Bóng đá ngày càng thương mại hóa dữ dội, đặc biệt thị trường chuyển nhượng cầu thủ. Từ đó, môn thể thao vua hình thành nên lực lượng mới nắm giữ tầm ảnh hưởng cực lớn dù không tham gia trực tiếp vào trận đấu. Đó là môi giới cầu thủ, hay gọi một cách dân dã là “cò”. Nói đến “cò”, hẳn nhiên cái tên được nhắc đến đầu tiên là Mino Raiola – gã lái buôn giảo hoạt đến từ thành Naples.
Bị thịt như Mino Raiola dĩ nhiên không sinh ra để đá bóng, dù gã đam mê vô cùng môn thể thao vua. Thực tế, thời trai trẻ gã từng thử sức tại đội trẻ của HFC Haarlem, đội bóng lâu đời nhất Hà Lan, nhưng sự nghiệp chẳng đâu vào đâu.
Trời sinh gã để trở thành con buôn, có chăng gã kiếm tiền trên môn thể thao gã yêu thích, thay vì buôn đất, kinh doanh nhà hàng hay bán sản phẩm. Công việc của gã buôn người qua vai trò môi giới cầu thủ, một cách buôn bán hợp pháp và thời thượng trong kỷ nguyên bóng đá thương mại.
Sở dĩ tuy là người Ý chính gốc nhưng Raiola lại từng tham gia đội trẻ HFC Haarlem là bởi từ năm 1 tuổi, gã cùng gia đình đã chuyển đến sinh sống ở Haarlem, Hà Lan.
Đầu tiên gia đình gã mở cửa hàng bánh sandwich, sau đó đến một tiệm pizza, rồi tới một nhà hàng và hiện tại là chuỗi 25 nhà hàng chuyên phục vụ đồ ăn Ý, với thực phẩm được nhập khẩu từ chính xứ sở tháp nghiêng Pizza, đặc biệt là cà chua San Marzano, quê gốc của Raiola, nơi chiếm 85% thị phần cà chua thế giới.
Raiola dành cả tuổi niên thiếu để phụ giúp gia đình buôn bán, từ bồi bàn đến trung gian chăm sóc khách hàng, môi trường quá ư phù hợp để phát triển tư duy kinh doanh và rèn luyện miệng lưỡi giảo hoạt thay vì tài nghệ chơi bóng.
“Nhờ làm việc tại nhà hàng, tôi học được cách chăm sóc tốt nhất những vị khách của mình. Tôi giúp họ thỏa mãn từ trái tim đến khối óc chứ không đơn thuần chỉ đáp ứng nhu cầu cái dạ dày”, Raiola nhớ lại.
Tất nhiên, ngoài môi trường lý tưởng, gã có thiên khiếu đặc biệt về ngôn ngữ. Những ai từng giao tiếp với Raiola đều thừa nhận gã sở hữu cái miệng nhả chữ với tốc độ súng liên thanh, biết cách sử dụng ngôn từ một cách tinh quái để áp đảo và nhấn nhá uyển chuyển đến mức thôi miên người đối diện.
Không những thế, một ưu thế vượt trội khác về mặt ngôn ngữ của Raiola là khả năng giao tiếp bằng nhiều thứ tiếng. Ngoài tiếng mẹ đẻ là thổ ngữ Naples, gã có thể sử dụng thành thục 7 thứ tiếng, bao gồm Anh, Ý, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hà Lan. Dễ nhận ra, đây cũng là 7 nền bóng đá lớn nhất tại châu Âu.
“Đó không phải trí thông minh, đó là sự chuẩn bị. Tôi xem chương trình Disney bản gốc từ lúc 3 tuổi. 4 tuổi ở Hà Lan bắt đầu học ngoại ngữ. Học được tiếng Hà Lan thì học tiếng Đức rất dễ dàng, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý tương tự nhau. Tôi còn học thêm tiếng Bồ Đào Nha để đối phó với những cầu thủ Brazil”, Raiola chia sẻ.
Thực tế, lúc bắt đầu chập chững vào nghề môi giới cầu thủ, Raiola làm công việc biên phiên dịch tài liệu chuyển nhượng cho công ty Sports Promotion của Jansen, người đại diện cầu thủ quyền lực nhất của bóng đá Hà Lan những năm đầu thập niên 1990.
