Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với
điều khoản sử dụng của
báo Dân Việt
Đăng nhập
Email
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Khi nhấn đăng ký đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với
điều khoản sử dụng của
báo Dân Việt
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chiêm ngưỡng bộ sưu tập đồ cổ quý giá của anh nông dân xứ Nghệ
Chiêm ngưỡng bộ sưu tập hàng nghìn mẫu vật cổ quý giá của một nông dân xứ Nghệ
Dung Thỏa – Trung Thuần
Chủ nhật, ngày 07/02/2021 07:11 AM (GMT+7)
Với niềm đam mê đồ cổ như "ngấm vào máu", anh Nguyễn Duy Long, trú tại xã Văn Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An), đã miệt mài đi khắp nơi tìm kiếm, sưu tầm hàng ngàn mẫu vật cổ quý hiếm. Sau hơn 20 năm, người nông dân này đã tạo nên một “bảo tàng đồ cổ thu nhỏ” trong chính ngôi nhà của mình.
Tìm đến nhà của anh Nguyễn Duy Long SN 1971, trú tại xã Văn Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An), chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi số mẫu vật cổ quý hiếm mà anh đang sở hữu. Đếm sơ quan có đến hàng nghìn hiện vật, trong đó hàng trăm đồ cổ có giá trị.
Theo lời kể lại, sau khi tốt nghiệp trường THPT, anh Long ở lại quê nhà, lấy vợ, sinh con và nối nghiệp nông gia. Ngoài mấy sào ruộng, anh còn chăn nuôi gia súc, gia cầm và đi buôn bán ở chợ để kiếm thêm thu nhập. Cuộc đời những tưởng sẽ trôi đi một cách bình dị như bao người nông dân khác.
Thế nhưng, khi bắt đầu bén duyên với niềm đam mê cổ vật, anh Nguyễn Duy Long nhớ lại: "Từ nhỏ tôi đã rất thích những họa tiết, những hình dáng của các đồ gốm sứ cổ. Sau này lớn lên tôi đã quyết định tìm hiểu về các loại cổ vật qua thời sự, phim ảnh, sách báo. Niềm đam mê qua năm tháng càng mãnh liệt hơn".
Từ năm 2000, anh Long bắt đầu cuộc hành trình săn tìm cổ vật ở địa phương, rồi đi khắp nơi trên tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Bao nhiêu vốn liếng anh đều đổ dồn vào, anh còn cắm cả sổ đỏ để mua các cổ vật.
Clip: Chiêm ngưỡng "bảo tàng thu nhỏ" đồ cổ anh Nguyễn Duy Long (SN 1971, trú tại xã Văn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An).
Mới bước vào nghề, anh đã nhiều lần bị "cò" lừa mua phải đồ giả mất cả chục triệu đồng. Hay nhiều khi đến nơi nhìn món đồ không ưng ý, chủ nhà đột ngột thay đổi ý định không bán thì mất công sức và tiền tàu xe.
Mỗi một món đồ cổ có giá trị khác nhau, có món chục triệu đồng nhưng lại có món lên tới cả trăm triệu đồng, không phải ai có tiền cũng có thể mua được chúng. Để mua được người chơi đồ cổ cũng phải có tâm cũng như có có duyên mới có thể sở hữu .
Chị Phan Thị Hương (vợ anh Long) chia sẻ: "Ngày đầu tiên, lúc anh Long đam mê với đồ cổ gia đình rất khó khăn, ai cũng phản đối. Nhiều lúc thấy chồng đi mấy ngày liền mới mua được một món đồ cổ, thậm chí thế chấp cả sổ đỏ vay tiền ngân hàng để đi tìm cổ vật khiến tôi bực tức lắm. Nhưng trước niềm đam mê mãnh liệt của anh, dần dần phần nào tôi cũng có thể hiểu được, tôi cũng đã đổi ý và giúp chồng mình. Có khi buôn bán xa, thấy có vật gì mọi người nói đó là đồ cổ thì tôi cũng mua về cho anh ấy dựa vào kiến thức anh ấy chỉ dạy".
Căn nhà cấp 4 đơn sơ của anh được tận dụng hầu hết không gian để trưng bày đồ cổ, nhiều cổ vật quý hiếm được góp mặt. Từ cổng vào sân có rất nhiều chum vại, chóe sành, cối đá, bình gốm,… có niên đại hàng trăm năm, có những cổ vật niên đại hàng nghìn năm được bày trí xen dưới các gốc cây cảnh trong vườn.
Trong nhà, trên những chiếc tủ kính bày biện vô số các món đồ sứ, đồ gốm, đồ gỗ, đồ đồng như: Đĩa, chén, liễn, lọ, thạp, thống, tượng các loại, đồ đá thời Việt cổ, cổ vật thời Lý, Trần, Hán, Tống,… tất cả được sắp xếp rất quy củ và khoa học.
"Việc sưu tầm cổ vật không chỉ đam mê, mà còn mang rất nhiều ý nghĩa. Mỗi món đồ cổ đều thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ. Hơn nữa mỗi cổ vật đều gắn liền với một giai đoạn lịch sử khác nhau. Đó cũng là cách để giữ gìn và lưu lại những giá trị cổ xưa, thứ mà thời đại bây giờ dùng tiền cũng không thể mua được. Cho nên đối với tôi những cổ vật biết nói này giống như những người bạn, cái nào tôi cũng quý"- anh Long tâm sự.
Đến nay, "bảo tàng" đồ cổ của anh Long đã được nhiều người trong giới chuyên môn đầu ngành ghi nhận và đánh giá cao. Những người chơi đồ cổ cũng thường xuyên ghé qua nhà anh giao lưu, học hỏi và trao đổi cổ vật với nhau. Ngôi nhà anh còn là địa điểm khách du lịch ghé thăm, họ đều là những người có chung niềm đam mê cổ vật và thích tìm hiểu những giá trị cổ xưa.
Anh mong muốn ngày càng có nhiều người am hiểu và sưu tầm đồ cổ hơn để góp phần giữ gìn tinh hoa văn hóa lịch sử xa xưa, để con cháu sau này có thể hiểu và trân trọng những giá trị vô giá mà ông cha ta để lại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.