Đầu thế kỷ 21, tên tuổi nhà văn "lão nông" Ngô Phan Lưu tự dưng trở nên đình đám khi đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ 2006-2007. Tiếp đó, ông được nhiều nhà xuất bản săn đón. Những ngày giáp Tết Tân Sửu, tôi đến thăm nhà văn đang nằm bệnh…
Nằm bệnh nhớ cà phê
Mưa lạnh cứ kéo dài, đến bệnh viện những ngày Covid-19 phải qua đủ khâu kiểm tra. Rồi tôi và anh bạn cũng lọt được vào Bệnh viện đa khoa Phú Yên, đến khoa hồi sức cấp cứu, nơi nhà văn Ngô Phan Lưu đang nằm giường số 3. Ông đang thiêm thiếp, vóc hình phù nề, đang gắn ống thở máy. Nghĩ ông đang hôn mê, thế nhưng sáng sau, anh Khương (con rể anh Ba Lưu) điện tôi: Ba biết hết.
Anh Khương nói: "Mấy anh thăm xong đi ra, ba thức dậy. Ba mấp máy nói thằng Tứng và thằng Hoa vừa vô đứng dòm dòm tao. Lúc tỉnh, ai đến thăm, ba đều ghì tay không muốn cho về. Bữa rồi, ba đòi gặp má (chị Ba Lưu - NV) nhưng thằng Doãn (con út Ba Lưu - NV) chỉ đến một mình, ba hờn. Có hôm, ông nói muốn gì đó mà không ai "dịch" ra. Lấy tấm bảng học trò thì ba viết chữ nhỏ rí "cà phê". Mấy y bác sĩ cười: Cụ ơi, đang nằm hồi sức cấp cứu, không được uống cà phơ".
Tôi nói với anh Khương "may, anh Ba không nhớ bia rượu, thuốc lá".
Cách đây mấy hôm, anh Khương lại nhắn "Ba đòi về nhà ăn Tết". Theo anh Khương, sáng 8/2, gia đình đưa nhà văn Ngô Phan Lưu về nhà được một lúc thì ông ra đi…
Ngô Phan Lưu vốn là kẻ ham vui. Thế nên cách đây mấy năm, anh em bất ngờ khi ông bỗng dưng xa rời hẳn tất cả các cuộc bù khú, bù lại, ông lại viết rất khỏe. Tôi hỏi "anh định đổi rượu lấy văn?", Ngô Phan Lưu phân trần: "Xin anh em thông cảm. Sau khi tôi mua một gói khám sức khỏe tổng quát, mới biết rõ sức khỏe mình có vấn đề. Thế nên, giữa sự sống dài lâu và bia rượu nhất thời, tôi buộc phải chọn sự sống. Bệnh tình phải uống thuốc và kiêng bia rượu".
Hỏi có tiếc không, ông nói: "Những ngày "bia rượu" bạt mạng lúc trước không phải là những ngày hoành tráng. Đó là những ngày "ma đưa lối quỉ đưa đường". Nay không dùng bia rượu mới là những ngày hoành tráng. Do đó, phải mừng chứ không tiếc". Tôi cãi "có tí mới thăng hoa chứ", ông e hè: "Phải có men mới thăng hoa sáng tạo" à? Đó là chuyện ngớ ngẩn đến mức khôi hài. Có "men" chỉ được mỗi một việc là viết dở mà vẫn cứ thấy hay. Ngoài ra chẳng được việc gì nữa".
Nhà văn phải biết nghe lời nhân vật
Ngô Phan Lưu không phải là người hoạt ngôn nhưng chịu khó nghe thì thấy lão này có duyên! Người thích những cuộc nói náo động sẽ cảm thấy trò chuyện với Ba Lưu chán chết. Cái duyên của ông nằm trong những đối đáp rời rạc, giật cục nhưng giàu chất học giả đồng quê. Đối với ông, chuyện gì cũng có giải đáp, dù đôi khi chả "trúng trật" gì nhưng cũng đem lại điều gì đó ý vị.