Raiola tham gia vào các vụ chuyển nhượng một số cầu thủ nổi tiếng người Hà Lan sang các đội bóng Ý, bao gồm nhiều cầu thủ Ajax Amsterdam như Bryan Roy (đến Foggia năm 1992), Marciano Vink (đến Genoa năm 1993), Wim Jonk và Dennis Bergkamp (đều đến Inter Milan năm 1993) và Michel Kreek (đến Padua năm 1994).
Trong vụ chuyển nhượng Dennis Bergkamp, Raiola lén sao chép toàn bộ tài liệu thương vụ rồi nhảy ra lập công ty riêng có tên Maguire Tax & Legal để cạnh tranh với Sports Promotion. Jansen rú lên tức tối vì bị đâm sau lưng còn Raiola đáp lại bằng nụ cười nham hiểm chính hiệu con buôn.
Vô độc bất trượng phu, đó chính là Raiola. Sau này trong suốt sự nghiệp “buôn người”, gã còn nhiều lần ra đòn hiểm ác và phũ phàng hơn nữa.
Trước hết, để hiểu hơn về nghề môi giới cầu thủ nói chung và Mino Raiola nói riêng, cần làm rõ khái niệm “khách hàng”. Tệp khách hàng ở đây không phải người hâm mộ, cũng không phải các đội bóng mà là cầu thủ. Đơn giản, cầu thủ chứ không phải ai khác là người trả tiền cho người đại diện.
Bằng kinh nghiệm làm nhà hàng lâu năm, Raiola xác định rõ tệp khách hàng của gã và thỏa mãn họ từ “trái tim đến khối óc”. Thế nên, những tên ngổ ngáo tầm cỡ như Ibrahimovic, Balotelli hay Paul Pogba đều một mực tin cẩn gã. Zlatan kiêu ngạo cúi đầu nghe gã mắng sa sả vì hiệu suất ghi bàn kém cỏi. Balotelli điên khùng nức nở gọi cho gã đầu tiên khi phát hiện tư gia bốc cháy. Còn Pogba? Tiền vệ người Pháp dính lấy gã như hình với bóng từ khi còn là cầu thủ của đội trẻ Man United.
Về phía Raiola, nhờ gã các cầu thủ kiếm được hợp đồng giá trị gấp bội. Gã rủa xả Moggi, bố già của bóng đá Italia vì dám chần chừ trong thương vụ Nedved, cái tên đưa tên tuổi gã lên tầm cao mới. Gã chấm điểm 0 cho nhân cách của Pep Guardiola vì trù dập Ibra tại Barcelona. Gã gọi Klopp là thằng khốn vì gạt Balotelli khỏi kế hoạch tại Liverpool. Và gã nhiều lần đốp chát với Man United để bảo vệ Pogba.
“Tôi không quan tâm người ta nghĩ gì về tôi. Ai chẳng có người yêu, kẻ ghét. Mà tôi sinh ra đâu phải để làm hài lòng tất cả mọi người”, Raiola từng nói. Thật vậy, người hâm mộ, ban lãnh đạo hay HLV đội bóng căm ghét gã tới đâu đi chăng nữa thì cũng chẳng làm gì được gã. Khách hàng của gã, nhắc lại, là các cầu thủ, chỉ có cầu thủ và duy nhất cầu thủ.
Moggi chẳng từng tuyên bố Raiola đừng hòng bán được cầu thủ nào tại Italia, rốt cuộc gã vẫn đều đặn chuyên chở các thân chủ đến và đi khỏi xứ sở hình chiếc ủng. Nói cách khác, so với các đồng nghiệp, Raiola đã đưa việc chăm sóc khách hàng lên một tầm cao mới. Giống như năm 2016, sau khi đưa Pogba từ Juventus trở lại MU với mức phí kỷ lục 89 triệu bảng, gã tiết lộ: “Tôi không thể xem cậu ta như một khách hàng đơn thuần mà là một người trong gia đình”.
Tóm lại, gã biến công ty môi giới của mình trở thành một gia đình để chăm sóc tối đa cho đám đàn em ngoài đá bóng chẳng biết làm gì. “Gia đình” ấy hiện có 77 thành viên, từ Erling Haaland đến Ibrahimovic, từ Paul Pogba đến De Ligt, Verratti, Xavi Simons v.v.. Đám đàn em này của gã được chuyên trang chuyển nhượng Transfermarkt định giá xấp xỉ 800 triệu euro.
