Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 1 năm 2021 ước đạt 400.000 tấn với giá trị đạt 144 triệu USD, tăng 88,1% về khối lượng và tăng 97,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Năm 2020, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,76 triệu tấn và 989 triệu USD, tăng 9% về khối lượng và tăng 2,4% về giá trị so với năm 2019.
Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân năm 2020 ước đạt 358,3 USD/tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2020, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính, chiếm 91,8% thị phần, tăng 12,9% về khối lượng và tăng 6,2% về giá trị so với năm 2019.
Đài Loan, Malaysia cũng là 2 thị trường tăng trưởng mạnh nhập khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020, với mức tăng trưởng về giá trị xuất khẩu lần lượt là 15% và 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc tiếp tục tăng về lượng trong tháng 11, đạt 36.300 tấn, tăng 36% so với tháng 10 năm 2020; giá trị xuất khẩu đạt 6 triệu USD, giảm 9% do giá xuất khẩu sắn lát trong tháng 11 giảm.
Dù xuất khẩu sắn tăng mạnh nhưng tại thị trường trong nước, các nhà máy tại Tây Ninh giảm giá thu mua sắn, giá sắn nguyên liệu trong tháng 1/2021 phổ biến quanh mức 2.900-3.100 đồng/kg, giảm nhẹ so với tháng trước.
Giá sắn lát điều chỉnh giảm về mức 5.100 - 5.400 đồng/kg so với mức 5.300 - 5.600 đồng/kg của tháng trước.
Giá tinh bột sắn thành phẩm tại Tây Ninh cũng giảm nhẹ, cao nhất 10.600 đồng/kg đối với hàng nội địa do giá xuất khẩu biên mậu/chính ngạch được điều chỉnh giảm.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tiêu thụ cồn tại Trung Quốc trong dịp Lễ Tết tăng cao sẽ thúc đẩy xuất khẩu sắn lát tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Dự báo tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang Trung Quốc vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt do được hậu thuẫn bởi yếu tố cầu tăng cao và nguồn cung hạn hẹp.