Tính ông xuề xòa, đối xử thân tình từ lớp cao niên đến lũ đàn em. Khi tôi tò mò vì sao chọn "đánh" truyện ngắn, Ngô Phan Lưu à à nhớ lại: "Cuối thế kỷ 20, một hôm nông nhàn, tôi nằm gác chân lên cửa sổ đọc cuốn tạp chí. Tôi đọc được hai bài của Kundera và Ortega về văn chương và tổng hợp ý của hai ông như thế này: Sai lầm to nhất của một nhà văn, một người cầm bút là muốn viết giống như đời. Không, thế giới truyện ngắn phải biệt lập với cuộc đời, dù rằng được lấy chất liệu từ cuộc đời. Phải biệt lập với cuộc đời để đi được vào cuộc đời. Tôi thấy chí lý quá và thử viết truyện ngắn".
Thực sự, tôi thấy truyện ông dễ đọc mà khó quên, bởi lối văn nói của người quê Nam Trung bộ, khơi khơi mà như học giả. Hỏi về "chiêu nghề" dựng truyện ngắn, ông cười hì hì nhưng nghiêm túc: "Trước tiên, tôi "treo" một cái chủ đề. Từ đó, biến chủ đề thành sự kiện, rồi nghĩ ra các chi tiết để sắp xếp thành một chuỗi hành động. Vậy là có truyện. Có điều tôi không nghĩ được toàn bộ một cái truyện trước khi viết, mà thường thì khi "treo" được chủ đề là tôi vừa viết vừa nghĩ. Sự kiện và chi tiết, hành động tự nhiên lộ ra tình cờ. Hành động của nhân vật tôi cũng tự nhiên mà ra. Nhà văn phải biết nghe lời của nhân vật, theo nhân vật. Nếu nhà văn mà khôn hơn nhân vật là... hỏng truyện!".
Đời Ngô Phan Lưu long đong đủ nghề. Như chính sau này ông kể: "Tôi ở quê riết từ nhỏ đến lớn. Nghề chính là làm ruộng, những ai thân thiết thì gọi là "thằng bá nghệ". Hồi cuối những năm 1980, tôi dụ bà xã bán đàn bò để... kinh doanh bằng cách lập sân trượt patin trong sân nhà vì thấy ở phố người ta hái ra tiền với kiểu làm này. Hậu quả là đàn bò đi tong, còn tôi có thêm nghề... sửa trặt chân tay cho các cậu nhỏ trong xóm cùng với lời "mắng vốn" của các vị phụ huynh. Tôi cũng làm nghề thuốc đông y do ông già truyền lại, nhưng cũng chẳng sống được. Vậy là tôi chuyển sang làm nghề chụp ảnh. Sau một lần chụp đám cưới rọi ra... không có hình, tôi quyết định nghỉ nghề này luôn!".
Về con đường thể loại chữ nghĩa, Ngô Phan Lưu vẫn không giấu sự dí dỏm: "Phàm ai dính vào nghiệp bút nghiên thì đều khởi sự bằng thơ. Tôi cũng vậy. Nhưng khi thơ thất bại thì chuyển sang... văn. Tôi còn hoạch định nghề nghiệp của mình thế này: Tôi sẽ cố gắng hết sức với văn, rồi thì sẽ đến lúc thất bại với văn. Khi đó tôi chuyển sang làm... nhà phê bình. Nếu thất bại nữa thì làm nhà... xuất bản. Nếu làm xuất bản mà lỗ thì tôi quay lại làm... thơ".
Dịch giả, nhà văn Đào Minh Hiệp (nguyên Chủ tịch Hội VHNT Phú Yên) nhìn nhận: "Ngô Phan Lưu đã có thời gian dài chiêm nghiệm cuộc đời, nén chặt lại và đến thời điểm bung ra là ấn tượng".
Nhà văn Ngô Phan Lưu sinh năm 1943 tại xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, Phú Yên. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam . Giải nhất cuộc thi truyện ngắn Tuần báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn VN 2006-2007. Sách đã in: Bếp lửa chiều Đông (tập thơ, 1997); Người không giăng câu Kiều (tập truyện ngắn, 2004); Cơm chiều (tập truyện ngắn và tản văn, 2008); Xoa tay và cười (tập truyện ngắn và tản văn, 2009); Con lươn chép miệng (tập truyện ngắn, 2010); Tờ lịch gỡ mỗi ngày (tập tạp văn, 2013)…