Những màn đốp chát với M.U trong suốt nhiều năm qua có thể xem là biểu trưng cho sự giảo hoạt nhưng hết mình vì thân chủ của Raiola. Tháng 7/2012, Pogba lúc đó 19 tuổi rời bỏ M.U để gia nhập Juventus chỉ với giá 1,5 triệu bảng. Raiola chính là đạo diễn.
Sir Alex ngay thời điểm đó đăng đàn chỉ trích: “Pogba đã ký hợp đồng với Juventus cách đây khá lâu theo như chúng tôi biết, thật đáng thất vọng vì điều đó”. Raiola đáp trả: “Tôi không thấy lão ta cho chúng tôi sự tôn trọng nào cả, thành thật mà nói, tôi khá hạnh phúc với hợp đồng chuyển nhượng này”.
3 năm sau, Sir Alex ra mắt tự truyện Leading, trong đó một lần nữa công kích Raiola: “Có một hoặc hai tác nhân bóng đá mà đơn giản tôi không ưa. Mino Raiola, người đại diện của Paul Pogba là một trong số đó. Tôi đã không tin được hắn ta ngay lần đầu gặp mặt”.
Đó như một lời tiên tri sau này ứng nghiệm vào chính M.U yêu quý mà Sir Alex mất bao công tạo dựng sự vĩ đại. Lý do là dưới thời vị chiến lược gia huyền thoại người Scotland, Raiola bị cấm cửa tuyệt đối. Nhưng sau khi ông nghỉ hưu, gã lái buôn đến từ Naples lập tức chen chân chó sói vào Old Trafford và… phá hoại.
Pogba chỉ là một trong số những thân chủ của Raiola đã và đang biến Nhà hát của những giấc mơ trở thành rạp hài kịch. Ngoài ra còn phải kể đến Henrikh Mkhitaryan, Jesse Lingard, Romelu Lukaku. Tất nhiên, từ ngoài sân cỏ, Raiola quậy phá còn khủng khiếp hơn.
Tháng 4/2018, trước thềm derby Manchester, bỗng dưng Pep Guardiola cho biết Raiola đã liên hệ với ông để đề nghị chiêu mộ cả Pogba lẫn Mkhitaryan trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông trước đó. 6 tháng sau, mối quan hệ thầy trò giữa Mourinho và Pogba bùng cháy, vị chiến lược gia người Bồ Đào Nha chẳng những chỉ trích cậu học trò mà còn chỉ ra nguyên nhân sâu xa là những người tiền vệ người Pháp đang “lắng nghe”.
Đến tháng 7/2019, Raiola tuyên bố Pogba muốn ra đi, sau khi chính tiền vệ này chia sẻ “bây giờ có thể là thời điểm thích hợp để kiếm tìm thử thách mới”. Nhưng 1 năm sau, tháng 8/2020, Raiola lại nói rằng: “Pogba là cầu thủ chủ chốt của M.U. Đội bóng này có một dự án quan trọng và cậu ấy 100% có mặt. M.U sẽ không chấp nhận bất kỳ sự trả giá nào để bán Pogba. Chúng tôi sẽ sớm bàn về hợp đồng mới, đừng quá căng thẳng”.
2 tháng sau phát biểu này, M.U kích hoạt điều khoản gia hạn hợp đồng với Pogba đến 2020. Tất nhiên, lươn lẹo như Raiola thì đừng vội tin. Thượng tuần tháng 12/2020, gã lái buôn này phát biểu trên Tottosport: “Cậu ấy có một hợp đồng sẽ hết hạn sau một năm rưỡi nữa, nhưng tôi nghĩ cách tốt nhất cho các bên là chuyển nhượng Pogba trong kỳ chuyển nhượng tới”.
Sau đó, trước thềm trận đấu quyết định số phận của M.U tại vòng bảng Champions League và 5 ngày trước derby Manchester, Raiola nâng thêm một cấp độ nghiêm trọng nữa bằng cách khẳng định Pogba không hạnh phúc ở Old Trafford và phải chuyển sang đội bóng khác.
Nhiều người bây giờ ngán ngẩm cặp đôi Raiola-Pogba đến tận cổ, điều Sir Alex đã thấy từ 5 năm trước và bây giờ đã quá muộn. Tất nhiên, ai ghét cứ ghét bởi Raiola đang làm tốt nhất có thể công việc của gã. Vô độc bất trượng phu!