Chuyện nhà văn viết văn và họa sĩ vẽ tranh là đúng với tên gọi, danh xưng. Việc họa sĩ viết văn - làm thơ hoặc nhà văn vẽ tranh xưa nay cũng chẳng có gì là lạ. Nhưng người họa sĩ sinh ra để vẽ hay nhà văn được sinh ra để viết văn đúng nghĩa thì thực sự là điều đáng phải suy ngẫm.
Nghệ thuật nói chung và hội họa, âm nhạc, văn - thơ nói riêng không phải mảnh đất màu mỡ dành riêng cho ai. Cũng không phải để những người thích cảnh vẻ rong chơi, tò mò khám phá đi vào lấy cớ vun trồng, tưới tắm cắt tỉa mà thành. Cho dù người sáng tác đó có ra sức "cày sâu cuốc bẫm". Nhưng thực tế cho thấy, có nhiều người vẫn "cưỡi ngựa xem hoa", hoặc theo bước chân người đi trước, tự làm cái bóng của người xưa mà vẫn hưởng hương thơm trái ngọt. Cũng không lạ!
Viết hay vẽ với tất cả sự nhiệt huyết cùng trí tuệ, bằng cả tấm lòng, bằng cả trái tim cũng là điều rất khó, mà không khó vì: "Người ta vẽ tranh không phải để ai hơn ai, ai thắng ai cả", (trích trong "Tiếp xúc với Nghệ thuật" của Thái Bá Vân).
Việc họa sĩ viết văn - làm thơ hoặc nhà văn vẽ tranh còn là cái duyên, là sự đồng điệu trong nghệ thuật, suy nghĩ trong đời sống thì có thể vẽ cho đúng về con người, chưa nói đến thần thái, cảm xúc con người đó được toát lên trong bức hoạ. Tôi phác họa nhà văn Nguyễn Văn Thọ hay nhà văn Nguyễn Văn Thọ vẽ tôi đều là từ cái duyên, sự đồng điệu nghệ thuật mà vẽ về nhau.
Tôi sang chơi thăm nhà văn Nguyễn Văn Thọ, tác giả tiểu thuyết Quyên chuyển thể thành phim truyện nhựa công chiếu năm 2015 đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình vào một buổi chiều giữa thu năm 2020. Thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn thường ngồi chuyện trò trao đổi từ khi ông bị cưa cắt vào tay. Vì nhà ở gần sát liền kề bên nhau. Khoảng 4 - 5 tháng gần đây ông quay sang vẽ, bởi cuộc sống riêng tư có nhiều xáo trộn, ông muốn nương tựa vào hội họa để vơi bớt nỗi ưu phiền trong tâm và nỗi đau thể xác do 3 lần gặp đại nạn.
Theo ông, trước đây ông cũng từng cầm bút vẽ, cầm dao khắc tranh khi còn nhỏ. Bấy giờ, cha ông đã chỉ dạy cho ông. Cụ thân sinh ông là họa sĩ tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội. Sau hơn 60 năm quay lại, sống lại cùng ký ức, ông thường thức dậy từ rất sớm, đôi khi là 2-3 giờ sáng vẽ miệt mài, vẽ để quên đi những day dứt ngổn ngang đè nặng trong lòng.
Những gương mặt chân dung của người thân yêu, chân dung bạn hữu gần xa cùng những người sống quanh ông dần hiện ra trên các khung vải. Mỗi người một tính cách, một vẻ thông qua cái nhìn và cảm nhận của ông thật là sống động phong phú và đa dạng. Trong khi vừa trò chuyện, ông lấy giấy với cây bút chì phác họa nhanh chân dung tôi. Dáng vẻ thái độ rất nghiêm túc, tập trung cao độ. Sau đó là những ngày hì hục đánh vật với đường nét, màu sắc, hình khối, sáng - tối ... Tôi biết như vậy.
Đôi lúc gọi tôi sang, chìa bức chân dung trước mặt tôi, ông bảo: "Đấy, ông xem đi… thế đấy".
Thật thú vị khi mình được ngắm nhìn lại mình qua một lăng kính khác, rất khách quan, không ràng buộc, không huyễn hoặc. Tôi cảm thấy rất đời thường, rất thực nhưng cũng như mơ...
Đôi lúc, tôi cũng đưa ra một vài ý kiến nhận xét, nhưng có những ý cũng phản đối kịch liệt. Ông là người có cá tính mạnh mẽ. Sống, làm việc quyết liệt cho bản thân được sống. Mặc dù tuổi đã vào hàng xưa nay hiếm, ông sinh năm Mậu Tý (1948). Ở đây là sự thể hiện cách sống, cách nghĩ, cách làm để minh chứng khẳng định về điều cần đề cập được thông tỏ xuyên suốt của một con người. Không chỉ dừng lại ở việc viết hay vẽ. Bởi vậy, những nét vẽ, những mảng màu, bố cục ý tưởng của những bức họa hiện ra cũng phản chiếu một cá tính riêng biệt mạnh mẽ và rất Nguyễn Văn Thọ. Bức vẽ chân dung tôi là tác phẩm thứ 24 của ông.
