương (278 ca), Quảng Ninh (44 ca), Hà Nội (21 ca), Gia Lai (18 ca), Bình Dương (5 ca), Bắc Ninh (3 ca), Hòa Bình (2 ca), Hải Phòng (1 ca), TP.HCM (1 ca), Bắc Giang (1 ca).
Về việc này, đúng là mỗi địa phương một khác và chưa thống nhất. Bộ Y tế đang giao Cục Y tế dự phòng khẩn trương tham mưu, ra văn bản hướng dẫn để có thể thực hiện một cách thống nhất trên toàn quốc. Đối với những địa phương bị phản ánh thì chúng tôi hướng dẫn trực tiếp. Văn bản đang được thực hiện, sẽ nhanh ban hành trong thời gian sớm nhất".
Hiện nay nhiều địa phương đã có quyết định yêu cầu cách ly tập trung hoặc tại nhà đối với người về từ "vùng dịch". Tuy nhiên, theo quy định của nhiều tỉnh, đa số người dân chưa về đến nhà ăn Tết đã được đưa đi cách ly.
Cụ thể, Hải Phòng đã quy định cách ly tập trung đối với tất cả người dân về từ vùng dịch Hải Dương, Quảng Ninh và nhiều phường, xã có ca bệnh Covid-19 của 7 tỉnh, TP ca bệnh Covid-19 như Hà Nội, Quảng Ninh, Hòa Bình, Bắc Giang, Gia Lai...
Việc này khiến khá nhiều người dân hoang mang, lo lắng vì cả năm đi làm mà ngày Tết sum vầy lại không được về với cha mẹ. Nhiều người ở Hà Nội thắc mắc mình chỉ cùng phường với ca Covid-19 nhưng cách nhau 5-7 cây số sao quê mình cũng đòi đưa đi cách ly tập trung nếu mình "lăm le" đến cửa ngõ của tỉnh.
Đối với câu hỏi: "Ai phải cách ly tập trung? Ai được về quê ăn Tết?", Thứ trưởng Tuyên cho biết: "Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế, khu vực là ổ dịch mà được UBND cấp tỉnh quyết định khoanh vùng, phong tỏa thì tất cả các đối tượng F1 đều phải được đưa đi cách ly tập trung;
Các F2 phải cách ly tại nhà và thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, giãn cách với người khác... và tuyệt đối không được di chuyển ra khỏi nhà.
Đối với trường hợp thuộc diện F3, F4 không sinh sống hoặc đi qua các địa điểm bị phong tỏa thì có thể di chuyển đến địa phương khác khi được sự đồng ý của chính quyền địa phương nơi cư trú. Ngoài ra, họ bắt buộc phải khai báo với chính quyền ở nơi đến để được theo dõi y tế. Đồng thời phải theo dõi sức khỏe của mình, nếu có bất thường phải thông báo cho cơ quan y tế.
Theo ông Tuyên, ở vùng không thuộc ổ dịch, không thuộc khu vực phong tỏa, thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Về điều này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cấp cao Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết: "Người từ vùng dịch về các địa phương, theo quyết định sẽ bị cách ly y tế tập trung 21 ngày.
Vùng có dịch được định nghĩa là khu vực được cơ quan có thẩm quyền xác định có dịch. Hiện nay, khu vực có vùng dịch đã được phong tỏa nghiêm ngặt, có chốt chặn, rào chắn cấm người qua lại", PGS Phu cho biết.
Như vậy, vùng dịch phải được xác định bằng sự phong tỏa chặt chẽ của ngành y tế, có chốt chặn, rào chắn.
Còn theo Quyết định số 3468/QĐ-BYT ngày 7/8/2020 về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống Covid-19” mà Bộ Y tế ban hành cũng đã có hướng dẫn về giám sát và các hoạt động phòng, chống dịch theo các diễn biến tình hình dịch bệnh, để các tỉnh, thành phố, đơn vị y tế và các đơn vị liên quan căn cứ áp dụng, tổ chức triển khai theo thực tế tại địa phương, đơn vị.
Tại Hướng dẫn có định nghĩa về ổ dịch: "Ổ dịch: một nơi (thôn, xóm, đội/tổ dân phố/ấp/khóm/đơn vị...) ghi nhận từ 01 ca bệnh xác định trở lên. Ổ dịch chấm dứt hoạt động khi không ghi nhận ca bệnh xác định mắc mới trong vòng 28 ngày, kể từ ngày ca bệnh xác định gần nhất được cách ly y tế".
Theo PGS Phu, hiện nay, điều cần làm đối với người dân từ các tỉnh có ca bệnh về (đến) là khai báo y tế và áp dụng các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, ngồi giãn cách, thường xuyên khử khuẩn…
Tùy diễn biến dịch ở trên địa bàn mà UBND tỉnh sẽ ra quyết định để phong tỏa cách ly tòa nhà, khu phố, thôn, xã hay thành phố, tỉnh... Các địa phương được coi là ổ dịch sẽ phải phong tỏa trong vòng 28 ngày. Địa phương sẽ bố trí các chốt chặn để kiểm soát người ra vào. Người dân ở đây không được ra khỏi khu vực phong tỏa, được tiếp tế lương thực thực phẩm từ bên ngoài vào...
Theo quy định, hướng dẫn thực hiện của Bộ Y tế, khi các ổ dịch được phong tỏa, người dân bị cấm ra ngoài thì sẽ khó có người từ "ổ dịch" về quê ăn Tết được.
"Hiện Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã giao quyền ra quyết định cách ly y tế hay không đối với những trường hợp cần thiết cho UBND tỉnh. Tuy nhiên hiện nay một số nơi đang làm không chuẩn. Chúng ta không thể cấm người dân cả một phường, xã đi lại khi trên ở phường, xã có 1 tòa nhà, 1 ngõ bị phong tỏa vì có ca Covid-19 được.
Ở Hà Nội người ta vẫn cho người dân đi lại, giao thương bình thường, chỉ cấm người dân ở các vùng đang bị phong tỏa ra khỏi nơi phong tỏa mà thôi. Như vậy, người nào cần cấm đi lại, phải cách ly tập trung ở các tỉnh có dịch thì đã "ở yên một chỗ" rồi.
Vì thế, không thể nào lại cấm đi lại hoặc bắt buộc người dân ở Hà Nội và các tỉnh có dịch khác về 1 quê ăn Tết đi cách ly tập trung được", PGS Phu nhận định.
"Về tình hình dịch Covid-19 hiện nay, tôi cho rằng các giải pháp hiện nay mà Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch và các địa phương đang làm là rất tốt. 2 ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh đang được kiểm soát rất chặt chẽ.
Còn một số ổ dịch ở các nơi khác, cố gắng phải phát hiện sớm bởi trong bối cảnh lúc nào cũng có thể phát sinh ca bệnh trong cộng đồng, phải phát huy các giải pháp phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly, dập dịch ngay, có thế mới khống chế không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.
Cũng chính vì sự chủ động đó nên hiện nay, tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Gia Lai đang có ổ dịch nhỏ chứ không lây lan rộng ra cộng đồng"
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên