Dân Việt

Mùng 4 Tết gặp "siêu" nông dân tuổi Sửu nuôi hàng vạn con gà Ai Cập, vì dịch Covid-19 tồn 600.000 quả trứng

Trần Quang 15/02/2021 15:10 GMT+7
Dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, sản phẩm làm ra bị tồn dư, thua lỗ nhiều nhưng nông dân Việt Nam xuất sắc 2018 tuổi Sửu Ngô Văn Ánh (sinh năm 1973), chủ trang trại gà đẻ trứng hàng chục nghìn con ở Bắc Giang vẫn đặt quyết tâm làm ăn có lãi trong năm Tân Sửu.
Đầu xuân gặp "siêu nông dân" tuổi Sửu sở hữu hàng chục vạn con đẻ trứng đỏ sẵn sàng đương đầu húc văng Covid-19 - Ảnh 1.

Ông Ánh đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng hiện đại nhất, nhì ở Lục Nam.

Vươn lên từ thất bại

Mùng 4 Tết xuân Tân Sửu 2021, trò chuyện với PV Dân Việt, ông Ánh kể: Năm 2008, ông mạnh dạn nhận khoán của xã gần 2ha đất đồi, đầm lầy, trong đó có gần 8.000m2 xây trang trại nuôi gà ISA nâu của Mỹ. 

Đây là giống gà chuyên đẻ trứng cho năng suất từ 300-320 trứng/con/năm, cao gần gấp 10 lần so với những giống gà phổ biến.

Sở dĩ, ông Ánh đầu tư vào mô hình này vì được tiếp cận qua các phương tiện truyền thông và nhận thấy nhiều triển vọng, trên địa bàn tỉnh chưa có ai nuôi. 

Ban đầu, ông Ánh nuôi gà thuê cho một công ty ở Hà Nội, quy mô 6.000 con gà nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm nên gà chết hàng loạt, năng suất trứng rất thấp. Sau đó, công ty này phá sản, đồng nghĩa khâu tiêu thụ trứng của gia đình bị đình trệ.

Do không tìm được thị trường, hơn nữa vỏ trứng của giống gà nguồn gốc từ Mỹ này có màu nâu đỏ, phần lớn người tiêu dùng lầm tưởng trứng gà Trung Quốc nên trả giá rất rẻ, chỉ vài trăm đồng/quả, tiêu thụ chậm. Đã vậy, 6.000 con gà đẻ hơn 5.000 trứng/ngày, thức ăn chăn nuôi lại đắt đỏ.

"Từ năm 2011-2012, dù bị thua lỗ tới gần 3 tỷ đồng nhưng chúng tôi vẫn không nản chí mà quyết tâm đứng lên làm lại từ đầu", ông Ánh nhớ lại.

Với suy nghĩ đó, ông Ánh chuyển hướng sang nuôi gà Ai Cập - cũng là một giống gà công nghiệp siêu trứng và nghĩ cách tìm kiếm thị trường tiêu thụ ở các khu công nghiệp, đơn vị bộ đội, trường học, hệ thống nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh..., kết hợp tham quan, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi gà ở nhiều nơi. 

Đầu xuân gặp "siêu nông dân" tuổi Sửu sở hữu hàng chục vạn con đẻ trứng đỏ sẵn sàng đương đầu húc văng Covid-19 - Ảnh 2.

Trang trại của ông Ánh hiện đang nuôi 3,2 vạn gà Ai Cập, giống gà công nghiệp siêu trứng. Trung bình mỗi ngày đàn gà của ông cho ra lò trên dưới 2 vạn quả trứng.

Cùng với đó, ông Ánh đầu tư trang trại chăn nuôi bài bản, gồm 5 khu với gần 3,2 vạn con gà, có hệ thống làm mát tự động, camera giám sát, nhiệt độ trong chuồng duy trì 22-30 độ C tùy theo mùa, chuồng trại thường xuyên được khử trùng.

Theo ông Ánh, dù có nhiều ưu điểm nhưng nếu người nuôi không nắm rõ đặc tính gà, sẽ gặp rủi ro. Chẳng hạn, nhiệt độ quá lạnh gà dễ bị hen, hay quá nóng gà có thể bị tiêu chảy.

Thời điểm năm 2017-2018, trung bình mỗi ngày ông Ánh thu gần 2 vạn quả trứng, lượng cám 2,5-2,7 tấn/ngày (tương ứng 20 triệu đồng). Mỗi năm, doanh thu từ mô hình đạt gần 9 tỷ đồng, trừ chi phí lãi gần 1,5 tỷ đồng. 

Từ năm 2017 đến nay, mô hình chăn nuôi gà đẻ kiểu mẫu của ông luôn thu hút nhiều đoàn khách trong, ngoài tỉnh tìm đến tham quan học hỏi.

Đầu xuân gặp "siêu nông dân" tuổi Sửu sở hữu hàng chục vạn con đẻ trứng đỏ sẵn sàng đương đầu húc văng Covid-19 - Ảnh 3.

Do đạt nhiều thành tích trong sản xuất, giúp đỡ tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân tại địa phương, ông Ngô Văn Ánh đã được Thủ tướng Chính phủ và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tỉnh vinh danh.

Nhiều kế hoạch mới

Dù từ cuối năm 2019 và sang năm 2020 bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng đầu ra sản phẩm của ông Ánh vẫn khá thuận lợi, trang trại vẫn đảm bảo làm ăn có lãi.

Tuy nhiên, đến dịp cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vừa qua xuất hiện đợt đại dịch lần 3, nhiều đầu mối công ty, trường học ở trong và ngoài tỉnh tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19 khiến cho trang trại của ông bị tồn hàng rất nhiều.

Ông Ánh cho biết thêm, mới đây ông đã liên hệ kết nối lại với các bạn hàng tại các tỉnh và các đầu mối đều có phản hồi tích cực.

"Tính đến thời điểm này, trang trại của tôi đang tồn trên 600.000 quả trứng gà. Cùng với các tác động của đại dịch làm sản phẩm khó tiêu thụ, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng..., hiện mỗi ngày chúng tôi phải chịu chi phí chăn nuôi hàng chục triệu đồng nhưng bản thân tôi vẫn tin tưởng mọi thứ sẽ được giải tỏa vào năm 2021 này" - nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018 sinh tuổi Sửu nói. 

Đầu xuân gặp "siêu nông dân" tuổi Sửu sở hữu hàng chục vạn con đẻ trứng đỏ sẵn sàng đương đầu húc văng Covid-19 - Ảnh 4.

Do ảnh hưởng bởi đại dịch, từ trước Tết Nguyên đán đến giờ trang trại của ông Ánh đang tồn hơn 600.000 quả trứng gà nhưng ông vẫn lạc quan, hy vọng thị trường đầu xuân 2021 sẽ khởi sắc hơn.

Tiết lộ thêm với PV Dân Việt, nông dân Việt Nam xuất sắc 2018 ở Bắc Giang khẳng định, trong năm 2021 này, vợ chồng ông đang có nhiều dự định lớn để ứng phó với biến đổi của thị trường trong đại dịch.

Theo đó, vợ chồng ông sẽ tiếp tục thực hiện dự án xây dựng trang trại lợn nái công nghệ cao 400 con trên diện tích 2ha ở địa phương. "Đến hôm nay chúng tôi đã chuẩn bị xong mọi việc, chỉ cần chờ chính quyền địa phương cho chuyển đổi quy hoạch chăn nuôi nữa là gia đình sẽ tiến hành xây dựng trang trại để chăn nuôi lợn ngay", ông Ánh chia sẻ.

Bên cạnh việc chăn nuôi lợn công nghệ cao, ông Ánh vẫn sẽ tiếp tục duy trì trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng và cung cấp phân gà hữu cơ khách hàng ở trong và ngoài huyện.

"Bản thân tuổi Sửu (sinh năm 1973) như con trâu đi cày quanh năm, mọi việc đều phải tự lực làm nên cũng vất vả, gian truân nhưng đổi lại tôi thấy mình lại rất tự lập, bản lĩnh nên dù gặp khó khăn, thách thức gì cũng vượt qua được" - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2018 Ngô Văn Ánh.