Tôi nhớ khoảng năm 2006, khi ấy nhà văn Nguyễn Văn Thọ về nước và ông sang nhà tôi chơi. Ông cầm theo tờ báo Văn Nghệ có in trích một phần trong tiểu thuyết Quyên của ông cho tôi xem. Thời gian này, ông vẫn thường đi đi về về giữa Việt Nam với nước Đức xa xôi. Ông không hài lòng về phần minh họa của một họa sĩ. Ông cho rằng, minh họa như thế là họa sĩ không cảm nhận sâu sắc và phản ánh được kịch tính của phần trong tiểu thuyết nói lên...
Chuyện dài dòng một hồi, tôi lấy giấy bút vẽ ký họa chân dung ông. Sau đó thể hiện bằng chất liệu sơn mài trên vóc đĩa tròn đường kính 30cm. Năm 2009, ông lại trở về và hỏi tôi đã vẽ xong chưa? Ông muốn chụp lại in vào bìa một cuốn sách nào đó. Nhưng tôi trả lời ông, tôi vẽ chưa xong. Năm 2012, ông trở về hẳn, xây một ngôi nhà nhỏ ở cuối vườn nhà ông cạnh cây hoàng lan.
Ông cưới vợ, sinh con. Hằng ngày, tôi thấy ông hồ hởi, tất bật sớm tối chăm lo cho gia đình nhỏ của mình. Sau bao nhiêu thăng trầm bôn ba bên xứ người vật lộn với cuộc sống mưu sinh tồn tại.
Giờ đây lại là một bắt đầu mới, một trang mới. Năm 2014, khi vẽ bức chân dung tiếp tôi đã thêm vào hình ảnh cậu con trai nhỏ đang nằm lim dim mơ màng trong đám mây xanh, lơ lửng trên đầu người cha, là một động lực mạnh mẽ hứa hẹn về tương lai tươi sáng.
Khuôn mặt người cha qua bao thăng trầm đanh lại và là nền tảng cho con, đang cố vươn lên trong sáng tối của đất - trời. Đúng là "lão mai sinh quý tử. Hoàn thành tranh xong, tôi bưng sang tặng ông. Ông vui mừng phấn khởi treo trang trọng ở phòng khách rồi rủ tôi tới quán bia trong làng Ngọc Hà làm một chầu nhậu tuý luý.
Ấy vậy mà dịp hè năm 2020, ông gọi tôi sang chơi, trà lá một hồi ông nói: "Ông mang tranh về sửa giúp tôi, nó bị rơi vỡ ở cạnh. Không thể để như thế này được!".
Rồi ông kể, trước khi ông bị lưỡi cưa đứt tay thì bức tranh tự nhiên rơi xuống đất, treo lên lại rơi…
Phải chăng? Tranh là người, văn cũng là người. Tranh nào người ấy, văn thế nào người thế ấy.
Nghệ thuật thực sự đã sản sinh ra một chất keo kết dính giữa con người với nhau, xích lại gần nhau hơn, vượt trên tất cả nhìn nhau nhân ái hơn trong cuộc sống.
Khi nhận bức chân dung nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã vẽ tôi. Tôi nói vui: "Khi túng có được bán không anh?". Ông nhìn tôi cười trả lời: "Nếu túng bấn... cứ bán". Chất giọng rất quả quyết. Hai chúng tôi cùng cười vang.
Ngoài kia không khí Tết đã tràn về trên từng con phố, từng ngõ nhỏ, từng ngôi nhà. Những cành đào chúm chím nụ, bên cạnh những bông nở sớm khoe sắc xuân khiến lòng tôi ấm lạ. Xin được kết thúc bài viết bằng những dòng nhận định của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về nghệ thuật, tôi đã tâm niệm nhớ được khi đọc ở đâu đó: "Mục đích tận cùng của nghệ thuật là đưa con người ta trở về với chính bản thân mình".
Ngọc Hà, Hà Nội, những ngày cuối năm Canh Tý!
Hoạ sĩ Nguyễn Trà Vinh (sinh năm 1970) tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1995 (nay là trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (số 42 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Họa sĩ đã có nhiều tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông cũng nhiều lần có triển lãm cả trong vào ngoài nước.
Những tác phẩm chính: Tiếng chuông chiều (sơn mài cỡ 100x300, năm 2004); Giấc mơ (sơn mài cỡ 80-120, năm 2005) tham gia triển lãm quốc tế tại bắc Kinh; Xuân Hồng (sơn mài cỡ 80-200, năm 2006 được in trong cuốn Mỹ thuật Việt Nam thời kì đổi mới...